Nghệ nhân Trần Văn Bản: Gần nửa thế kỷ miệt mài với “nét chạm” mùa trông trăng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Qua nhiều năm phát triển, nghề đục khắc khuôn bánh Trung thu truyền thống vẫn giữ được nét riêng biệt, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Bởi vậy, hơn 40 năm qua, nghệ nhân Trần Văn Bản (Thường Tín, Hà Nội) vẫn vững tay đẽo đục, giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu truyền thống bằng gỗ.
Nghệ nhân Trần Văn Bản: Gần nửa thế kỷ miệt mài với “nét chạm” mùa trông trăng
Ông Trần Văn Bản - người duy nhất của làng mộc Thượng Cung còn giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu.

Miệt mài tay đục, tay đẽo

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các làng nghề truyền thống nói chung hay nghề mộc nói riêng đều có nhiều biến chuyển. Không ít người rời bỏ cái cũ kỹ, truyền thống để chạy theo cái hiện đại. Ấy vậy mà, mặc cho những đòi hỏi cao của nghề và cả thay đổi của thị trường, ông Bản vẫn miệt mài đục từng khuôn bánh, luôn tìm tòi, sáng tạo để phát triển nghề.

Không được đào tạo bài bản qua trường lớp, bằng niềm yêu thích, say mê với chiếc đục, mảnh gỗ, ông tự mày mò và sống với nghề tới hiện tại. Ông Bản chia sẻ: "Từ thời đi học, tôi đã tự mày mò học đục khuôn bánh Trung thu từ những người thợ mộc trong làng. Nhìn họ làm như thế nào thì mình học theo như vậy. Học từ những công đoạn đơn giản nhất. Tới nay tôi đã gắn bó với nghề này được 42 năm rồi".

Hàng năm, mỗi dịp trăng rằm, gia đình ông Trần Văn Bản lại tất bật với công việc đục khuôn bánh Trung thu. Với hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Bản là người duy nhất trong làng còn bám trụ với nghề. Trong căn nhà nhỏ ở làng Thượng Cung vẫn đều đặn tiếng đẽo, khoan, đục gỗ bất kể ngày đêm.

Đủ các loại khuôn bánh Trung thu bằng gỗ đủ các hình thù đa dạng, bắt mắt

"Vào dịp Trung thu, có rất nhiều khách đặt khuôn làm bánh với nhiều hoa văn, họa tiết đa dạng. Những ngày như thế, tôi làm có hôm tới 2h sáng mới kịp có khuôn bánh cho khách đã đặt hàng", ông Trần Văn Bản tâm sự.

Để đục ra được một chiếc khuôn bánh Trung thu hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. "Tôi sử dụng gỗ xà cừ, gỗ thị để sản xuất ra khuôn chiếc bánh Trung thu. Bắt đầu từ những khúc gỗ tròn, tôi xẻ gỗ, xử lý độ ẩm, cắt phôi. Rồi pha gỗ thành những khuôn theo kích thước và mẫu mã khách đặt hàng. Tiếp đó khúc gỗ được bào nhẵn, làm phẳng mặt nền đáy.

Sau đó mới đến bước đục đẽo hình trang trí trong khuôn. Phần cán cầm được tiện tròn để người làm bánh có thể cầm chắc tay. Cuối cùng là ngâm mỡ. Có như vậy bánh làm ra sẽ đẹp và không bị dính", ông Bản nói thêm.

Từng bước làm khuôn ông Bản đều cẩn thận, tỉ mỉ, đặt hết tâm huyết

Để biến những khúc gỗ thô cứng trở thành những chiếc khuôn bánh Trung thu đẹp mắt, nhiều hình thù đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, sáng tạo cẩn thận trong từng đường nét của người nghệ nhân. Khoa học phát triển, máy móc hỗ trợ, với những khuôn bánh đơn giản ông Bản mất 2 tới 3 tiếng để hoàn thành. Giá của mỗi chiếc khuôn hoàn chỉnh giao động từ 150.000 đến 700.000 đồng.

Bất kể hình thù gì mà khách hàng yêu cầu, ông Bản đều có thể làm. Những khuôn có hoa văn cầu kỳ thì mất nhiều thời gian hơn. Ông Bản chia sẻ: "Những nét đơn giản thì tôi đục trực tiếp. Nét cầu kỳ phức tạp thì phải phác họa trước. Làm lâu rồi nên nhìn hình là tôi biết nét nào chìm, nét nào nổi. Để làm ra một chiếc khuôn hoàn chỉnh cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn của người làm khuôn.

Làm khuôn bánh dẻo, bánh nướng đều có sự khác nhau. Khuôn bánh dẻo thì hoa văn phải sắc nét, to. Với bánh nướng thì hoa văn mềm mại đều nét, nét nhỏ hơn. Làm khuôn bánh nướng cần sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian hơn."

42 năm giữ lửa nghề

Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Trần Văn Bản có hàng trăm khuôn gỗ bánh Trung thu được trạm trổ tinh xảo với nhiều hoa văn đẹp mắt như long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, mai, cá chép,…Bàn tay tài hoa của người thợ đã "thổi hồn" vào những tấm gỗ sần sùi, thô cứng thành những chiếc khuôn sinh động, đẹp mắt. Dường như hơn 40 năm qua, nghệ nhân Bản lúc nào cũng rền rã tiếng đục gỗ, tiếng mài, tỉ mỉ với từng chiếc khuôn bánh.

Khi khuôn nhựa ra đời, khuôn bánh Trung thu bằng gỗ không còn được ưa chuộng như trước. Nhiều người dân địa phương dần chuyển sang làm đồ thờ cúng, đồ thủ công mỹ nghệ. Nhưng ông Bản vẫn kiên trì, quyết giữ nghề của cha ông. Theo ông Bản, khuôn nhựa Trung Quốc đã giải quyết được tất cả các vấn đề khách hàng mong muốn. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chúng và khuôn truyền thống chính là hoa văn, họa tiết truyền thống cùng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mẫu khuôn bánh hoa cúc được nhiều người đặt làm

Ông tâm sự: "Các họa tiết long, ly, quy, phượng hay tùng, cúc, trúc, mai được khắc trên những khuôn bánh là di sản vô giá của dân tộc Việt Nam, gắn liền với nghệ thuật điêu khắc Việt qua bao thế hệ. Khi xã hội ngày càng phát triển, sự hỗ trợ của công nghệ máy móc vẫn không thể so sánh bằng điêu khắc truyền thống.

Những loại đục được ông Bản sử dụng trong quá trình làm sản phẩm

Nét đục, nhát dao, nhát búa mạnh khỏe, vững chãi và thần tốc giúp tạo ra những chi tiết mềm mại đầy tinh xảo và những đường nét uốn lượn sống động. Hơn thế chất liệu gỗ an toàn nhất dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất ra khung bánh trung thu.

Trong một xã hội càng hiện đại, khi máy móc dần thay thế sức người, những chiếc khuôn bánh "thủ công" của nghệ nhân Trần Văn Bản trong sâu thẳm tâm hồn vẫn được xem là một nét văn hóa không thể thiếu đối với người Việt.

Ông Bản cùng vợ miệt mài đục khuôn, trà phẳng để tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh nhất.

Dù tuổi ngày càng cao, mắt ngày càng kém nhưng người nghệ nhân này vẫn miệt mài đực đẽo, những lúc có nhiều đơn hàng thì ông gọi thêm con cái cùng làm. Ông Bản luôn tin rằng nghề đục khuôn bánh sẽ mãi phát triển và đem lại nhiều giá trị cho gia đình và xã hội.

Vừa thoăn thoắt đôi tay đục đẽo, tiếng chày gõ dùi đục vẫn vang lên đều đều, ông Bản tâm sự: "Tôi đam mê với khuôn bánh trung thu bằng gỗ bởi đó là nghề của ông cha để lại. Giờ mắt có kém, lưng có đau nhưng các con của tôi chắc chắn sẽ làm theo nghề này. Như vậy thì nghề làm khuôn bánh Trung thu sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa".

Mỗi sản phẩm làm ra không đơn thuần là những chiếc khuôn bánh Trung thu bình thường mà nó còn chứa đựng giá trị tinh thần to lớn. Đó là tâm huyết, công sức, kinh nghiệm bao năm ông Bản chắt chiu trong từng sản phẩm mình làm ra. Những chiếc bánh Trung thu được làm từ khuôn truyền thống không chỉ ngon bởi vị ngon của bánh mà còn chứa đựng trong đó là sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và dung dị qua bao năm tháng của người nghệ nhân đẽo từng hoa văn./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật