Bất cập trong thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 1 năm thực hiện thí điểm Đề án nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 111 của Chính phủ, đến nay vẫn chưa một lô hàng dược liệu nào được đăng ký làm thủ tục thông quan.
Bất cập trong thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn).

Việc thí điểm Nghị quyết của Chính phủ không đạt được hiệu quả như kì vọng ban đầu. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ?

Ngày 23/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 111 về việc thực hiện Đề án thí điểm nhập dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Lạng Sơn). Đề án thí điểm có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021 và thời gian thực hiện thí điểm sẽ kéo dài trong 2 năm.

Để triển khai Nghị quyết 111 của Chính phủ, đảm bảo hoạt động nhập khẩu mặt hàng này được diễn ra thông suốt, an toàn, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động các phương án về cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật, đồng thời ban hành quy trình thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma theo các quy định Pháp Luật hiện hành. Địa phương này cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục.

Tuy nhiên đã 1 năm trôi qua kể từ ngày thí điểm thực hiện Nghị quyết 111, vẫn chưa có một lô hàng dược liệu nào được các doanh nghiệp làm thủ tục. Trong thời điểm năm 2018-2020, khi mặt hàng dược liệu không thể nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma (thực hiện theo Nghị định 54 của Chính phủ), các doanh nghiệp, đối tượng buôn lậu lại rất “thường xuyên” vận chuyển dược liệu qua đây.

Bốc vác hàng đồi nhỏ lẻ có, vận chuyển lậu hàng trăm tấn cũng có, thậm chí cơ quan chức năng đã phanh phui ra cả đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn thuốc bắc khiến nhiều đối tượng, cán bộ hải quan rơi vào vòng lao lý. Vậy tại sao khi đã cơ chế đã thông thoáng, thuận lợi thì các doanh nghiệp lại không nhập khẩu mặt hàng này?

Ông Lương Văn Thơ, Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Chi Ma lý giải: “Các doanh nghiệp đang nhập khẩu ổn định mặt hàng này tại các cửa khẩu quốc tế (thực hiện theo Nghị định 54 của Chính phủ) và họ đang đang tiếp tục nhập khẩu theo giấy phép đã cấp của các đơn hàng đó. Khi thực hiện Nghị quyết 111 thì các doanh nghiệp phải chuyển xin giấy phép mới và chuẩn bị các cơ sở hạ tầng của họ với Trung Quốc để chuyển hàng từ những nơi đó sang Chi Ma. Khi các doanh nghiệp có thể chuẩn bị đưa hàng về đây thì lại xảy ra dịch Covid-19, đã làm gián đoạn việc xuất nhập khẩu hàng hóa, đây cũng là điều khiến các doanh nghiệp cân nhắc, đắn đo”.

Phần lớn doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu dược liệu vẫn còn “lăn tăn” về quy trình quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng dược liệu của cơ quan chuyên môn. Cùng với đó, chi phí thông quan, sự ổn định của các cửa khẩu cũng là điều khiến các doanh nghiệp e ngại.

Thực tế trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã chuyển hướng nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng khi tại đây, đa số các lô hàng đều được thông quan ngay trong ngày khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn về dược liệu theo quy định.

Tang vật bị thu giữ trong vụ án đường dây buôn lậu gần 5.000 tấn thuốc bắc bị Bộ Công an triệt phá năm 2019.

“Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã cùng với với Chi cục Hải quan Hữu Nghị và Ga Đồng Đăng để phối hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng dược liệu được nhập khẩu tại đây. Trung tâm đã hỗ trợ các Chi cục xác định chủng loại hàng hóa theo khai báo của các doanh nghiệp, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng của mặt hàng dược liệu thì chúng tôi sẽ lấy mẫu để kiểm nghiệm theo quy định để xác minh kịp thời” - Bà Đinh Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế Lạng Sơn) nói.

Trước kia, cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam)- Ái Điểm (Trung Quốc) được coi là “thủ phủ” của mặt hàng dược liệu. Số liệu thống kê từ Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, kim ngạch mặt hàng dược liệu thô nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma năm 2015 đạt trên 34.000 tấn, trị giá 14,2 triệu USD; năm 2016 nhâp khẩu trên 7.000 tấn, trị giá 9,7 triệu USD và hơn 6 tháng đầu năm 2017 nhập khẩu khoảng 8.000 tấn, trị giá 12,7 triệu USD, chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma.

Thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, phía trấn Ái Điểm (Trung Quốc) có rất nhiều kho chuyên dụng để bảo quản mặt hàng này trong thời điểm chờ làm thủ tục thông quan, nhưng hiện nay, các kho hàng này đã cơ bản được xây dựng, di chuyển vào sâu trong nội địa Trung Quốc, cũng là 1 trong nhiều nguyên nhân các doanh nghiệp 2 bên không mặn mà với việc làm thủ tục thông quan mặt hàng này tại cửa khẩu Chi Ma.

Ông Phùng Trung Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết: “Dù chúng tôi cũng phối hợp tuyên truyền nhưng hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, bởi vẫn còn phải phụ thuộc nhiều về bên phía Trung Quốc, bởi hàng hóa giờ về cửa khẩu nào là do Tổng cục Hải quan bên phía Trung Quốc điều phối, doanh nghiệp Trung Quốc muốn xuất hàng đi thì giấy phép rất khó. Cùng với đó là khi thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, hay Ga đường sắt Đồng Đăng thì chi phí lại rẻ hơn”.

Việc Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma sẽ giúp kim ngạch hàng hóa qua cửa khẩu này tăng cao hơn, khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng của cặp cửa khẩu song phương này.

Để đề án không đi vào ngõ cụt, ngay lúc này các cơ quan quản lý cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường xúc tiến thương mại đối với việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật