Cú sốc của bóng đá Trung Quốc và bài học từ La Liga

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính sách giới hạn và kiểm soát tiền lương được Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc áp dụng kể từ mùa giải 2021 để tránh việc các đội bóng chi quá nhiều tiền chiêu mộ những ngôi sao.
Cú sốc của bóng đá Trung Quốc và bài học từ La Liga
Ảnh minh họa

CLB Giang Tô (Jiangsu) chiêu mộ những cầu thủ tên tuổi như Teixeira, Eder hay Ramirez giúp họ có được thành công, và nổi bật nhất với chức vô địch lịch sử tại Chinese Super League. Tuy nhiên, đội bóng này phải đối mặt với khoản nợ lên tới 77,3 triệu USD. Cuối cùng, điều không mong muốn nhất đã đến khi đội bóng tuyên bố dừng hoạt động.

Trong một cuộc họp trực tuyến hôm 1/3, Chu Di An (Zhu Yi’an), đại diện của La Liga tại Trung Quốc, thẳng thắn nói: "Chính sách công bằng tài chính do La Liga thực hiện đảm bảo rằng ban tổ chức giải đấu có thể phản ứng một cách bình tĩnh với các điều kiện hoạt động của mỗi đội bóng". Đây là giải pháp mà bóng đá Trung Quốc đang bắt đầu áp dụng.

ĐKVĐ Giang Tô ngừng hoạt động trở thành thảm kịch của bóng đá Trung Quốc. Ảnh: Sina.

La Liga từng khủng hoảng như Chinese Super League

Kết cục bi thảm của nhà đương kim vô địch Giang Tô đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chính sách "Kim Viễn" của bóng đá Trung Quốc. La Liga, với bề dày lịch sử 92 năm, đủ để cho Chinese Super League, mới chỉ trải qua 26 mùa giải, học hỏi kinh nghiệm thành công.

La Liga từng rót tiền một cách điên cuồng và gần như đi vào ngõ cụt. Trước năm 2012, La Liga, giống như Chinese Super League trong 10 năm qua, không áp đặt các hạn chế đối với việc quản lý tài chính của các đội bóng. Nhiều câu lạc bộ đứng trước bờ vực phá sản vì chi quá nhiều tiền để mong có kết quả tốt.

Chi tiền một cách mù quáng, La Liga mùa giải 2011 trở thành giải đấu mắc nợ nhiều nhất thế giới, lên tới 4 tỷ euro. Trong số đó, Valencia có khoản nợ 305 triệu euro, Deportivo nợ hơn 100 triệu euro. Những đội bóng lớn cũng không còn quá thành công tại Champions League. Cả La Liga chìm trong khủng hoảng.

Nhìn lại, Chinese Super League trong 10 năm qua là bản sao của La Liga trước năm 2012. Dưới chính sách "Kim Viễn", giải đấu hàng đầu Trung Quốc đã cải thiện đáng kể mức độ xem, nhưng nó gây ra nhiều hệ lụy.

Mức lương cao ngất ngưởng của các cầu thủ đã trở thành bài toán khó trong chi phí hoạt động của câu lạc bộ. Nguồn thu ít ỏi khiến chênh lệch thu chi vô cùng lớn. Toàn bộ giải vô địch quốc gia Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh tồn.

Theo thống kê, thu nhập bình quân của các đội tại Chinese Super League năm 2018 là 106,1 triệu USD, chi tiêu bình quân là 174,2 triệu USD và mức lỗ trung bình khoảng 68 triệu USD. Đồng thời, việc chiêu mộ những ngôi sao thế giới cũng không giúp các cầu thủ trong nước cải thiện trình độ, khi thành tích đội tuyển quốc gia Trung Quốc sa sút nghiêm trọng.

Trung Quốc đang thắt chặt việc chi tiêu của từng đội bóng. Ảnh: Sina.

Chìa khóa từ chính sách công bằng tài chính

La Liga có lịch sử lâu đời, trở thành một trong những giải đấu uy tín và hấp dẫn nhất thế giới, thậm chí trở thành biểu tượng của thể thao Tây Ban Nha. Trong 7 năm qua, các đội La Liga đã 5 lần vô địch Champions League, và các chân sút ở giải đấu này đã giành được 11 danh hiệu Quả bóng Vàng châu Âu.

Từ một giải vô địch quốc gia rơi vào khủng hoảng cho đến việc giành được những danh hiệu cao quý và kiếm bộn tiền, La Liga đã có cú lội ngược dòng vĩ đại.

Real Madrid và Barcelona, hai gã khổng lồ của La Liga, luôn là đầu tàu dẫn dắt giải đấu. Những cuộc đối đầu của hai đội bóng này, cùng màn so tài giữa Cristiano Ronaldo và Lionel Messi càng củng cố thêm danh tiếng cho La Liga những mùa trước.

Cùng với đó, chính sách công bằng tài chính của La Liga được thực hiện từ năm 2012 đã đạt được những kết quả đáng kể. Các đội bóng không còn đốt tiền một cách mù quáng, và toàn bộ giải đấu phát triển ổn định. Mô hình bán bản quyền phát sóng trọn gói được giới thiệu vào năm 2015 đã giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của La Liga.

Serge Torrenz, Tổng giám đốc La Liga tại Trung Quốc, từng nói rằng chính sách công bằng tài chính được La Liga thực hiện từ năm 2012 là nhằm hạn chế sự "giàu có và ngỗ ngược" của các đội bóng.

"Việc ông chủ của các đội sẵn sàng thưởng tiền cho mỗi trận thắng là điều không tồn tại ở La Liga. Mọi thứ được thực hiện phù hợp với ngân sách mà câu lạc bộ đã nộp lên đầu năm", ông Torrenz cho biết.

Cũng theo ông, chính sách công bằng tài chính của La Liga là quan tâm nhiều hơn đến các đội bóng vừa và nhỏ, khi họ nhận được tiền từ việc bán bản quyền truyền hình.

Chiêu mộ Wu Lei giúp La Liga thu hút người hâm mộ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong hơn một năm qua đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các đội bóng trên khắp thế giới. Các đội bóng La Liga thi đấu không có khán giả, thất thu từ việc bán vé, nhưng tất cả đều đang hoạt động bình thường.

Ông Chu tin rằng điều này có liên quan chặt chẽ đến chính sách công bằng tài chính lành mạnh và ổn định của La Liga. "Tôi không phải là đại diện của câu lạc bộ, nhưng tôi nghĩ chính sách công bằng tài chính rất hữu ích trong việc ngăn ngừa rủi ro. Với chính sách này, tất cả câu lạc bộ đều có thể đối phó một cách bình tĩnh, dù La Liga bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh".

Chính sách công bằng tài chính của La Liga được chia thành 2 loại, gồm chính sách ngân sách đầu mùa giải và chính sách sửa đổi cuối mùa giải. La Liga có một đội ngũ nhân viên chuyên biệt để theo dõi dữ liệu hoạt động và tài chính của từng đội. Điều này đảm bảo sự đầu tư hợp túi tiền của đội bóng, giúp giải đấu phát triển bền vững.

Thực tế, các biện pháp cải tổ hiện tại của Chinese Super League cũng được học hỏi từ kinh nghiệm thành công của 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, mà nổi bật nhất là La Liga. Các chính sách hạn chế tiền lương, đầu tư và kiểm soát tiền lương được ban tổ chức giải đấu áp dụng kể từ mùa giải 2021.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật