Một cõi đi về

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy hôm nay bà cụ Nhỡ nằm bệt trong buồng, toàn phải uống sữa, húp cháo loãng, nước ép hoa quả, biết người đến nhưng chỉ nhìn mà chẳng cất lời lên được. Cụ nhất quyết không đến bệnh viện dù con cháu năn nỉ.
Một cõi đi về
Minh họa: Đinh Hương

Gia đình mời bác sĩ tư tới. Ông thầy thuốc khám kỹ lắm rồi nói nhỏ với ông Nhã con trai trưởng rằng, cụ già c‌ơ th‌ể quá suy nhược, các bộ phận đều rệu rã theo quy luật tự nhiên, thôi thì cứ để cụ ở nhà mà chăm lo, bồi dưỡng, được ngày nào hay ngày ấy.

Chả lẽ cụ sắp đi? Chỉ cách đây nửa tháng vẫn thấy cụ chống gậy đi loanh quanh trong xóm, vui vẻ chuyện trò. Vậy mà bỗng dưng sinh ra ốm nặng, đúng là người già chả biết sinh mệnh thế nào. Ở làng này tính đến giờ cụ thọ nhất, đã vào tuổi chín sáu rồi. Giá ngày xửa ngày xưa cách đây ba, bốn trăm năm theo luật bất thành văn, cụ đã được hưởng thiên tước trạng nguyên. 

Thời đó, người thọ từ tám mươi tuổi đến tám chín tuổi là tiến sĩ, chín mươi tuổi trở lên là trạng nguyên. Dẫu không có trong bảng vàng, chẳng có sắc phong nhưng các vị đích thực trạng nguyên, tiến sĩ khi về làng là trước tiên phải lạy chào các cụ thiên tước. Ngày nay dẫu chẳng còn tập tục tốt đẹp thiên tước, cụ Nhỡ vẫn luôn được người làng, người xã rất quý trọng.

Cụ ngay thẳng, thật thà, 70 năm tuổi Đảng là pho sử sống của xã, của làng. Cụ kể vanh vách gia thế, lý lịch những người trong làng từ thời trước cách mạng tháng Tám tới nay. Cụ vác gậy tham gia đoàn quân trong xã tiến vào huyện lỵ giành chính quyền cách mạng, là trung đội trưởng du kích đánh trận càn của Pháp, đào hầm giấu cán bộ ngay dưới lũy tre vườn nhà mình. 

Cụ biết quá rõ ai là người gan dạ, mưu trí chống giặc, ai hèn nhát, chỉ điểm cho tây. Cũng như trong cải cách ruộng đất, người nào trung thực, người nào đặt điều, gian dối. Bởi thế cán bộ ở huyện, tỉnh dẫu gặp tổ chức này, đoàn thể nọ, đều phải tới hỏi cụ cho rõ ngọn ngành khi viết lịch sử xã này. Ấy là nói thời cụ vào tuổi trên dưới tám mươi còn minh mẫn chứ nhiều năm nay cụ chẳng còn như xưa, lúc nhớ lúc quên, mắt mờ, tai nghễnh ngãng.

Chồng cụ tên là Nhang từ mạn Hà Nam theo cha mẹ lên đây thời loạn lạc, đói kém trước cách mạng. Ông cụ vào Vệ quốc quân ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại xuất ngũ, đảm trách xã đội trưởng. Năm 1966, ông cụ xung phong tái ngũ.

Có một điều mà cụ Nhỡ luôn canh cánh trong lòng, đến nay vẫn ứa nước mắt mỗi khi ai nhắc đến chồng, con. Ấy là tới giờ vẫn không tìm thấy hài cốt hai người. Ông Nhang cùng đơn vị bị trận bom Mỹ giội xuống thung lũng dưới chân núi cạnh suối, khó tìm thấy hài cốt đã đành nhưng còn Nho hy sinh ngay giữa thành phố sao vẫn biệt tăm nơi chôn cất.

Từ ngày cụ Nhỡ ốm nặng, dân làng lần lượt tới thăm. Già có. Trẻ có. Người trong làng. Người ngoài làng. Hết đoàn thể nọ đến đoàn thể kia. Hôm nay có tới bảy, tám ông bà cao tuổi tới. Họ biết tin cụ hơi muộn. 

Vào trong buồng, ai cũng ngạc nhiên thấy trên bức tường cửa ra vào phía cuối giường cụ nằm có treo hai bức ảnh của chồng và con trai. Hai tấm ảnh này hằng ngày vẫn đặt trên ban thờ ở tầng ba, nay lại ở đây.

- Sao lại treo ảnh ở dưới này hở ông? Một bà hỏi ông Nhã.

Ông con trai trưởng đã vào ngoài tuổi bảy mươi bị khoèo chân từ nhỏ, trầm ngâm.

- Bà bắt đem xuống đây từ hôm ốm để hằng ngày bà nhìn. Thỉnh thoảng bà lại mếu máo…

Vợ ông – bà Lý, tiếp lời:

- Cách hai hôm ốm, bà gọi tôi bảo, mẹ thằng Nhu này, mấy đêm nay tao cứ thấy ông Nhang với thằng Nho về. Ông Nhang đứng ở đầu giường nhìn tao rất lâu, loáng cái biến mất. Lúc sau, tao thấy thằng Nho lầm lũi đến ngay mép giường đưa cho tao cối giã trầu bằng đồng to lắm, to hơn cái cối ngày xưa. Bà vừa kể vừa khóc…

Trên bức tường là hai bức ảnh cha con ông Nhang. Ông Nhang trẻ trung, áo xanh bạc màu, ngoài khoác áo trấn thủ, mũ nan bọc vải xanh thẫm có lưới, nhìn nghiêm nghị. Bức ảnh đen trắng này là ông chụp từ hồi 1954 khi vào tiếp quản tỉnh lỵ. Đây cũng là bức ảnh duy nhất mà ông có. Sau này ông chẳng có tấm ảnh chân dung nào dù thợ ảnh không còn hiếm như trước.

- Giá ông cụ còn sống đến giờ phải lên cấp tướng. Hồi ấy ông đã là trung đoàn trưởng cơ mà – một ông oang oang.

- Cái đó là chắc. Anh Lư con ông Lũy ở làng ta mới đi bộ đội từ năm 1980, đã Đại tá cách đây hai năm – ông ngồi bên gật gù.

Dưới bức ảnh ông Nhang, chếch bên phải, là ảnh Nho, chàng trai vạm vỡ, tươi cười, con út ông. Mười tám tuổi tình nguyện nhập ngũ, hy sinh ngay cầu chữ Y sáng ngày 30/4/1975, trước mấy tiếng đồng hồ giải phóng Sài Gòn. Trước ngày nhập ngũ, Nho kiếm cho mẹ cái cối giã trầu bằng vỏ đạn bóng nhoáng với thanh nhôm xác máy bay, cắt mài ba răng nhọn hoắt để nghiền trầu thay cho cái cối cũ bằng đồng méo mó và cái chày cong queo. Hàng ngày Nho vẫn giã trầu cho mẹ.

Trong buồng cụ, người vào người ra nhường chỗ cho nhau. Mấy bà ngồi bên luôn tay xoa bóp chân tay cụ, hỏi han. Cụ lúc lúc mở mắt nhưng lại ứa nước mắt, chả nói năng gì.

- Cụ ơi, cụ có biết cháu không?

- Cụ phải sống cho tới khi cháu Nhu có mấy chắt. Nhu đang đóng quân ở biên giới, mai mới về. Nó đã là Thiếu tá rồi, bảo năm tới sẽ lấy vợ.

- Cụ còn nhớ cụ bà lang Khánh không? Cụ đó ở làng Cò. Cụ ấy đỡ đẻ cho cụ, sinh anh Nho nhà ta. Cụ Khánh ốm lên ốm xuống mà giờ chín tám tuổi vẫn còn chơi tam cúc với các chắt.

- Cụ khỏe đi, mấy hôm nữa vào chỗ con dự đám cưới thằng cháu đích tôn nhà con.

Người nói, người cười rôm rả.

Cụ Nhỡ vẫn nằm im.

Bây giờ người ta toàn nói chuyện về vợ chồng và các con cụ. Ông Nhang, giờ phải gọi là cụ, có thành tích lớn, được tặng giấy khen của quân khu và Ủy ban nhân dân tỉnh về chỉ huy đội dân quân xã dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ trên núi Cô Tiên, bắt sống phi công Mỹ. Bà Nhỡ, hồi ấy phải gọi là cô, bị địch bắt lên bốt tr‌a tấ‌n chết đi sống lại, vẫn không khai cán bộ nằm trong hầm. Khi cô giả vờ điên dại lại bị sẩy thai, chúng mới thả về. 

Thời chống Mỹ, bà phụ trách tổ hậu cần xã, chuyên đun nước uống, tiếp tế lương thực, thuốc men cho đội dân quân trực chiến và về sau cho cả mấy khẩu đội pháo bộ đội ở gần làng. Cũng hiếm có vợ chồng nào ở làng này được như ông Nhang, bà Nhỡ. Chả bao giờ to tiếng cãi vã nhau. Ông hiền lành, cần cù, đã nói là làm, chả sai hẹn với ai. Bà hết mực thương chồng thương con, khổ đến mấy cũng không một lời than thở, được cả người lẫn nết. 

Nho giống tính bố, đã vậy rất khéo tay, sáng dạ. Chả hiểu học mót ở đâu mà hồi ấy đã biết sửa ra-đi-ô, làm đài tự chế. Chỉ cần mua loa, kiếm hai lõi pin với bát nước pha muối là có đài nghe. Rồi sửa điện, đóng bàn ghế. Những đồ vật trong nhà hư hỏng, Nho sửa được hết.

Có một điều mà cụ Nhỡ luôn canh cánh trong lòng, đến nay vẫn ứa nước mắt mỗi khi ai nhắc đến chồng, con. Ấy là tới giờ vẫn không tìm thấy hài cốt hai người. Ông Nhang cùng đơn vị bị trận bom Mỹ giội xuống thung lũng dưới chân núi cạnh suối, khó tìm thấy hài cốt đã đành nhưng còn Nho hy sinh ngay giữa thành phố sao vẫn biệt tăm nơi chôn cất. Mặc dù được bao người giải thích, an ủi, trong đó có cả đồng đội ông Nhang và Nho, bà vẫn day dứt, đau đáu vô cùng. Ông Nhã cùng với con trai đã vào Nam ba lần tìm hài cốt cha và em nhưng đều không được.

Nhung, em gái Nhu, từ đâu về, vừa vào nhà đã góp chuyện.

- Có hôm cháu không ngủ được suốt đêm. Sáng hôm sau vẫn rợn tóc gáy.

- Chuyện gì? Một bà hỏi.

- chu‌yện ấ‌y xảy ra cách đây ba, bốn năm. Bà bảo, tối qua mới chợp mắt thấy ông Nhang và chú Nho về đứng ngay cổng làng. Ông vẫn đội mũ, mặc áo quần như ngày xưa, còn chú Nho cầm cối giã trầu. Bà gào khóc, gọi nhưng cả ông với chú Nho chỉ nhìn chằm chằm không nói gì rồi chui tọt xuống đất. Bà tỉnh dậy, mồ hôi toát ra, chả thấy gì cả.

- Người già thường mê sảng - ông già ngồi cạnh thủng thẳng.

Nhiều người quay nhìn hai bức ảnh treo trên tường. Ông Nhang nghiêm nghị. Nho tươi cười. Cả hai người nhìn thẳng về phía cụ Nhỡ.

- Người âm ấy vẫn đi về quê hương. Những người hy sinh vì Tổ quốc càng hay trở về quê hương, bà con trong làng, ngoài xã, gia đình để xem đổi thay thế nào, con cháu và người dân hiện giờ liệu có sống xứng đáng với những người đã hy sinh – ông cựu chiến binh ở xóm bên tiếp lời.

Mọi người im lặng. Trong buồng bỗng chốc nghiêm trang hẳn. Chỉ nghe tiếng gió thì thào qua khe cửa và tiếng chạy tích tắc đồng hồ treo đầu giường.

Tự dưng, cụ Nhỡ he hé mắt, đưa cánh tay gầy guộc dơ chỉ về phía trước. Có lẽ cụ định trỏ vào hai bức ảnh trên tường nhưng mới lòng khòng dơ lên chừng gang tay lại rơi thõng xuống. Cụ mỉm cười – một nụ cười khó nhọc nhưng đầy vẻ mãn nguyện. Đã lâu mới thấy cụ cười như thế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật