Chuyên gia Đặng Kim Sơn: Thay đổi thể chế để thay đổi toàn bộ vị thế kinh tế của Việt Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ riêng việc bỏ cơ chế xin cho sang cơ chế phục vụ thị trường, từ quan hệ quản lý sang quan hệ phục vụ khách hàng... thì lập tức, vẫn đất nước ấy, vẫn tài nguyên ấy, con người ấy nhưng hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên...
Chuyên gia Đặng Kim Sơn: Thay đổi thể chế để thay đổi toàn bộ vị thế kinh tế của Việt Nam
Ảnh minh họa

Tại toạ đàm "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Động lực phục hồi và bứt phá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế phát triển đã nêu cao tầm quan trọng của việc thay đổi thể chế để giúp nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển cả trong ngắn, trung và dài hạn.

CẨN TRỌNG TRƯỚC BÀI HỌC LỊCH SỬ

Theo TS. Đặng Kim Sơn, vấn đề sống còn hiện nay là làm thế nào để khắc phục được dịch bệnh, đưa nền kinh tế quay trở lại bình thường mới. Tiếp sau mới tiến tới mục tiêu xa hơn, đó là trở thành nước thu nhập cao, bắt nhịp các quốc gia trong vùng.

Điều đáng nói, do chúng ta sống trong môi trường nền kinh tế thị trường, đồng nghĩa sống chung với các cuộc khủng hoảng biến động về kinh tế. Vậy nên mối quan hệ giữa ngắn hạn và trung, dài hạn luôn tồn tại. Quan trọng phải biết rút kinh nghiệm từ quá khứ.

TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế phát triển. Ảnh: Việt Tuấn.

Những lần khủng hoảng gần nhất gồm: năm 1997 (khủng hoảng khu vực Châu Á); năm 2007 (khủng hoảng kinh tế toàn cầu); năm 2020 (khủng hoảng dịch bệnh Covid-19).

Mỗi khi có khủng hoảng, Chính phủ các nước đều phản ứng lại bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá để hỗ trợ cho các thành phần trong nền kinh tế. Sau đó, câu chuyện lạm phát, nợ công hay tiền chảy vào khu vực dễ gây bong bóng... lại được nhắc tới.

Không những thế, tại Việt Nam, sau những lần khủng hoảng thì thời gian phục hồi sau bao giờ cũng dài hơn lần phục hồi trước. Ngoài ra, mức độ tăng trưởng kinh tế của lần sau lại thấp hơn mức độ tăng trưởng kinh tế của lần trước.

Điều này khiến ông Sơn lo rằng, sẽ tiếp tục xảy ra nếu Chính phủ không xử lý được các vấn đề tồn tại đến nơi đến chốn. "Muốn nền kinh tế phát triển trở lại và lại tránh được các rủi ro thì phải gắn liền với việc tháo gỡ các vướng mắc đã tồn tại lâu dài. Và phải bắt được các cơ hội mới khi nền kinh tế thay đổi", ông Sơn nhấn mạnh.

Giải thích về việc "đến nơi đến chốn", ông Sơn cho biết, trải qua cuộc khủng hoảng năm 2007, Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011 lần đầu tiên đưa ra nhiệm vụ, đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra hết sức đúng lúc và thái độ kiên quyết. Đây cũng là cách giải quyết "đến nơi đến chốn".

Tuy nhiên, tại văn kiện Đại hội lần thứ 13 vừa qua vẫn khẳng định lại là chưa tạo ra những mô hình tăng trưởng mang tính chất đột phá, tức nhiệm vụ vẫn còn.

Theo ông Sơn chia sẻ thêm, những vấn đề tồn tại chưa của Việt Nam chủ yếu liên quan đến việc sử dụng quá nhiều nguồn tài nguyên có sẵn và chưa áp dụng khoa học công nghệ.

Cụ thể, vốn đầu tư/hiệu quả kinh tế đem lại, hay vốn đầu tư/ GDP so với các nước trong khu vực còn cao; phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn FDI; sử dụng nguồn lực lao động nhiều nhưng năng suất lao động thấp; kinh tế hộ và doanh nghiệp nhỏ manh mún không liên kết với nhau...

"Tóm lại, cả nguồn lực, cả không gian cả về tổ chức chúng ta phải cơ cấu lại, rút kinh nghiệm từ bài học lịch sử để tạo mô hình tăng trưởng kinh tế mới, tăng trưởng cao hơn trên nền tảng chúng ta đang có", ông Sơn nhấn mạnh.

QUAN TRỌNG LÀ THAY ĐỔI THỂ CHẾ

Theo ông Sơn, mô hình tăng trưởng mới sẽ gồm 2 yếu tố chính. Thứ nhất, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Thứ hai, phân bổ lại nguồn lực hiện có bằng cách đột phá thể chế, tháo gỡ khó khăn.

Riêng về vấn đề phân bổ lại nguồn lực, ông Sơn cho rằng cần phát triển dựa trên lợi thế vùng miền. Ví dụ, Đồng bằng Sông Cửu Long vốn là vựa lúa, vựa thuỷ sản, vựa trái cây không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới; Tây Nguyên, nơi lý tưởng để phát triển cây công nghiệp dài ngày, phát triển chăn nuôi, thì sẽ lấy nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao làm trọng tâm. 

Tương tự, dải ven biển Miền Trung thì đây sẽ là vùng phát triển kinh tế biển, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển du lịch. "Tất cả đều phải tập trung phát triển nền kinh tế của địa phương mình nhưng phải kết nối với nhau", ông Sơn nói.

Muốn làm được như vậy, ông Sơn cho rằng, 2 thành phố chính (Hà Nội và Tp.HCM) đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế nên phân cấp ra khu vực xung quanh, chỉ nên tập trung vào ngành đặc biệt. Trái lại, các địa phương muốn làm đặc khu và nhấn mạnh đến việc làm trung tâm tài chính thế giới thì nên để cho thành phố đầu tàu kinh tế làm.

Đồng thời, bản thân 2 thành phố lớn trên cũng cần quy hoạch lại, không cần tập trung quá nhiều nhà cao tầng, đường ngầm phía dưới để tăng mật độ dân số, dồn dân khắp nơi về, mà nên phát triển thành phố vệ tinh. 

"Như thế, chúng ta không chỉ đưa dân cư ra, đưa sản xuất phụ ra xung quanh, mà còn có thể giảm tải thành phố chính, tạo không gian, điều kiện sống tốt hơn rất nhiều cho cư dân", TS. Đặng Kim Sơn đánh giá.

Ngoài ra, khi chạy dữ liệu trong trường hợp hệ sinh thái kinh tế liên kết chặt chẽ với nhau, và bố trí hợp lý các trung tâm khoa học công nghệ, các hệ thống đào tạo... đều đặn, phụ hợp từng vùng miền, ông Sơn nhận thấy, GDP cải thiện rất rõ rệt.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại Đối thoại chuyên đề: "Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: Thoát bẫy thu nhập trung bình và bứt phá" ngày 4/12/2021. Ảnh: Việt Tuấn.

Thế nhưng, để có được tất cả những điều này sẽ phải dựa trên nền tảng của chính sách vĩ mô, đặc biệt là đột phá thể chế, tổ chức kinh tế Nhà nước phải hậu thuẫn làm nhạc trưởng.

Theo đánh giá của ông Sơn, chỉ riêng việc bỏ cơ chế xin cho sang cơ chế phục vụ thị trường, từ quan hệ quản lý sang quan hệ phục vụ khách hàng, từ cái động lực gây khó dễ quan liêu hoá sang động lực phục vụ thì lập tức, vẫn đất nước ấy, vẫn tài nguyên ấy, con người ấy nhưng hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên.

"Tóm lại muốn đổi hay không dựa cả vào thể chế kinh tế. Đây chính là cái chuyện khác biệt cơ bản giữa nền kinh tế phát triển trên 10% cả chục năm, với các nước phát triển 5-6% nằm trong bẫy thu nhập trung bình như hiện nay", ông Sơn khẳng định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật