Tục thờ cúng Mè Nàng trong gia đình người Nùng ở Lạng Sơn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại vùng đất Lạng Sơn, đồng bào dân tộc Nùng với 3 nhóm địa phương là Inh, Phàn Slình và Cháo sinh sống đan xen cùng với các dân tộc khác. Từ xưa, người Nùng ở Lạng Sơn có tục thờ cúng Mè Nàng chứa đựng nhiều ý nghĩa, biểu tượng văn hóa sâu sắc.
Tục thờ cúng Mè Nàng trong gia đình người Nùng ở Lạng Sơn
Không gian thờ tự Mè Nàng (ban trên) của gia đình NNƯT Hà Mai Ven, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn

Theo Nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, người có nhiều năm tìm hiểu nghiên cứu về văn hóa Nùng (nhóm Nùng Cháo) cho biết, Mè Nàng hay còn gọi Nàng Slin, Nàng Táy (Bà tiên, Bà Đế) hay Phật Bà Quan Âm là một vị thần linh quan trọng bảo vệ bình an cho cả nhà, được đặt thờ ở phần trên của gian thờ. Vào dịp Tết đến, nhà nào cũng có quà bánh đề thờ, rót trà và thắp nến, thắp hương đầy đủ để thỉnh Bà.

Cách thức thờ cúng sẽ được bày trí như sau: Không gian thờ tự được lập theo hướng chính cửa đi vào (chang cai), ban dưới sẽ thờ tổ tiên từ ba đời trở lên, ban trên thờ Mè Nàng. Tùy từng vùng mà gian thờ Mè Nàng được trang trí khác nhau. Người Nùng (nhóm Phàn Slình) ở Cao Lộc thường để Mè Nàng trên khám thờ, bao phủ, che chắn bởi các miếng gỗ và câu đối, dán giấy đỏ lì xì vào ngày Tết.

Còn người Nùng (nhóm Nùng Inh) ở xã Tân Văn, huyện Bình Gia và người Nùng Cháo ở Còn Lải, Còn Sình (TP. Lạng Sơn) và vùng ven huyện Cao Lộc lại chỉ dán giấy đỏ lì xì và câu đối...

Về quy cách thờ bát hương sẽ đặt chính bàn, tùy theo tên hiệu mà đặt từ 1 đến 7 bát hương, nhưng ngày nay đã giản tiện, thường để 1 hoặc 2 đến 3 bát. Trước án hương là hàng chén để rót trà, có nơi rót rượu. Vật phẩm cúng dường hầu hết là đồ chay. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc gói bánh chưng có nhân thịt, người Nùng còn gói bánh chưng chay, bánh bỏng - pẻng khô, bánh gạo đường - khẩu sli. Dịp Rằm tháng Bảy lại gói bánh rợm đường, tháng năm thì dùng bánh tro để dâng cúng lên Mè Nàng.

Trong các kỳ lễ theo vòng đời như đầy tháng, lễ trưởng thành, sinh nhật, nhà mới, tang ma, cưới xin hay làm lễ giải hạn, cầu an chúc phúc…, người Nùng đều dâng rượu trà, thắp nến, hương và cúng dường đồ chay cho Mè Nàng. Thầy then Nguyễn Văn Thọ (TP. Lạng Sơn) cho biết, theo quan niệm của người Nùng thì Mè Nàng có hơn 30 vị, mỗi vị cai quản một miền non nước phương trời, luôn từ bi hỉ xả cứu vớt những khổ đau của con người. Trong hành trình nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc Nùng, mỗi lần các thầy Tào, Mo, Then hành binh đến các cung cửa đều phải xin bái lạy và dâng lễ vật đến cửa Nàng mới đắc lễ.

Tín ngưỡng thờ cúng Mè Nàng của người Nùng ở Lạng Sơn mang ý nghĩa thờ phụng một người mẹ hiền (Phật gia) che chở, cứu rỗi cho đời sống tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình, trong dòng họ để mọi người đều được mạnh khỏe, bình an. Thông qua những cách thức thờ tự, nghi lễ dâng cúng, lề lối, phép tắc, gia phả, luật tục của mỗi gia đình, dòng họ đã cố kết các gia đình, dòng họ thành khối đoàn kết thống nhất, yêu thương, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau, góp phần xây dựng bản làng ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật