Xe “trùm mền” nhiều tháng, đóng bảo hiểm cả năm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bốn tháng dịch vừa qua, hơn 20 tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội. Hầu hết người và xe đều nằm nhà. Khi “mở cửa“ xe buộc phải trả đủ các loại bảo hiểm, phí cầu đường... mới được lăn bánh trên đường. Có hợp lý không?
Xe “trùm mền” nhiều tháng, đóng bảo hiểm cả năm
Nhiều xe công nghệ phải nằm lề đường do một số chủ xe tiết kiệm tiền gửi xe vô bãi - Ảnh: T.T.D.

Khách hàng khó khăn do dịch bệnh, nếu doanh nghiệp bảo hiểm "chơi đẹp" thì có thể cân nhắc việc khấu trừ tiền các tháng xe không được ra đường. Việc giảm phí này phụ thuộc vào thời gian giãn cách xã hội của từng địa phương.

Ông Trần Nguyên Đán (giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM)

Xe "trùm mền", chủ xe ai ở đâu ở yên đó, không có thu nhập, cũng không phát sinh rủi ro tai nạn gì. Bảo hiểm nói gì?

Xe nằm yên, tiền đóng đủ

TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội các mức từ cuối tháng 5 đến nay. Gần 4 tháng chuyển sang làm việc tại nhà, cả chiếc xe máy và ôtô của anh Trần Thanh Tiến (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phải phủ bạt nằm im. "dịch nên ở nhà, mấy tháng liền cả xe máy và ôtô đều không sử dụng, nhưng vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho cả năm" - anh Tiến nói. dịch COVID-19 khiến thu nhập bị giảm 70%, cuộc sống khó khăn, mong được doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ hoặc thay đổi cách tính phí thỏa đáng.

Với các doanh nghiệp vận tải, gánh nặng bảo hiểm gấp bội. Chuyên cho thuê xe hoa phục vụ đám cưới hỏi, cho thuê xe tự lái (4-16 chỗ), xe du lịch có tài xế (4-45 chỗ), gần 4 tháng nay công ty của anh Thành Tâm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) phải đóng cửa. Tuy nhiên, tiền phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới và phí bảo hiểm vật chất - ôtô đều phải đóng không thiếu một đồng.

"Mỗi năm đóng khoảng 240 triệu tiền bảo hiểm cho 20 xe. Mấy tháng rồi xe phải nằm im trong gara chứ không đi đâu, rủi ro gây tai nạn về người gần như bằng 0, không đi nên các rủi ro khác cũng không đáng kể. Nếu công ty bảo hiểm hỗ trợ chi phí thì tốt quá", anh Tâm nói và cho biết hiện đang mua bảo hiểm xe của rất nhiều doanh nghiệp.

Khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn các chủ xe/doanh nghiệp vận tải đều khó khăn, bị đứt/giảm nguồn thu, nhưng phải gánh hàng loạt chi phí. Đại diện một nhà xe chuyên chở khách đi tuyến TP.HCM - Đắk Lắk chia sẻ: "Xe ngưng chạy mấy tháng liền, không kiếm tiền nhưng mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng 50 triệu, tiền bảo hiểm xe phải đóng nguyên năm".

Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM - chia sẻ hiện chỉ còn khoảng 40% xe bên khối vận tải hàng thiết yếu đang hoạt động. Riêng bên khối chở hành khách chỉ còn 20% - chuyển thành xe cấp cứu hoặc làm các công việc đột xuất, 80% còn lại không chạy được ngày nào.

Nhiều chủ xe/doanh nghiệp không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi đủ thứ như trả tiền cho tài xế, mỗi xe tốn từ vài trăm ngàn đến mấy triệu đồng tiền gửi ở bãi, xe để lâu cũng hỏng hóc... Đủ thứ tiền phát sinh khi xe nằm yên và phí bảo hiểm thì y nguyên như khi xe vẫn ra đường.

"Riêng phí bảo hiểm, ít thì vài triệu, nhiều thì cả chục triệu, càng có nhiều xe càng tốn kém. Giờ quá khó khăn, nếu cứ tính phí bảo hiểm như trước thì rất bất lợi. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ, chẳng hạn cộng thêm thời gian để bù qua đoạn bị ngưng do giãn cách để cho dân được nhờ", ông Tính bày tỏ.

Nhiều ôtô "trùm mền" mấy tháng nay tại một chung cư trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Hưởng lợi từ phần thiệt của khách hàng

Qua 4 đợt dịch bùng phát, nhiều chủ xe và cả doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, khó khăn chồng chất, mong muốn được hỗ trợ thời gian hoặc tính phí bảo hiểm phù hợp hơn. "Việc khách đặt ra vấn đề này cũng có lý", ông Hà Vũ Hiển (nguyên phó tổng giám đốc của một công ty bảo hiểm) trả lời với tư cách khách hàng.

Theo ông Hiển, vì bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới bị ràng buộc bởi quy định của Bộ Tài chính nên doanh nghiệp bảo hiểm không thể tự động giảm, kể cả trong trường hợp nhiều xe đồng loạt không được lưu thông do dịch COVID-19 vì chưa có quy định. Tuy nhiên, riêng bảo hiểm tự nguyện - bảo hiểm vật chất ôtô, khách hàng có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để giảm phần nào phí vào năm tới.

"Theo nguyên tắc bảo hiểm, rủi ro đến đâu phí bảo hiểm đến đó. dịch bệnh làm giảm tổn thất - rủi ro, là cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm làm căn cứ giảm phí cho năm sau, còn giảm như thế nào là tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và khách hàng", ông Hiển chia sẻ.

Ông Trần Nguyên Đán (giảng viên ngành bảo hiểm Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định các loại phí bảo hiểm dành cho xe cơ giới, đặc biệt là ôtô, được tính dựa trên yếu tố rủi ro, trong đó chính yếu nhất là rủi ro tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhiều tháng qua các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã thực hiện giãn cách xã hội, điều này cũng góp phần khiến tỉ lệ tai nạn giao thông giảm rõ rệt.

"Bản chất của bảo hiểm là lấy tiền đã đóng góp của đa số để bồi thường rủi ro cho thiểu số. Tuy nhiên thời gian qua khi mọi người đồng loạt phải ở nhà, rủi ro về tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn liên quan đến thân thể/tính mạng bằng 0. Như vậy, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới phải "đắp chiếu" trong nhiều tháng. Còn bảo hiểm vật chất ôtô vẫn bảo vệ trước các rủi ro như cháy nhà, nước tràn vào tầng hầm... nhưng không đáng kể. Các gói bảo hiểm thường đóng trước theo năm với nguyên tắc ứng trước, như vậy thiệt thòi của khách hàng đã trở thành một phần lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm", ông Đán cho hay.

Theo ông Đán, trong lúc người dân khó khăn do dịch bệnh, nếu doanh nghiệp bảo hiểm "chơi đẹp" thì có thể cân nhắc việc khấu trừ các tháng xe không được ra đường do thực hiện giãn cách xã hội để giảm phí vào năm sau. Việc giảm phí này phụ thuộc vào thời gian giãn cách xã hội của từng địa phương. Ví dụ, TP.HCM giãn cách trong vòng 4 tháng thì khách hàng ở đây sẽ được giảm 4 tháng phí mua bảo hiểm năm tới.

Bản chất tiền bảo hiểm là ứng trước tiền mua hàng, nên nhà bảo hiểm có thể khấu trừ giảm phí theo tháng, tuần, ngày mà xe không được hoạt động. Trừ 28% cho các chi phí hoa hồng, phát hành hợp đồng..., nhà bảo hiểm có thể lấy 72% chi phí thuần bồi thường cho rủi ro, loại trừ các ngày xe ở nhà do thực hiện giãn cách.

"Hiện nay, người dân ngày càng ý thức về việc mua bảo hiểm nên nhà bảo hiểm phải khéo léo lấy lòng khách hàng, không nên chăm chăm ăn lời vào sự thiệt thòi của khách hàng, nhất là trong bối cảnh khó khăn trong dịch bệnh thế này", ông Đán nói.

Bên cạnh đó, ông Đán cũng kiến nghị trong tương lai, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam có thể tham khảo cho ra sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới dựa theo quãng đường xe lăn bánh như cách Mỹ đang áp dụng.

Đối với các rủi ro liên quan đến lưu thông, nhà bảo hiểm có thể cho ra gói bảo hiểm ứng trước tiền cho một năm, nhưng ngày nào xe chạy mới trừ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật