Khẩn trương xây dựng nghị định cải cách kiểm tra chuyên ngành

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, cơ quan hải quan đang khẩn trương triển khai đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Khẩn trương xây dựng nghị định cải cách kiểm tra chuyên ngành
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại cuộc gặp mặt đại diện cơ quan báo chí. Ảnh: Hải Anh

tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan

Tại cuộc họp mặt đại diện cơ quan thông tấn báo chí diễn ra ngày 19/1/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã chia sẻ về kết quả của ngành Hải quan đạt được trong năm 2020, đặc biệt là công tác cải cách hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục vận hành hệ thống VNACCS/VCIS (thông quan tự động) tại 100% các cục hải quan tỉnh, thành phố, với 99,56% tổng số DN thực hiện thủ tục hải quan, 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước.

Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút gắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1 - 3 giây. Qua đó giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Theo báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018), nhóm thủ tục hành chính hải quan nằm trong nhóm chi phí tuân thủ thấp (xếp hạng 3 trong 8 nhóm thủ tục hành chính), bằng 28% (3,53 triệu đồng) chi phí tuân thủ của cả 8 nhóm thủ tục hành chính (xấp xỉ 12,7 triệu đồng).

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tham mưu cho Bộ Tài chính và phối hợp với các bộ, ngành triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Kết quả, tính đến ngày 31/12/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai, với xấp xỉ 3,55 triệu hồ sơ của hơn 43,8 nghìn DN.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết thêm, với những nỗ lực nêu trên, theo công bố của WB, so với năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2020, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Tập trung triển khai đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành

Chia sẻ về mục tiêu năm 2021, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho hay, bên cạnh việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Hải quan tập trung nhân lực khẩn trương triển khai đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành (KTCN), được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg.

Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu lấy ý kiến các bộ, ngành trình Bộ Tài chính xem xét, trình Chính phủ phê duyệt trong quý II/2021 để làm cơ sở triển khai đề án.

Để triển đề án KTCN, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để tổ chức thực hiện nhiệm vụ trình Bộ Tài chính phê duyệt; bố trí nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cẩn, điểm cải cách mang lại lợi ích nổi bật của đề án là, lực lượng hải quan sẽ chủ trì thực hiện KTCN tạo cửa khẩu đối với hàng hóa, trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh quốc phòng.

Có nghĩa là DN chỉ phải nộp hồ sơ cho cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan có trách nhiệm đưa vào hệ thống để các bộ, các ngành lấy thông tin đó để xem xét và trên cơ sở danh mục, tiêu chuẩn, quy chuẩn về KTCN để hải quan thực hiện. Việc này sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho DN, chưa tính đến chí phí liên quan đến lấy mẫu chi phí, chi phí gửi tài liệu, đi lại. Như trước đây, DN phải đi 4 lần để lấy kết quả KTCN để thông quan.

"Đề án KTCN được thực hiện hiệu quả giúp DN nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tiết kiệm chi phí trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD) theo  khảo sát độc lập của tổ chức quốc tế của Hoa Kỳ về tạo thuận lợi thương mại...” - ông Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật