Giá xăng tăng, chủ xe hạng A cũng bắt đầu ngấm đòn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều tài xế lựa chọn xe hạng A vì động cơ dung tích nhỏ, nhưng cũng đang phải đau đầu tìm cách tiết giảm chi phí khi giá xăng tăng cao trong thời gian gần đây.
Giá xăng tăng, chủ xe hạng A cũng bắt đầu ngấm đòn
Bên trong chiếc Kia Morning. Ảnh: Thaco.

A. Vũ (32 tuổi), tài xế taxi công nghệ mướt mồ hôi trong chiếc Kia Morning mà anh đang chở khách len lỏi trên con đường tại trung tâm quận 1 (TP.HCM). Anh căng thẳng không phải vì thời tiết nóng bức mà bởi cuốc xe cự ly gần có giá chỉ 50.000 đồng, chưa đủ để đổ 2 lít xăng. Vũ nhẩm tính tháng này chắc lại lỗ nặng.

Xe hạng A cũng không còn tiết kiệm

Năm 2021, sau thời gian dài tích cóp, anh Vũ và vợ quyết định tậu về chiếc Kia Morning để “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Tuy vậy, khi công ty giảm lương, cắt bớt nhân sự do khó khăn sau đại dịch, Vũ bàn với vợ tận dụng phương tiện này làm "cần câu cơm".

Vợ anh hay đọc báo, xem tin tức, thấy thu nhập của tài xế công nghệ cũng khá ổn nên ủng hộ chồng. Tháng đầu tiên chạy taxi công nghệ, lượt đặt xe rất cao, Vũ đón khách liên tục do nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh. Hai vợ chồng vui mừng vì suy đi tính lại thì chỉ đến năm sau là hoàn vốn mua xe.

Tuy nhiên giá xăng liên tục tăng cao như một gáo nước lạnh dội lên mọi suy tính của gia đình Vũ. Một cuốc xe giờ phải gánh biết bao chi phí, chưa kể hãng xe còn tăng cả chiết khấu khiến mỗi ngày dù nhận nhiều chuyến xe cả xa lẫn gần nhưng anh chẳng thu lại được bao nhiêu. Những ngày gần đây TP.HCM vào mùa mưa, đường sá lại hay ngập nên việc bắt khách càng khó khăn do ngại xe đi vào vùng ngập sâu và "nằm" luôn ở đó.

Không khá khẩm hơn là bao, B. Minh (25 tuổi), kỹ sư công nghệ thông tin của một tập đoàn lớn cũng đang phải lao đao khi xăng tăng giá. Là một người kỹ tính, Minh đã nghiên cứu rất nhiều trước khi quyết định rút khoảng tiền tiết kiệm để mua VinFast Fadil. Anh nhận định rằng mặc dù sở hữu động cơ có dung tích xy-lanh lớn hơn so với đối thủ, Fadil vẫn là một lựa chọn kinh tế. B. Minh cho rằng về cơ bản, đây vẫn là một chiếc xe cỡ A nên mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ không cao.

Dẫu vậy, khi giá xăng tăng đột biến thêm gần 10.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2021, Minh bắt đầu cảm thấy “thấm đòn”. Quãng đường đi làm mỗi ngày chỉ tầm 10 km, đôi khi thêm vài chục km vào cuối tuần để đưa bạn gái đi chơi ở ngoại thành, vậy mà tháng nào ngân quỹ của chàng kỹ sư trẻ cũng bị thâm hụt nặng.

Đi chậm để bớt tiền xăng

Từ trước đến nay, các chủ xe cỡ A luôn tránh được mối lo nặng đầu liên quan đến chi phí nhiên liệu, bởi động cơ dung tích nhỏ cộng với kích cỡ bình nhiên liệu không quá lớn khiến chủ xe cũng mạnh dạn đổ đầy bình hơn mỗi khi ghé qua trạm xăng.

Tuy vậy, khi nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch, cộng với ảnh hưởng từ những biến động trên thế giới, giá xăng bỗng nhiên bật tăng dữ dội trong vài tháng gần đây. Ở thời điểm hiện tại, mỗi lít xăng RON-E95 đã chênh hơn 10.000 đồng/lít so với giai đoạn cuối năm 2021, khiến cho đến cả chủ xe cỡ A cũng phải cau mặt nhíu mày mỗi khi đổ xăng.

Có thể thấy, chi phí đổ đầy bình những mẫu xe cỡ A phổ biến tại Việt Nam hiện có sự chênh lệch khá lớn so với thời điểm cuối năm 2021. Thậm chí, nếu áp dụng giá nhiên liệu tại kỳ điều chỉnh 25/12/2021, khoảng chênh lệch đối với Fadil còn đủ để đổ gần nửa bình của chiếc hatchback cỡ A này.

Những con số thống kê đã chỉ ra thực tế rằng bão giá nhiên liệu đang tác động lớn đến mọi mặt đời sống, đến nỗi những chủ xe hạng A có động cơ dung tích nhỏ cũng phải chịu chung số phận.

Đối diện với tình hình ấy, các chủ xe đều cố gắng tìm mọi cách để giảm thiểu mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện của mình. Họ lý giải rằng ngày xưa chọn xe hạng A vì khoản tiết kiệm nhiên liệu nhưng giá xăng tăng cao đã làm lợi thế này mất đi, trong khi các chi phí như sân bãi, rửa xe và bảo dưỡng của xe hạng A cũng tương đương các dòng xe cao hơn.

Là một tài xế taxi công nghệ, A. Vũ không thể tắt máy trùm mền xe mặc cho giá xăng tăng quá cao đang khiến lợi nhuận hàng ngày giảm sút. Vũ chia sẻ chọn cách hạn chế mở điều hòa và tận dụng gió trời mỗi khi có thể. Anh cho hay khá may mắn vì khi vào mùa mưa, TP. HCM luôn có cảm giác trong lành, mát mẻ, lại còn giảm bớt mức độ ô nhiễm không khí nên khách đi xe đều thông cảm và đồng ý với đề nghị này.

"Đây là kinh nghiệm tôi học được từ các bác tài lâu năm. Tuy giảm không bao nhiêu nhưng giữa thời buổi bão giá, bớt được chút nào cũng là thêm vài đồng mang về cho vợ", A. Vũ chia sẻ với Zing.

Trong khi đó, B. Minh quyết định điều khiển chiếc Fadil của mình từ tốn hơn so với trước để tiết kiệm nhiên liệu.

Chi phí nhiên liệu cho chiếc VinFast Fadil mà B. Minh lựa chọn đã không còn thấp như tài xế này từng kỳ vọng. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Chia sẻ với Zing, anh cho rằng khi xe di chuyển với tốc độ ổn định, hạn chế phóng nhanh, phanh gấp thì không chỉ mang đến cảm giác lái êm ái hơn mà còn bảo vệ động cơ và tiết kiệm nhiên liệu đáng kể.

T. Hoàng, đồng nghiệp của B. Minh thì chọn cách khởi hành sớm và về muộn để tránh cảnh tắc đường trên đường đi làm. "Di chuyển trong điều kiện đường thông thoáng giúp chi phí nhiên liệu cho chiếc i10 của mình giảm đi khá nhiều", Hoàng đúc kết.

Mia Bevacqua, kỹ thuật viên ôtô có bằng chứng chỉ chuyên nghiệp ASE (chứng chỉ dịch vụ ôtô xuất sắc của Mỹ), chia sẻ khi lốp xe được bơm thiếu chỉ một psi, khả năng tiết kiệm nhiên liệu của phương tiện đã có thể giảm đi 0,4%. Do vậy, bơm đúng áp suất lốp theo đúng khuyến cáo của hãng cũng là một biện pháp hữu hiệu giảm thiểu mức tiêu hao nhiên liệu trên ôtô.

Dẫu vậy, bất kỳ biện pháp nào cũng chỉ mang tính tình thế nhằm đối phó với tình hình nóng bỏng của giá xăng dầu hiện tại. Mong rằng giá nhiên liệu trong nước cũng như quốc tế sẽ sớm trở về trạng thái bình ổn để những chiếc xe có thể thoải mái vận hành trên đường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật