Bỗng dưng nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng: Mẹ cẩn thận kẻo bị lừa

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên đời này hiếm có chuyện lợi lộc từ trên trời rơi xuống lắm các mẹ ạ. Nếu có thì cũng phải đặt nghi vấn liền nha.
Bỗng dưng nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng: Mẹ cẩn thận kẻo bị lừa
Ảnh minh họa

Kể các mẹ nghe, lúc trước mình từng đọc chia sẻ của nạn nhân trong câu chuyện, tài khoản ngân hàng của mình bỗng dưng nhận được tiền. Sau đó, có một người khác liên hệ và xin nhận lại tiền, nhưng thay vì trả lại cho số tài khoản đã chuyển nhầm thì bọn này lại yêu cầu nạn nhân trả qua số tài khoản khác. Khi tiền đã bay mất thì nạn nhân mới phát hiện ra mình bị lừa.

Mới đây, theo nguồn tin từ trang An ninh Thủ đô, một chiêu lừa mới xuất hiện, mình kể ra dưới đây với hy vọng mẹ sẽ cảnh giác hơn.

Chiêu thức của bọn tội phạm này là sau khi chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh mình là ngân hàng hoặc tổ chức chuyển tiền quốc tế gọi điện hoặc gửi tin nhắn hiển thị tên thương hiệu ngân hàng đến số điện thoại của khách hàng. Tội phạm thông báo rằng khách hàng có một giao dịch chuyển tiền đến bị treo và yêu cầu thực hiện truy cập vào đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác thực thông tin và mở khóa lệnh chuyển tiền. Khi truy cập vào, khách hàng được yêu cầu cung cấp tên truy cập, mật khẩu và cả OTP. Từ các thông tin đó, tội phạm tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Không chỉ có chiêu lừa này, mà còn có các chiêu lừa khác.

#1. Giả nhân viên nhà mạng liên hệ đổi sim 3G thành 4G rồi chiếm đoạt sim, dùng số điện thoại đó để giao dịch ngân hàng, kích hoạt dịch vụ rồi chuyển tiền, thanh toán giao dịch mua hàng trực tuyến nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách.

#2. Lập trang Facebook, website mạo danh rồi sao chép các trang web chính thống của ngân hàng để từ đó người dùng truy cập sai, vào thắc mắc và dẫn dụ cung cấp thông tin tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền.

#3. Có nhiều trang mạo danh ngân hàng kèm theo cái mác vay tiền, vay tín chấp… rồi mời khách hàng phát hành thẻ hoặc vay vốn để nhận ưu đãi, vô tình bẫy để lấy thông tin người dùng.

Vậy nên mẹ lưu ý chỉ nên truy cập vào website chính thức của ngân hàng và đăng xuất ngay khi kết thúc giao dịch hoặc không sử dụng.

Ảnh: Một trang web na ná giao diện ngân hàng quảng cáo gói cho vay tín chấp lãi suất thấp, nhưng thực chất là cái bẫy để lừa lấy thông tin người dùng. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Khi nhận bất kỳ tin nhắn OTP hãy kiểm tra kỹ, và không cung cấp cho bất cứ ai dưới bất kỳ hình thức nào.

Tội phạm lừa đảo công nghệ cao theo Điều 290 của Bộ luật Hình Sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải nộp tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet và Internet. 

Mặc dù vậy để truy tìm kẻ phạm tội nhất là tội phạm công nghệ cao không đơn giản, thêm nữa để tài sản được trả lại đòi hỏi phải qua các khâu của thủ tục tố tụng mới thực hiện được. Vì thế, cẩn thận là trên hết mẹ nha. Đừng để mình trở thành nạn nhân kế tiếp. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật