Ngành y tế tỉnh: Chung tay ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tính đến nay, Bình Dương đã ghi nhận 1.089 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), không có trường hợp t‌ử von‌g. Số ca mắc được ghi nhận tại 9/9 huyện, thị, thành phố. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc SXH giảm 60% nhưng dự báo thời gian tới có thể gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh SXH, vệ sinh thông thoáng nơi ở, diệt lăng quăng, bọ gậy.
Ngành y tế tỉnh: Chung tay ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa
 Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát, điều tra dịch tễ các khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh

Tất cả các địa phương đều ghi nhận ca bệnh

Hiện tại cả 9 huyện, thị, thành phố đều ghi nhận bệnh nhân mắc SXH, trong đó số ca mắc tập trung ở TX.Bến Cát 222 ca, TP.Thủ Dầu Một 196 ca, TP.Dĩ An 186, TP.Thuận An 184 và TX.Tân Uyên 139 ca. Số ca mắc SXH giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là do Bình Dương trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Bước vào mùa mưa, mùa dịch SXH bắt đầu, nếu chủ quan dịch có thể bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình dịch bệnh có khả năng gia tăng, ngành y tế đã đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cùng chung tay hành động để xử lý triệt để nguy cơ SXH trong cộng đồng, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện diệt lăng quăng theo hướng dẫn của y tế và chính quyền địa phương.

Ghi nhận của phóng viên tại các địa phương, phòng bệnh luôn là vấn đề mà các trung tâm y tế, trạm y tế quan tâm thực hiện, trong đó ưu tiên kiểm soát các yếu tố nguy cơ và truyền thông phòng chống bệnh tới người dân tại 91 xã, phường, thị trấn. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Hiện dịch SXH trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng chúng ta không chủ quan. Khi đi giám sát các hộ gia đình thì thấy sự gia tăng về mật độ muỗi và chỉ số bọ gậy. Do đó, thời gian tới ngành sẽ tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, phát tờ rơi cho bà con tới tận khu ấp, khu nhà trọ công nhân mà cao điểm là kế hoạch truyền thông ngày Asean phòng, chống bệnh SXH. Trong đó chú trọng tuyên truyền người dân, từng hộ gia đình hàng tuần và suốt mùa mưa phải thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, đặc biệt ở các nơi công cộng, gia đình neo đơn, nơi bán chậu cây cảnh, vựa ve chai, đồng nát, nơi vá vỏ xe. dịch SXH không lây trực tiếp từ người sang người mà lây qua vật trung gian (vector truyền bệnh), khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn”.

Giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh

Tại TX.Bến Cát, đầu năm 2020 có 29 trường hợp mắc SXH thì đến cuối tháng 5 ghi nhận 222 ca. Bác sĩ Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Bến Cát, cho biết: “Trong rất nhiều biện pháp phòng bệnh SXH, việc diệt muỗi, bọ gậy và kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong nhà là rất quan trọng. Hiện nay, một số người dân vẫn còn chủ quan nên dịch SXH năm nào cũng tái diễn như một chu trình tuần hoàn, đến hẹn lại lên. Do đặc tính hoạt động của muỗi gây ra SXH là hoạt động vào ban ngày nhiều hơn ban đêm, nên TX.Bến Cát đã thành lập đội tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong thị xã. Đội tuyên truyền này sẽ tuyên truyền cho người dân đặc tính của muỗi gây SXH, cách phát hiện các ổ bọ gậy đến cách xử lý. Không chỉ làm công tác tuyên truyền, đội còn đảm nhận kiểm tra trong cộng đồng dân cư ai có biểu hiện ốm, nghi SXH thì chủ động xử lý kịp thời”.

Nhằm phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch, ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Bước vào mùa cao điểm dịch bệnh, cùng với các đợt nắng nóng kéo dài và mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh là môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh phát triển. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân về phòng chống SXH chưa cao, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ... khiến công tác kiểm soát vector, phòng bệnh còn gặp một số khó khăn. Dự báo thời gian tới, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các huyện, thị, thành phố tích cực điều tra ca bệnh, xác định ổ dịch hàng ngày.

Đặc biệt, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH của các cơ sở giáo dục, ký túc xá trên địa bàn. Ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân, mỗi nhà nên chủ động phòng bệnh bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thường xuyên làm sạch dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hó‌a chấ‌t diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn; thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, bẹ lá... không cho muỗi đẻ trứng; ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hó‌a chấ‌t phòng chống dịch. Người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, không chủ quan, lơ là ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh đang giảm”.

Xem Video: 1000 ca mắc bệnh, 61 ổ dịch sốt xuất huyết tại vùng ven TP.HCM

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật