Bạn trẻ chi tiền tỉ xây đài thiên văn ngắm trời đêm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Yêu thiên văn, anh chàng nhân viên văn phòng ở Vũng Tàu quyết định chi tiền tỉ xây đài thiên văn cho riêng mình, dù ’nhiều khi 365 ngày trong năm chỉ sử dụng tầm 20 đến 30 ngày’.
Bạn trẻ chi tiền tỉ xây đài thiên văn ngắm trời đêm
Phần mái vòm của đài thiên văn nghiệp dư mà Phạm Thanh Sơn đang sở hữu - Ảnh: HOÀNG THI

Phạm Thanh Sơn (30 tuổi), hiện là nhân viên văn phòng ở Vũng Tàu, cho biết đã bắt tay vào thiết kế một đài thiên văn nghiệp dư cho riêng mình từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, phải mất thêm 2 năm để chuẩn bị kiến thức và thu thập linh kiện để đài dần đi vào hoàn thiện trong năm 2021.

Anh Sơn chia sẻ cộng đồng nhiếp ảnh thiên văn ở Việt Nam lúc ấy vẫn chưa đông nên anh phải nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều anh em có kinh nghiệm cả trong và ngoài nước để tư vấn xây dựng.

Đài thiên văn được cải tạo từ căn phòng áp mái của gia đình anh ngay tại TP Vũng Tàu. Trong đó từng chi tiết khi thiết kế hay lựa chọn đều đòi hỏi sự chính xác ở mức cao nhất.

Chẳng hạn, trụ "EQ", tên gọi bộ phận chân đế giúp đỡ các thiết bị khác như kính thiên văn, máy ảnh, phải chịu được tải lớn và sai số cực thấp.

Người chơi cũng sắm ống kính, thiết bị thu hình phù hợp, đồng phải phải sắm những kính lọc phù hợp theo từng màu hoặc từng dải quang phổ tưng ứng.

Mỗi thiết bị riêng lẻ kể trên cũng đã dao động từ vài chục đến vài trăm triệu. Tổng cộng hết những món "đồ nghề" mà anh bỏ tiền của mình đến nay vào khoảng 800 triệu đồng.

Trong đó, chỉ riêng phần mái vòm cho đài thiên văn được đặt mua trực tiếp từ Canada cũng có giá lên tới 130 triệu đồng.

Một bộ ống kính trong rất nhiều thiết bị được anh Sơn sắm sửa để khám phá vũ trụ - Ảnh: HOÀNG THI

"Mình đã ấp ủ xây một đài thiên văn cho riêng mình từ năm 1‌8 tuổ‌i, nên từ đó đến nay luôn có khoản riêng để tiết kiệm cho ước mơ", anh Sơn nói.

Vốn đam mê vật lý từ nhỏ, năm lớp 7, anh Sơn đã tự chế một kính khúc xạ đầu tiên bằng ống nước và những cặp kính mua từ tiệm mắt kính.

Đến năm lớp 11, anh mày mò làm những kính phản xạ lớn hơn cũng từ những vật dụng quen thuộc.

Anh Sơn chia sẻ người chơi bộ môn thiên văn ở Việt Nam phải rất kiên trì vì phần lớn thời gian trong năm ở Việt Nam đều không ủng hộ cho việc ngắm vũ trụ.

"Nhiều khi 365 ngày trong năm chỉ sử dụng  tầm 20 đến 30 ngày", anh Sơn nói.

Dù vậy từ khi đi vào hoạt động đến nay, đài thiên văn của anh cũng đã thỏa được phần nào sở thích chiêm ngưỡng vũ trụ của anh và những người bạn của mình.

Nhóm đã ghi lại được những khoảnh khắc đáng nhớ của đợt nhật thực hình khuyên 26-12-2019, chụp được thiên hà Ngọc Phu vào tháng 2-2021, tinh vân Lạp Hộ vào tháng 3 và 4-2021…

Bộ ảnh nhật thực vành khuyên đã được nhóm của anh chụp lại trong năm 2019 - Ảnh: NVCC

Anh Sơn tâm sự bản thân rất vui vì đài thiên văn nghiệp dư của mình truyền cảm hứng được cho nhiều bạn nhỏ.

Anh dự định sẽ mời các bạn nhỏ đến tham quan và quan sát thiên văn vào năm ngoái, nhưng do dịch bệnh nên phải hoãn lại.

"Thiên văn học là lĩnh vực mà con người vẫn chưa tìm hiểu hết. Mình mong muốn sau này người Việt Nam sẽ tìm ra và đặt tên cho một vật thể nào đấy ngoài vũ trụ", anh Sơn nói.

"Trong năm nay, mình sẽ tích lũy thêm kiến thức và kỹ năng để sắp tới dự định sẽ xây một đài thiên văn chuyên nghiệp hơn nằm ở chỗ ít bị ô nhiễm ánh sáng hơn".

Tinh vân Lạp Hộ được chụp vào tháng 3 và 4-2021 - Ảnh: NVCC

Thiên hà Ngọc Phu được nhóm chụp vào tháng 2-2021 - Ảnh: NVCC

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật