Phát hiện gen lạ trong Omicron mà không chủng SARS-CoV-2 nào sở hữu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra một gen lạ trong cấu tạo của Omicron được cho có thể khiến nó dễ lây lan hơn chủng khác, nhưng lại gây triệu chứng nhẹ hơn.
Phát hiện gen lạ trong Omicron mà không chủng SARS-CoV-2 nào sở hữu
Xếp hàng chờ tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Nam Phi (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, các nhà nghiên cứu tại công ty phân tích dữ liệu Cambridge ở Massachusetts, Mỹ đã phát hiện ra chủng Omicron có thể sở hữu ít nhất một đột biến bằng cách sử dụng một đoạn vật liệu di truyền từ virus khác, có khả năng cao là virus cúm thông thường.

Các nhà nghiên cứu cho biết, chuỗi gen lạ không xuất hiện trong bất cứ phiên bản nào của SARS-CoV-2 trước đó, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus khác, bao gồm cả những virus gây cảm cúm thông thường và cả trong bộ gen người, các nhà nghiên cứu cho biết.

Bằng việc thêm đoạn gen này vào trong cấu tạo, biến chủng Omicron dường như có thể dễ dàng tấn công vào hệ thống miễn dịch của con người hơn, theo chuyên gia Venky Soundararajan, người đứng đầu nghiên cứu của công ty Cambridge.

Các nhà khoa học nhận định, với đoạn gen này, Omicron dường như có thể lây lan dễ dàng hơn, trong khi nó có thể chỉ gây ra triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện chưa nắm được chính xác liệu Omicron có dễ lây lan hơn các chủng khác hay gây ra triệu chứng nặng hơn, hay liệu nó có vượt mặt Delta thành chủng áp đảo trên thế giới hay không. Để trả lời cho câu hỏi này, thế giới có thể phải chờ vài tuần khi dữ liệu của Omicron đầy đủ.

Theo các nghiên cứu trước đó, tế bào trong phổi và hệ tiêu hóa của con người có thể cùng lúc chứa virus SARS-CoV-2 và virus cảm cúm thông thường. Điều này có thể dẫn tới khả năng các virus tái tổ hợp với nhau. Quy trình này được mô tả là 2 loại virus trong cùng tế bào tương tác với nhau khi tự sao chép và nó sẽ tạo ra phiên bản virus mới mang đặc tính từ của 2 virus "bố mẹ".

Theo chuyên gia Soundararajan, Omicron có thể xuất hiện lần đầu ở một người vừa mắc cúm, vừa mắc SARS-CoV-2. Khi đó, SARS-CoV-2 có thể đã thu thập vật liệu di truyền của virus cúm và tạo ra phiên bản Omicron. Chuỗi gene tương tự từng xuất hiện nhiều lần trong virus cúm HCoV-229E và virus HIV gây bệnh AIDS.

Nam Phi, nơi ca Omicron đầu tiên bị phát hiện, là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới. Virus này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến con người dễ tổn thương hơn trước các virus cảm cúm thông thường, cũng như các loại virus khác.

Trước đó, ông Tulio de Oliveira, giám đốc trung tâm ứng phó dịch bệnh Nam Phi, đưa ra nghi vấn rằng biến chủng này đã có thể đã sử dụng c‌ơ th‌ể của một người bị bệnh về suy giảm miễn dịch, ví dụ như HIV, để làm "vườn ươm".

Sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định cách mà các đột biến nhiều chưa từng có trên Omicron được tạo ra và tác động của nó tới đặc tính của virus. Tuy nhiên, chuyên gia Soundararajan nhận định rằng, khám phá mới của nhóm các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mọi người cần phải được tiêm chủng.

"Chúng ta cần phải tiêm chủng để giảm thiểu nguy cơ những người bị suy giảm miễn dịch nhiễm virus SARS-CoV-2", chuyên gia Soundararajan nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật