Nhiều bài học từ phòng chống dịch COVID-19

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đội ngũ cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch này là quá lớn. Phải tháo gỡ vướng mắc để nếu đại dịch quay trở lại thì chúng ta ứng phó tốt hơn, bảo vệ được người dân
Nhiều bài học từ phòng chống dịch COVID-19
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: Phạm Thắng

Ngày 29-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) nghe báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, Pháp Luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. QH dành cả ngày để thảo luận về các vấn đề này.

Phát sinh nhiều hạn chế

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của QH Nguyễn Thúy Anh, cho biết tính đến ngày 31-12-2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230.000 tỉ đồng. Hơn 11.600 tỉ đồng đã được huy động vào Quỹ vắc-xin phòng dịch COVID-19; tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.

Qua giám sát cho thấy công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho việc phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng đã chỉ ra các hạn chế trong công tác này. Cụ thể, việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Sau khi kiểm soát được dịch, chưa làm tốt việc giải thể, bàn giao, quản lý tài sản, thanh toán, quyết toán liên quan đến các bệnh viện d‌ã chi‌ến, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị COVID-19.

Đáng chú ý, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch. Đặc biệt là sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á; việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về. Do các sai phạm, nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý Hình Sự.

Theo Đoàn giám sát, trách nhiệm chính của những hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm Pháp Luật và tổ chức thực hiện việc huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng và các cấp chính quyền địa phương trong một số trường hợp ban hành văn bản còn chậm, chưa kịp thời xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh, tháo gỡ khó khăn trong chỉ đạo tổ chức thực hiện…

Sẵn sàng cho các tình huống dịch

Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho rằng dịch COVID-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành y tế.

Từ thực tế của TP HCM, ĐB Lan nhìn nhận việc huy động, quản lý nguồn lực cho phòng, chống dịch rất khó khăn, việc sử dụng nguồn lực này cũng phát sinh nhiều điểm nghẽn. Ví dụ khi đang thiếu vắc-xin, báo chí phản ánh tình trạng can thiệp để được tiêm vắc-xin thì chúng ta lại không cho phép tiêm dịch vụ để giảm gánh nặng cho công lập. Hay trường hợp khi cộng đồng đang thiếu thuốc điều trị, Bộ Y tế chậm cấp đăng ký cho thuốc Molnupiravir dẫn đến tình trạng mua bán ngoài vòng Pháp Luật, đẩy giá, gây thiệt hại cho người dân.

Từ đó, ĐB Lan đề nghị trong báo cáo cần bổ sung đánh giá để cân bằng giữa xây và chống. Chống tiêu cực nhưng cũng cần quan tâm đúng mức việc xây dựng, "bồi bổ" để ngành y tế mạnh hơn, có thể chống dịch ngay lúc đó và về sau này. "Với ngành y tế, đội ngũ cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch này là quá lớn. Vấn đề là phải làm sao để nay mai nếu đại dịch quay trở lại thì chúng ta ứng phó tốt hơn, bảo vệ được người dân" - nữ ĐB của TP HCM nói.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng trải qua 3 năm chống dịch, cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt như thành lập Quỹ vắc-xin, tiêm chủng trên diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị COVID-19… Chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực. Điều đáng tiếc là qua đại dịch này để lại những bài học kinh nghiệm xương máu. Vì vậy, theo ĐB Hiếu, cần khẩn trương chuẩn bị cả vật chất, văn bản Pháp Luật, quy trình, hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai hoặc khả năng COVID-19 bùng phát trở lại.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) kiến nghị cần xác lập một hệ thống y tế quốc gia trên cơ sở hệ thống y tế công lập và hệ thống y tế tư nhân, bởi trong công tác phòng chống dịch, chúng ta nhận thấy sự chống đỡ đơn phương của y tế công lập trong khi y tế tư nhân thì lúng túng. Khi kết hợp 2 hệ thống này thì sẽ tạo thành sức mạnh, đủ sức phòng ngự tất cả các dịch bệnh.

ĐB Vân đề nghị cần có cơ chế tài chính để chi trả cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên tinh thần tự chủ và đặc biệt là sự hợp tác giữa y tế công lập và y tế tư nhân, đồng thời cần sự điều hành thống nhất hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật