Chủ động chăm sóc nuôi trồng thủy sản phục vụ thị trường tết

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc các đối tượng nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chủ động chăm sóc nuôi trồng thủy sản phục vụ thị trường tết
Người dân nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) thu hoạch thưa thủy sản nuôi để chăm sóc phục vụ thị trường tết.

Những ngày này, người dân ở các vùng NTTS của huyện Hoằng Hóa đang tập trung chăm sóc và thả nuôi con giống đã có kích thước lỡ để gối vụ cho thị trường trong và sau Tết Nguyên đán. Anh Lê Xuân Lâm, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa), cho biết: Gia đình tôi có trang trại hơn 2,5 ha NTTS theo hướng tập trung, hiện nay đang thu hoạch các loại đạt kích cỡ thương phẩm để chia ao thả nuôi gối vụ cung cấp cho thị trường dịp cuối năm. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, gia đình đã rắc vôi bột xung quanh ao, thường xuyên theo dõi nhiệt độ, đo độ PH trong ao nuôi để điều chỉnh cho phù hợp; cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi để không dư thừa thức ăn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nuôi... Việc chăm sóc tốt các đối tượng thủy sản nuôi trong mùa đông sẽ giúp người dân có nguồn thu, bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường tết. Năm nay, vụ NTTS xuân hè bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường tiêu thụ tôm nuôi thương phẩm gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp và không xuất khẩu được. Ngoài ra, các nhà hàng, khách sạn ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vắng khách nên sức tiêu thụ thấp, các hộ đầu tư nuôi cầm chừng. Vì vậy, tại các khu NTTS tập trung ở huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương... các hộ nuôi tôm công nghiệp đầu tư xây dựng ao nổi phủ mái che nuôi tôm vụ đông để phục vụ thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, vụ đông năm nay toàn tỉnh có 45 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 35 ha. Chủ yếu các hộ nuôi đã đầu tư xây dựng các ao nuôi có nhà bạt che phủ, lót bạt dưới đáy ao và có hệ thống quạt oxy để kiểm soát nhiệt độ, giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt từ 25 - 30 tấn/ha.

Hiện toàn tỉnh có 19.390 ha NTTS, trong đó: nuôi tôm nước lợ 4.100 ha; nước mặn ngao 1.140 ha; nước ngọt 14.150 ha. Ngoài ra, trên các hệ thống sông, cửa biển, vịnh Nghi Sơn, người dân nuôi 3.654 ô lồng cá biển; nước ngọt 2.086 ô lồng... Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp khuyến khích các hộ thả nuôi các đối tượng có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và có năng suất cao, như: cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá chép lai... Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản, các địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản, thương phẩm chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho các đối tượng nuôi. Tập trung phòng, chống dịch bệnh để tăng năng suất và thích ứng với các điều kiện của thời tiết rét đậm, rét hại... Đồng thời, hỗ trợ người dân về khoa học - kỹ thuật, ứng dụng các biện pháp nuôi trồng theo hướng VietGAP. Tích cực hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường tiêu thụ trong dịp trước trong và sau tết để cân đối cung cầu; xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho thủy sản thương phẩm. Ngoài ra, các hộ nuôi chủ động dự trữ nguồn thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, nguyên vật liệu phục vụ NTTS; sử dụng các nguồn thức ăn tại chỗ sẵn có, như: cỏ, rau xanh, thóc, ngô... để bổ sung, thay thế các loại thức ăn công nghiệp, đảm bảo cho thủy sản tăng sức đề kháng phát triển ổn định. Để chủ động nguồn giống cho vụ nuôi mới, các cơ sở lưu giống cá bố mẹ và ươm nuôi giống thủy sản thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản bố mẹ, giống nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật