Nắng nóng kỷ lục ở châu Á, chuyên gia lý giải sao?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kể từ tháng 4 đến nay, các kỷ lục nhiệt độ đang bị phá vỡ ở nhiều nước châu Á. Liên Hợp Quốc cảnh báo, El Nino có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao và dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới trong năm 2023.
Nắng nóng kỷ lục ở châu Á, chuyên gia lý giải sao?
Ảnh minh họa.

Tại châu Á, từ tháng 4 đến nay, các kỷ lục nhiệt độ đang bị phá vỡ ở nhiều nước. Trong đó, những đợt nắng nóng kỷ lục được ghi nhận ở một số quốc gia và chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, vào giữa tháng 4 vừa qua, nhiệt độ ở tỉnh Tak phía Tây Thái Lan được ghi nhận lên tới 44,6 độ C. Đây là mức nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận ở quốc gia này.

Cũng trong tháng 4, nhiệt độ khắc nghiệt cũng được ghi nhận ở Dhaka, Bangladesh (41 độ C), Prayagraj, Ấn Độ (45 độ C) và Kalewa, Myanmar (44 độ C). Vào ngày 7/5, Việt Nam ghi nhận mức nhiệt kỷ lục là 44,2 độ C ở tỉnh Nghệ An. Tương tự, Lào ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 43,5 độ C ở Luang Prabang. Theo đó, 7/5 trở thành ngày nóng nhất lịch sử Lào. Trước tình hình này, Liên Hợp Quốc cảnh báo, El Nino có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao và dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới trong năm 2023.

Theo các nhà khoa học, năm 2023 có thể đánh dấu thêm một năm nữa nhiệt độ thời tiết châu Á ở mức cao nguy hiểm. Mô hình thời tiết cực đoan gia tăng do tích tụ hiệu ứng nhà kính trong khí quyển. Đáng lo ngại hơn, các đợt nắng nóng kỷ lục được cảnh báo sẽ có khả năng xảy ra nhiều hơn gấp 30 lần so với trước đây.

Tổ chức Khí tượng thế giới đã đưa ra cảnh báo, hiện tượng El Nino nóng lên dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới và điều này kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có trong giai đoạn từ năm 2023 - 2027.

Liên quan đến sự việc này, Tiến sĩ Wang Jingyu, trợ lý giáo sư tại viện Giáo dục Quốc gia ở Singapore và là người nghiên cứu mô hình khí hậu cũng như tương tác đất - khí quyển, nhận định tháng 4 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử ở châu Á.

Theo Tiến sĩ Wang Jingyu, những đợt nắng nóng kỷ lục xảy ra là do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại cùng những tác động của nó, bao gồm lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.

Trong khi đó, ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore tại Đại học Công nghệ Nanyang, cho rằng, sóng nhiệt ở châu Á liên tục phá vỡ các kỷ lục không thể chỉ bắt nguồn từ El Nino. Ông tin rằng vẫn còn những nguyên nhân khác nữa. Trái đất đang ngày càng nóng lên với độ ẩm trong khí quyển cao hơn đáng kể.

Theo ông Benjamin Horton, các hoạt động của con người bao gồm: đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và thay đổi trong trong cách sử dụng đất đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu thông qua việc giải phóng lượng khí nhà kính ngày càng lớn vào khí quyển. Hậu quả là Trái đất ngày càng nóng lên.

Các nhà khoa học dự đoán thế giới có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình mới vào năm 2023 hoặc 2024. Điều này xảy ra do khủng hoảng khí hậu và sự trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino khiến bề mặt Thái Bình Dương trở nên ấm áp hơn bình thường, đặc biệt là ở đường xích đạo và dọc theo bờ biển Nam Mỹ và Trung Mỹ.

“Những đợt nắng nóng này sẽ tác động trực tiếp đến 2 tỷ người - bao gồm tác động nhiệt đối với sức khỏe và công việc, hoặc tác động gián tiếp qua hiện tượng băng tan, lũ lụt, sự thay đổi mực nước (biển), lượng mưa thất thường và sạt lở đất”, Abid Hussain - chuyên gia kinh tế cấp cao tại ICIMOD cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật