Trớ trêu áp thuế đất “lệch pha” và chuyện bán rẻ “đất vàng” tại PRT

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vụ án ông Trần Văn Nam – cựu Tỉnh ủy Bình Dương và 26 đồng phạm sẽ được đưa ra xét xử tại TAND TP Hà Nội vào ngày 15/8 tới đây. Những sai phạm của dàn cựu lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (mã PRT-UPCoM) dần được bóc tách...
Trớ trêu áp thuế đất “lệch pha” và chuyện bán rẻ “đất vàng” tại PRT
Ảnh minh họa

PRT được thành lập năm 1982, tiền thân là Xí nghiệp Sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, từng được xem là 1 trong 3 trụ cột của thành phần kinh tế Nhà nước tại tỉnh Bình Dương.

Năm 2015, Tổng công ty tiến hành cổ phần hóa. Thời điểm này, doanh nghiệp đang quản lý 72 khu đất, trong đó có vị trí rất đắc địa như khu đất 145 ha ở TP. Thủ Dầu Một và 43 ha nằm liền kề Trung tâm hành chính của tỉnh Bình Dương. Đây cũng là 2 khu đất khiến các cựu cán bộ cao cấp của tỉnh Bình Dương “dính chàm” do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

ÁP THUẾ ĐẤT “LỆCH PHA”

Theo cáo trạng, năm 2005, PRT được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận giao 563,24ha đất dịch vụ trong khu liên hợp để thực hiện các dự án như sân golf, trung tâm thương mại, khu nhà ở, trung tâm giải trí thể thao quốc tế… Năm 2006, Ban quản lý dự án Khu liên hợp đã bàn giao các mốc ranh giới đất. Ngày 27/12/2006, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định số 5853 về việc phê duyệt đơn giá đất bình quân là 51.914 đồng/m2. Việc đền bù giải phóng mặt bằng đến năm 2010 mới hoàn thành. Năm 2012, PRT có đơn xin giao đất.

Căn cứ thủ tục, trình tự giao đất, Cục thuế tỉnh Bình Dương thụ lý hồ sơ và tổ chức cuộc họp ngày 13/11/2012 do Lê Văn Trang (cựu Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương) chủ trì họp bàn, thống nhất, kết luận, giao cho cấp dưới tham mưu, soạn thảo văn bản đề xuất với UBND tỉnh Bình Dương cho áp đơn giá 51.914 đồng/m2. Vào thời điểm trên, ông Trần Văn Nam là phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách lĩnh vực đất đai.

Theo quy định, trong trường hợp này, cần áp dụng đơn giá đất vào thời điểm giao đất thực tế (năm 2012). cáo trạng thể hiện, mặc dù biết việc tham mưu của cấp dưới là không đúng nhưng ông Nam vẫn ký công văn chấp thuận cho áp đơn giá trên để thu tiền sử dụng đất của PRT. Tổng số tiền PRT phải nộp là gần 30 tỷ đồng. Riêng hành vi này, nhà nước thất thoát hơn 679 tỷ đồng.

PRT được hưởng lợi vì được nộp tiền sử dụng đất ít hơn song cơ quan điều tra chưa chưa chứng minh làm rõ được yếu tố tư lợi, hưởng lợi của các cán bộ liên quan.

Tại cơ quan điều tra, các bị can thuộc Cục thuế tỉnh Bình Dương giải trình đề xuất áp giá đất “lùi” năm 2006, thay vì năm 2012 là do nhận thức sai lầm về việc PRT đã được bàn giao đất từ năm 2006.

THƯƠNG VỤ “BÁN RẺ” ĐẤT VÀNG

Theo cáo trạng, khoảng tháng 3/2010, mặc dù dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Tân Phú tại khu dất 43ha vẫn trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng song Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT của PRT) vẫn trao đổi với Nguyễn Đại Dương – con rể, để tìm đối tác hợp tác. Dương liên hệ với Nguyễn Quốc Hùng, Huỳnh Trung Nam thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc. Trước 1 ngày ký hợp đồng thỏa thuận với PRT, Công ty Âu Lạc nâng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng.

Sau đó, ngày 1/7/2010, Nguyễn Văn Minh ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú, PRT góp vốn 60 tỷ đồng, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, tỷ lệ 30%-70% vốn. Hai bên thống nhất hoàn trả tiền đền bù – giải phóng mặt bằng khu đất cho PRT là 570.000 đồng/m2. Thực chất đây là giá chuyển nhượng dự án trên khu đất 43ha.

Đặc biệt, ông Minh ký hợp đồng trước rồi mới báo cáo sau. Đến ngày 8/7/2010, ông Minh mới triệu tập họp HĐQT và ban hành Nghị quyết sau đó ngày 21/7/2010, báo cáo cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương.

Theo chủ trương cổ phần hóa, PRT phải thực hiện theo 2 hình thức: Xác định lại giá trị khu đất 43ha để đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc không đưa vào giá trị doanh nghiệp nhưng phải đưa vào mục “không cần dùng, chờ thanh toán” để chuyển về chủ sở hữu.

Nếu theo phương án đầu tiên thì thỏa thuận trên bị “bể kèo”. Vì vậy, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Nguyễn Thế Sự, kiểm soát viên PRT, kế toán trưởng Công ty Tân Phú soạn công văn tái cơ cấu, cổ phấn hóa và phương án sử dụng đất, theo đó, khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển giao về cho Công ty Impco (công ty con của PRT, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) để quản lý.

Nguyễn Đại Dương và Nguyễn Quốc Hùng không đồng ý và đề nghị PRT chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Tân Phú theo thỏa thuận. Ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh chủ trì họp HĐTV, ban hành Nghị quyết chuyển nhượng khu đất trên. Hơn 1 tuần sau, PRT ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú với giá trị hơn 250 tỷ đồng (tương ứng 581.653 đồng/m2 gồm thuế trước bạ, tiền sử dụng đất).

Thực hiện hợp đồng, Công ty Tân Phú (thực chất là Công ty Âu Lạc) đã trả cho PRT hơn 273 tỷ đồng, gồm thuế GTGT. Các bên hoàn tất thủ tục để chuyển quyền sử dụng khu đất sang Công ty Tân Phú.

 Cùng thời gian trên, Nguyễn Đại Dương liên hệ với bà Đặng Thị Kim Oanh, ở TPHCM để bán 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú. Ngày 19/8/2016, Công ty Âu Lạc ký hợp đồng hứa mua, hứa bán với Công ty Thuận Lợi (công ty của Oanh) với giá chuyển nhượng là 350 tỷ đồng. Thực hiện hợp đồng trên, bà Oanh đã chuyển 200 tỷ đồng cho Công ty Âu Lạc.

Để hoàn tất thương vụ, ngày 13/3/2017, Nguyễn Văn Minh gửi công văn sang Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương về việc xin chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc với lý do, “khi Công ty Âu Lạc là chủ sở hữu 100% dự án sẽ chủ động trong việc triển khai đầu tư”. Nguyễn Văn Minh cũng chỉ đạo cấp dưới trực tiếp báo cáo với ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh Ủy Bình Dương về diễn biến và các nội dung liên quan. Đề xuất của PRT nhận được cái “gật đầu” của ông Nam.

Sau khi hoàn tất thủ tục thẩm định giá, PRT chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc với giá hơn 161 tỷ đồng. Mặc dù Công ty Âu Lạc chưa thanh toán tiền nhưng để tạo thuận lợi cho con rể, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc PRT và Nguyễn Quốc Hùng ký văn bản ngày 17/8/2017 xác nhận hai bên đã hoàn tất việc chuyển nhượng. Nguyễn Quốc Hùng làm hồ sơ chuyển Công ty Tân Phú thành công ty TNHH MTV do Nguyễn Đại Dương làm chủ sở hữu nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Sau đó, Dương ký lại hợp đồng mua bán với Công ty Thuận Lợi và nhận nốt số tiền còn lại 150 tỷ đồng. Sau thương vụ trên, khu đất 43ha chính thức rơi vào tay công ty tư nhân. Từ sai phạm của các bị can, nhà nước bị thất thoát hơn 984 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật