Ươm mầm văn học, nghệ thuật trong thanh thiếu nhi: “”Bệ phóng“” cho tài năng trẻ

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Văn học, nghệ thuật cho thanh thiếu nhi là mảng sáng tác quan trọng, góp phần bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, hướng các em đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Ở đó, không chỉ cần những tác giả giàu kinh nghiệm, tâm huyết vào cuộc, mà nên khuyến khích các em trở thành chủ thể sáng tạo những tác phẩm cho chính lứa tuổi của mình. Ngoài ra, việc chú trọng phát hiện, ươm mầm những tài năng nhỏ tuổi sẽ tạo “bệ phóng“ cho các em đóng góp vào nền văn học, nghệ thuật tương lai.
Ươm mầm văn học, nghệ thuật trong thanh thiếu nhi: “”Bệ phóng“” cho tài năng trẻ
Ảnh minh họa

Những vườn ươm tài năng trẻ

Cuối tháng 7 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra mắt Câu lạc bộ Ươm mầm tài năng trẻ, khởi đầu cho các hoạt động tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng âm nhạc, hội họa, múa, sân khấu, lứa tuổi từ 5 đến 11, nhằm tạo nên một lực lượng trẻ sung sức trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Tại đây, các em được các chuyên gia, giảng viên, nhạc sĩ, nghệ sĩ có chuyên môn cao truyền đạt kiến thức.

Cũng vào cuối tháng 7, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (thành phố Hồ Chí Minh) ra mắt sân khấu tài năng thiếu nhi. Sinh hoạt ở đây, các em được học hỏi nhiều kiến thức về nghệ thuật cải lương, thực hành, tập luyện biểu diễn các tiết mục nghệ thuật do nhà hát đặt hàng sáng tác, chủ yếu có nội dung ca ngợi những tấm gương hiếu thảo, anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử, tinh thần đoàn kết… Thời gian tới, các tài năng cải lương này sẽ được tập luyện những vở diễn dài hơi, dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Giống như mọi năm, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên lại tổ chức Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi. Trại sáng tác năm nay khai mạc vào ngày 4-8, tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút 73 trại viên là các thanh thiếu nhi từ 10 đến 19 tuổi, có năng khiếu và đam mê sáng tác văn chương cùng các nhà văn, nhà thơ, tác giả viết cho thanh thiếu nhi trên cả nước. Các trại viên được những nhà văn, nhà thơ uy tín, như: Lê Phương Liên, Đỗ Bích Thúy, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Đức Hạnh, Phong Điệp… trao đổi về các kiến thức liên quan đến sáng tác văn chương và thực hành sáng tác.

Tại Hà Nội, việc ươm mầm tài năng trẻ văn học, nghệ thuật tập trung ở các trường chuyên nghiệp: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam… và một số trung tâm đào tạo tài năng trẻ do các nghệ sĩ nổi tiếng khởi xướng. Ngoài ra, Trung tâm Hỗ trợ tài năng điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) cũng tổ chức hoạt động làm phim qua ống kính trẻ thơ, trại hè điện ảnh - Teen Filmmakers để các bạn nhỏ học diễn xuất, thực hành làm phim. Cung Thiếu nhi Hà Nội và một số trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận, huyện có tổ chức hoạt động năng khiếu cho thanh thiếu nhi, tập trung vào dịp hè…

Các bạn trẻ tham gia chương trình học làm phim do Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD tổ chức.

Đặt niềm tin và tâm huyết

Khi thanh thiếu nhi trở thành chủ thể sáng tạo văn học, nghệ thuật, các em có sự đồng cảm trong suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống và lối sử dụng ngôn ngữ, nên dễ tiếp cận với bạn đọc ở cùng lứa tuổi. Vì vậy, việc của người lớn là đặt niềm tin, tâm huyết để bổ sung kỹ năng sáng tạo cho các em. Có nhiều cách thức, mô hình để phát hiện, nuôi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật thanh thiếu nhi.

Theo đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (thành phố Hồ Chí Minh), cải lương cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác, để trở thành một nghệ sĩ tài danh thực thụ, ngoài năng khiếu, mỗi người phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn từ nhỏ, trong thời gian dài. Vì thế, sân khấu tài năng thiếu nhi ra đời, hướng đến việc tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, có đam mê với bộ môn này, từ đó, nhà hát sẽ có kế hoạch đào tạo, định hướng phát triển cho các em.

Hà Nội hiện có nhiều cơ sở đào tạo tài năng văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi, song chủ yếu ở những loại hình đương đại, còn nghệ thuật truyền thống đang bỏ ngỏ. Sau những lần được thưởng thức các tác phẩm chèo, tuồng, cải lương, em Nguyễn Linh Phương (9 tuổi, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Em rất thích các môn nghệ thuật truyền thống, nên muốn được tham gia tìm hiểu, học hát, thực hành biểu diễn để biết khả năng của mình”.

Là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, tham gia nhiều hoạt động khơi nguồn sáng tạo, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, việc ươm mầm tài năng văn học, nghệ thuật thanh thiếu nhi là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ngay ở Thủ đô, những đơn vị hoặc tổ chức tập hợp người hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp như các nhà hát, hội nghề nghiệp lại chưa tham gia nhiều vào công tác bồi dưỡng, truyền nghề cho các em nhỏ. Theo nhà văn Lê Phương Liên, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nên tổ chức vận động sáng tác cho thiếu nhi, trao giải thưởng sáng tác cho thiếu nhi hằng năm…

Xác định thế hệ trẻ là tương lai của văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, trong nhiệm kỳ mới (2021-2026), Hội khuyến khích các hội chuyên ngành tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật; các cuộc thi năng khiếu; các lớp đào tạo ngắn hạn cho thanh thiếu nhi, mời những chuyên gia, nghệ sĩ nổi bật trong từng lĩnh vực, nhất là nghệ thuật truyền thống, tham gia hướng dẫn. Đó cũng là cơ hội để bổ sung những sáng tác mới cho văn học, nghệ thuật Thủ đô, đồng thời phát hiện tài năng văn nghệ trẻ và giới thiệu đến các cơ sở hoạt động, đào tạo chuyên nghiệp, tạo nguồn lực mạnh cho tương lai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật