Indonesia lỡ hẹn với mục tiêu năng lượng xanh do dịch COVID-19

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2020, năng lượng “xanh” đóng vai trò lớn hơn trong nguồn cung năng lượng của Indonesia song vẫn không đạt được kỳ vọng của chính phủ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu.
Indonesia lỡ hẹn với mục tiêu năng lượng xanh do dịch COVID-19
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Năm 2020, năng lượng “xanh” đóng vai trò lớn hơn trong nguồn cung năng lượng của Indonesia song vẫn không đạt được kỳ vọng của chính phủ trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu và đầu tư.

Số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (EMR) cho thấy tỷ lệ đóng góp của năng lượng xanh trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của Indonesia đã tăng từ 9,15% năm 2019 lên 11,51% năm ngoái song vẫn thấp so với mục tiêu 13%.

Tổng Vụ trưởng Năng lượng tái tạo thuộc EMR, ông Dadan Kusdiana cho rằng tỷ lệ năng lượng tái tạo ngày càng tăng nhờ việc đưa vào vận hành các nhà máy điện xanh mới vào năm ngoái và do tiêu thụ dầu cọ sinh học (B30) tăng tới 30%.

Tuy nhiên, tiến độ thúc đẩy năng lượng xanh đã bị hạn chế do thiếu hụt đầu tư. Cụ thể, Indonesia chỉ thu hút được 1,36 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh trong năm 2020, thấp hơn 2,9% so với mức 1,4 tỷ USD vào năm 2019 và chỉ đạt 60% mức mục tiêu 2,3 tỷ USD.
Theo ông Dadan, kết quả này thực sự khá tốt trong bối cảnh đại dịch. Để so sánh, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 10/2020, đầu tư toàn cầu vào các nhà máy điện và nhiên liệu xanh dự báo giảm 4,1% xuống mức 330 tỷ USD trong năm 2020.

Indonesia đã cam kết nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh lên mức 23% vào năm 2025 song quốc gia giàu tài nguyên than đá và phụ thuộc vào dầu mỏ này đang phải vật lộn để thực hiện cam kết trong khi nhiều nghiên cứu dự báo rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ không đạt mục tiêu.

EMR có kế hoạch đạt được mục tiêu đề ra bằng cách tăng cường xây dựng các nhà máy điện tái tạo mới, thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời trên mái nhà và đóng cửa các nhà máy nhiên liệu hóa thạch cũ.

Theo số liệu của EMR, năm 2020, tổng mức tiêu thụ dầu di‌esel sinh học đạt 8,46 triệu kiloliters (kL), tăng 32,4% so với năm trước song chỉ đạt 88% mức mục tiêu 9,55 triệu kL. Tiêu thụ dầu di‌esel sinh học tăng nhờ chính sách bắt buộc sử dụng B20 và B30, song lại bị hạn chế bởi sự suy giảm của hoạt động hậu cần giữa lúc các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Jakarta, triển khai các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Ông Dadan cho rằng mục tiêu tiêu thụ dầu di‌esel sinh học bị bỏ lỡ không phải do nguồn cung không đủ mà là do tổng mức tiêu thụ nhiên liệu quốc gia sụt giảm, đồng thời cho hay mục tiêu tiêu thụ dầu di‌esel sinh học là 9,2 triệu kL trong năm 2021 này.

Indonesia đã có thêm 176 MW công suất phát điện xanh vào năm 2020, nâng tổng công suất điện xanh của nước này lên 10.467 MW. Trong đó, nguồn năng lượng xanh lớn nhất được đưa vào sử dụng năm 2020 là từ nhà máy thủy điện Poso có công suất 66 MW tại tỉnh Trung Sulawesi, tiếp đó là 13,4 MW năng lượng Mặt Trời.

Nhà phân tích năng lượng Fabby Tumiwa thuộc viện Cải cách dịch vụ Thiết yếu (IESR) có trụ sở tại Jakarta cho biết nhiều dự án năng lượng tái tạo đã không thể đi vào hoạt động vào năm 2020 không phải do đại dịch.

Theo đó trên thực tế, nhiều mục tiêu không đạt kế hoạch do khó khăn tài trợ từ phía các ngân hàng và vấn đề đấu thầu với PLN, ám chỉ đến tình trạng độc quyền của công ty điện lực thuộc sở hữu của nhà nước này. Do vậy, chính phủ cần tiếp tục cải cách quy định về năng lượng xanh bên cạnh các kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 nhằm đáp ứng các mục tiêu đầu tư năm 2021.

Một số quy định quan trọng dự kiến được ban hành trong năm nay, gồm quy định của Tổng thống về giá bao tiêu điện xanh, kế hoạch mua sắm điện (RUPTL) giai đoạn 2021-2030, và các nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật Omnibus về tạo việc làm, được hứa hẹn sẽ giúp giảm bớt tình trạng quan liêu.

Năm 2021, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thu hút 2,05 tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh. Khoản đầu tư này chủ yếu dành cho các dự án năng lượng Mặt Trời và thủy điện (60,7%), tiếp đó là các dự án địa nhiệt (35,6%)  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật