Chủ động sản xuất vụ mùa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh dự kiến kế hoạch gieo cấy gần 22.200ha lúa, khoảng 1.500ha ngô, gần 1.000ha khoai lang… Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản xuất vụ mùa và phòng trừ dịch bệnh.
Chủ động sản xuất vụ mùa
Người dân phường Đức Chính, TX Đông Triều, cấy lúa vụ mùa 2022.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh, các tháng cuối năm 2022, có khoảng 3-4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ninh, tập trung chủ yếu vào tháng 7, 8 và 9, trong đó khả năng có 1 cơn đổ bộ trực tiếp. Tổng lượng mưa xấp xỉ phổ biến trung bình nhiều năm, riêng tháng 8 khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt mưa vừa và mưa to tập trung vào tháng 7, 8. Nền nhiệt độ xấp xỉ trên trung bình nhiều năm. Hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa, bão, lũ,... trong thời gian tới có khả năng diễn biến phức tạp.

Để ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp, các địa phương đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân, sẵn sàng đất cho vụ mùa. Đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2021-2022, diện tích lúa đã thu hoạch khoảng 11.000ha.

Thu hoạch lúa mô hình phát triển lúa chất lượng cao Japonica tại huyện Hải Hà.

Tại huyện Bình Liêu đã thu hoạch trên 420ha cây trồng vụ Đông Xuân và đặt mục tiêu gieo trồng vụ mùa đạt khoảng 1.850ha. Để chủ động tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tranh thủ khi thời tiết thuận lợi thu hoạch nhanh, gọn diện tích cây trồng, đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tránh thiệt hại cuối vụ do thời tiết, sinh vật gây hại gây ra và giải phóng đất để triển khai sản xuất vụ mùa năm 2022. Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân làm đất, vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch; tổ chức thu gom, xử lý phế phụ phẩm cây trồng theo đúng quy định, nghiêm cấm tổ chức đốt rơm, rạ sau thu hoạch.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ mùa, các địa phương cũng đã chủ động nguồn nước, bố trí thời vụ gieo trồng phải phù hợp kế hoạch cấp nước để công tác cấp nước, xuống giống lúa mùa diễn ra tập trung, gọn vùng tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên nước và làm ảnh hưởng tới các diện tích trồng rau màu. Tại TX Đông Triều, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác 18 hồ đập lớn nhỏ, với tổng dung tích trữ nước khoảng 35,3 triệu m3

Ông Vũ Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, cho biết: Để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất, công ty ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân FPD quan trắc, lấy mẫu nước theo định kỳ hằng quý để phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước của 16 lưu vực hồ chứa nước và 1 lưu vực sông. Bên cạnh đó, Công ty cũng rà soát lại hiện trạng mực nước ở tất cả các hồ, đập; yêu cầu các cụm thủy nông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thường xuyên theo dõi mực nước trên các đồng ruộng để lên lịch cấp nước cụ thể cho bà con đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; không để tình trạng thiếu nước cục bộ xảy ra.

Ngành Nông nghiệp cũng chủ động triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa gắn với cây vụ đông năm 2022, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo đúng quy định. Nhất là tại các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, tránh để xảy ra tình trạng bỏ đất hoang, đảm bảo mở rộng tối đa diện tích cây trồng.

Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại giống chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Như với cây lúa, nên trà mùa sớm, cấy khi mạ được 12-15 ngày tuổi, sử dụng các giống lúa, như: Khang dân 18, Hương thơm số 1, RVT, Bắc thơm 7, ĐT100... Đặc biệt, mỗi địa phương nên cơ cấu 3-4 giống lúa chủ lực và 3-4 giống lúa bổ sung, chủ động chuẩn bị giống và gieo mạ dự phòng 10-15%.

Với cây ngô, nên sử dụng các giống LVN4, NK6654, NK4300, HN88, NH68, CP511, CP512, CP111,… Các loại cây như lạc, đậu tương, khoai lang kết thúc gieo trồng trong tháng 6. Riêng các loại rau nên tranh thủ gieo trồng khi có đất và điều kiện thời tiết thuận lợi, thực hiện đa dạng hóa chủng loại sản phẩm rau nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quá trình sản xuất rau theo VietGAP, hữu cơ...

Theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), Chi cục chỉ đạo phòng chuyên ngành và các địa phương tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng, phòng chống, thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do điều kiện thời tiết bất thuận và sinh vật hại gây ra. Cùng với đó, rà soát phương án ứng phó thiên tai để chủ động phòng chống bảo vệ sản xuất; tổ chức phát động tu sửa, gia cố, nạo vét các tuyến kênh mương tại địa phương để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác sản xuất và phòng chống thiên tai; xây dựng phương án tưới, tiêu nước kịp thời trong trường hợp nắng nóng hoặc mưa bão xảy ra. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, chỉ đạo kịp thời, nhất là điều chỉnh việc gieo trồng các cây vụ mùa phù hợp khi có diễn biến thời tiết bất lợi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật