Thầy Park - mắt xích tâm điểm trước thềm AFF Cup

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người đã gọi huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam là thầy Park. Điều đó cho thấy ông có vị trí lớn trong lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Thầy Park - mắt xích tâm điểm trước thềm AFF Cup
HLV Park Hang-seo có nhiệm vụ bảo vệ chức vô địch AFF Cup. Ảnh: Minh Chiến.

Trước thềm AFF Cup 2020, ông Park đón tin không vui khi Đỗ Hùng Dũng không thể cùng tham gia “chinh phạt” lần này vì những lý do liên quan đến thủ tục của nước chủ nhà Singapore ở giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Nhưng cái tin ấy thực ra cũng khá vui, nếu nhìn theo khía cạnh tích cực.

Áp lực bảo vệ chức vô địch AFF Cup

Tuyển Việt Nam có Hùng Dũng, khả năng sử dụng anh có khi cũng không nhiều khi toan tính của ông Park ban đầu là để dành cho bán kết và chung kết. Vắng Hùng Dũng, tuyển Việt Nam thực tế được kiểm chứng chính mình bằng các nhân tố khác ở hàng tiền vệ để tránh đi sự phụ thuộc quá lớn vào một cá nhân. Hơn nữa, Hùng Dũng cũng có thời gian để quá trình hồi phục hoàn toàn được tốt hơn, kỹ lưỡng hơn và cẩn trọng hơn.

Nhưng người ta vẫn bàn về chuyện vắng Hùng Dũng, bởi lẽ đơn giản là ai cũng trông chờ vào việc tuyển Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch. Chúng ta đã tham gia giải là phải đặt tham vọng, ai lại đá cho vui bao giờ, nhất là khi giải đấu vừa tầm. Và từ sự quan tâm lớn tới khả năng bảo vệ chức vô địch, câu hỏi được đặt ra là: Giả sử, nếu chúng ta không giành cúp, ông Park liệu có đáng nhận làn sóng chỉ trích hay không?.

Chuỗi thất bại ở vòng loại thứ 3 World Cup cho thấy người hâm mộ Việt Nam rất hiểu điều kiện của cuộc chơi để từ đó có đánh giá về người HLV trưởng. Không ai chỉ trích ông Park về chuỗi thất bại ấy vì tất thảy đều hiểu nó quá sức nền bóng đá nước nhà.

Nhưng không thành công ở AFF Cup, thì lại là chuyện khác. Suốt mấy năm qua, chúng ta đã quen với suy nghĩ tuyển Việt Nam là đội mạnh nhất Đông Nam Á hiện nay mà quên mất dưới tay ông Park, chúng ta chưa có tỷ số thắng Thái Lan lần nào trong các trận đấu chính thức.

Chính vấn đề về thái độ đối với Park Hang-seo qua chuyện thành - bại này khiến chúng ta cần đi đến cái nhìn khái quát và khách quan hơn về những đóng góp của vị HLV trưởng tuyển quốc gia suốt thời gian qua. Một đánh giá khách quan sẽ đủ để chúng ta có thái độ đúng mực và cũng giúp giảm phần nào đi áp lực lên bản thân ông Park, cũng như nhiều HLV đang hoạt động trong nền bóng đá nước nhà.

Thực tế, kể từ sau Thường Châu kỳ tích, đã có rất nhiều người tôn thờ ông Park như thần tượng. Tôn chỉ của họ là: Thầy Park làm gì cũng đúng và Không có ông Park, bóng đá Việt Nam không có được các thành tích như vài năm rồi. Cách họ nhìn về công lao ông Park không sai, nhưng thái quá. Và chính sự thái quá ấy châm ngòi cho rất nhiều tranh cãi vô bổ suốt thời gian qua.

Phải thừa nhận, HLV Park đã mang lại sinh khí rất mới cho đội tuyển quốc gia kể từ khi ông bắt tay vào việc. Cách tổ chức đội bóng của ông là cực tốt khi không khí sinh hoạt chung của các tuyển thủ rất tích cực.

Nếu nhìn vào cái cách các tuyển thủ trêu đùa nhau trên mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng nếu không có sự thân thiết nhất định, không thể nào trêu đùa nhau như thế. Sự thân thiết đó khẳng định chưa bao giờ tuyển Việt Nam đoàn kết như hôm nay.

Trong nền bóng đá mà có thể giữa bầu Đức với bầu Hiển vẫn có vài “drama” truyền thông nào đó được suy diễn thành sự đối đầu, thì việc các “con cưng” của bầu Đức vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên và vô tư với lính nhà bầu Hiển cho thấy nội tình đội tuyển quốc gia tích cực đến mức độ nào. Đó còn là cách thể hiện của những cầu thủ trưởng thành, chuyên nghiệp, có nhân cách và chính kiến rõ ràng. Có thể nói, chúng ta cảm thấy mãn nguyện vì tuyển Việt Nam không có tình trạng bè phái, thứ mà không ít đội bóng trên thế giới mắc phải.

Sự hỗ trợ thầm lặng từ các đồng nghiệp

Ngoài tinh thần tập thể ấy ra, chính những người hành nghề huấn luyện ở Việt Nam cũng phải thừa nhận chuyên môn ông Park rất tốt, đặc biệt là ở khả năng tổ chức hàng phòng ngự. Tuyển Việt Nam được nhiều người yêu mến thông qua đại diện là những Quang Hải, Công Phượng, nhưng thực chất sức mạnh nền tảng của nó so với khu vực Đông Nam Á chính là chất lượng phòng ngự. Đây là thành tựu mà khó ai có thể phủ nhận được vì nó hiển thị bằng chính lối chơi và kết quả trên sân, chứ không phải chỉ là những bình luận suông hay ngợi khen đầu môi.

Nhưng nếu nhìn vào các khía cạnh tích cực ấy cùng việc mang thước đo là các danh hiệu đạt được để nói ông Park là người có công duy nhất, hoặc lớn nhất, cho sự tiến bộ này thì đúng là hơi quá đà. Ông Park chỉ khơi gợi cho ngọn lửa tiềm năng bùng lên, chứ không đủ sức một tay xoay vần cả cục diện của bóng đá Việt Nam hiện thời. Tôn thờ HLV Park quá mức nhiều khi cũng là hại ông, bởi nó chỉ tạo ra áp lực cùng luồng dư luận cực đoan trái chiều.

Khá tình cờ là khi tuyển Việt Nam chuẩn bị xuất quân ở AFF Cup, thì HLV Hoàng Anh Tuấn được nhận trách nhiệm HLV trưởng U17 quốc gia. Chắc chúng ta chưa quên đó là vị HLV đã cùng lứa cầu thủ Quang Hải, Văn Hậu, Hà Đức Chinh… hôm nay đi đến vòng chung kết World Cup U20.

Nhiều người nhìn vào thành tựu này với con mắt phiến diện, nhất là khi họ có đối trọng so sánh như Park Hang-seo. Đại ý là họ mang nhiệm kỳ HLV trưởng đội tuyển quốc gia trước kia của Hoàng Anh Tuấn ra để đối chiếu thành tích, và họ khẳng định luôn việc đến vòng chung kết U20 World Cup chỉ là nhờ một thế hệ cầu thủ tài năng.

HLV Park đang gặp nhiều áp lực ở tuyển Việt Nam. Ảnh: Y Kiện.

Đúng là chúng ta có thế hệ cầu thủ tài năng, nhưng khi chính các cầu thủ ấy (hôm nay là tuyển thủ quốc gia) vẫn nhìn về “thầy Hoàng Anh Tuấn” bằng con mắt kính trọng, thì chúng ta cần nhìn nhận lại về HLV người Nha Trang này. Bản thân những Quang Hải, Văn Hậu... cũng không một ai cho rằng nhờ vào thế hệ của họ mà ông Hoàng Anh Tuấn làm nên chuyện. Họ đều thừa nhận “thầy Tuấn” có những năng lực thuyết phục và hơn hết, cái nền tảng đoàn kết của đội tuyển quốc gia hôm nay đã nảy sinh từ chính những ngày U20 ấy rồi.

Việc đưa ví dụ này ra để hiểu sẽ không thể quy toàn bộ thành tích của đội tuyển quốc gia hôm nay về cho một mình ông Park Hang-seo, bởi nó sẽ bất công với nhiều HLV khác. Ngay cả trường hợp Tiến Linh thôi cũng đủ để nói rồi. Nếu như HLV trưởng CLB Bình Dương không tin tưởng, giao cho Linh suất đá chính giữa cái thời V.League trọng tiền đạo ngoại như hôm nay, ông Park có trung phong tốt như thế hay không?

Rất nhiều HLV trong nước đã và vẫn lặng thầm làm rất tốt công việc của họ. Và những công việc ấy như từng giọt nước nhỏ, góp lại thành ly nước lớn để ông Park có thể ung dung sử dụng trong những đại chiến cùng đội tuyển quốc gia.

Thực tế, trong cả nền bóng đá Việt Nam hôm nay, ông Park chỉ là mắt xích giữa cả dây chuyền tương hỗ lẫn nhau. Làm việc ở Việt Nam đủ lâu, ông Park cũng quá hiểu môi trường bóng đá Việt Nam nói riêng và môi trường xã hội Việt Nam nói chung. Ông thừa sự lịch duyệt và khôn khéo để củng cố tốt uy tín và vị thế của mình. Với những gì HLV Park có được, thực chất, ông có những quan hệ xã hội mà ngay cả giới chức ở VFF nhiều khi cũng phải nể vài phần.

Song, chính vì đội tuyển quốc gia là gương mặt tiêu biểu của nền bóng đá, nên chính ông Park cũng trở thành mắt xích tâm điểm, được quan tâm nhất. Ở vị trí mắt xích tâm điểm ấy, ông lộ sáng nhiều hơn các đồng nghiệp của mình, nhất là so với các đồng nghiệp bản địa vốn dĩ rất khó làm việc khi bị giằng xé giữa nhiều mối quan hệ ngoài sân cỏ.

Và chúng ta, cũng như những khán giả theo dõi màn trình diễn trên sân khấu, hay bị cuốn mắt mình vào phía của ánh đèn spotlight thay vì nhìn vào tổng thể. Do vậy, chúng ta cũng dễ để mình sa vào chủ nghĩa tôn thờ cá nhân, mà quên mất chính cái chủ nghĩa ấy là rào cản rất lớn cho những đóng góp xây dựng từ khách quan bên ngoài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật