Hiệu quả kinh tế từ nghề sản xuất và di ương cá giống tại thị trấn Tân Phong

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những năm qua, nghề sản xuất và di ương cá giống đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương). Mô hình này ngày càng phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Hiệu quả kinh tế từ nghề sản xuất và di ương cá giống tại thị trấn Tân Phong
Mô hình nuôi cá giống của gia đình anh Lê Thiện Nhâm, thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong cho hiệu quả kinh tế cao.

Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho nhiều hộ nuôi cá giống ở thị trấn Tân Phong chủ động được rất nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất, từ khâu chọn cá giống, chuẩn bị ao, bể thả, xử lý môi trường đến chăm sóc... Gia đình anh Lê Thiện Nhâm, thôn Dục Tú đầu tư xây dựng hệ thống bể chứa nước bằng xi măng để kíc‌h thí‌ch cá sinh sản và thụ tinh như trong môi trường tự nhiên. Với 3 ha ao nuôi cá bố mẹ, anh Nhâm đã xây dựng 15 ô nuôi bằng xi măng, mỗi ô rộng 50m2 chuyên sản xuất giống cá quả được di ương từ tỉnh An Giang về. Mỗi năm, xuất bán ra thị trường từ 8 đến 10 triệu cá giống cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt từ 8 đến 10 tỷ đồng, thu lãi gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 5 đến 6 lao động với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Loan, thôn Tân Phúc có thâm niên nuôi cá sinh sản gần 20 năm. Hiện nay, gia đình ông có 5 ha trang trại nuôi và di ương cá giống. Trên diện tích này, gia đình ông xây dựng 14 ao nuôi, trong đó có 4 ao nuôi cá bố mẹ, còn lại nuôi ươm các loại cá giống. Do có kinh nghiệm nên cá cho nhiều trứng, chu kỳ sinh sản tăng lên 4 - 5 lần mỗi năm. Ông Loan thường chủ động cho các giống cá đẻ sớm nên giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ. Trung bình mỗi năm doanh thu từ cá sinh sản đạt gần 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống của mình, ông Loan cho biết: Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Để bảo đảm chất lượng con giống và năng suất, cần phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống cần tháo hết nước trong ao, bể rồi rắc vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học trước khi thả cá. Cá giống phải khỏe mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được.

Hiện nay, thị trấn Tân Phong trở thành nơi cung cấp cá giống lớn, có uy tín cho các vùng nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các gia đình làm nghề nuôi cá giống lâu năm đều là những hộ khá, giàu. Nghề nuôi cá giống nước ngọt ở thị trấn Tân Phong đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế. Trên địa bàn thị trấn có khoảng 1.000 hộ tham gia nuôi cá giống, trong đó, có 7 trại đầu tư nuôi giống gốc cá bố mẹ, còn lại nuôi ươm cá bột, cá phân tấc. Mỗi năm doanh thu gần 30 tỷ đồng. Theo các thương lái, cá giống của xã đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, một số tỉnh miền Nam và cả thị trường Lào.

Để nâng cao chất lượng ương nuôi, sản xuất cá giống cho người dân, thị trấn Tân Phong đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương, Chi cục Thủy sản mở các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng bệnh, xử lý ao nuôi khi cá bị bệnh... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn vệ sinh môi trường ao nuôi; vận động các hộ nuôi thả đúng lịch thời vụ; thông báo cụ thể thời điểm lấy nước, tiêu nước để bà con nông dân chủ động kế hoạch đưa nước vào ao nuôi.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật