Điện Biên: Học sinh mầm non vắng nhiều trong ngày đầu trở lại học tập

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 27-4, 100% trường học các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên tổ chức giảng dạy trở lại, sau thời gian dài cho học sinh tạm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 (từ ngày 6-2 đến nay). Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) các huyện, thành phố, học sinh mầm non vắng khá nhiều nên sĩ số học sinh bậc này chỉ đạt từ 55 đến hơn 65%.
Điện Biên: Học sinh mầm non vắng nhiều trong ngày đầu trở lại học tập
Giáo viên Trường THCS Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) kiểm tra thân nhiệt và hướng dẫn học sinh sử dụng cồn sát khuẩn trước khi vào trường.

Xem Video: Hải Phòng: Trẻ mầm non đi học trở lại

Vắng nhiều bậc mầm non

Ở trung tâm TP Điện Biên Phủ, buổi học đầu tiên (sáng 27-4), học sinh đi học khá đủ; học sinh và giáo viên đều vui vẻ khi trở lại trường sau nhiều ngày nghỉ. Các trường đều bố trí giáo viên đón học sinh từ cổng để kiểm tra thân nhiệt cho các em, nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách khi giao tiếp. Theo yêu cầu chung, học sinh và giáo viên đều đeo khẩu trang, mang bình nước uống cá nhân; các trường trên địa bàn thành phố còn chuẩn bị lọ/bình rửa tay khô sát khuẩn tại tất cả các phòng học.

Về sĩ số học sinh trên địa TP Điện Biên Phủ, cô Lê Thị Hồng, Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố, cho biết: Trong sáng 27-4, sĩ số học sinh các bậc học ra lớp đạt 86,93%; trong đó bậc tiểu học, THCS đạt hơn 97%; riêng bậc mầm non chỉ đạt 65,34% với tổng số 2.292 học sinh vắng.

Tại các huyện vùng cao, biên giới như: Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé…, sĩ số học sinh đến trường đạt trung bình hơn 70% và cũng vắng nhiều ở bậc mầm non. Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tủa Chùa, cho biết: Sáng 27-4, học sinh đến trường đạt hơn 67%; số vắng nhiều tập trung ở bậc mầm non và THCS. Ở huyện biên giới Nậm Pồ - địa phương có nhiều trường, lớp học bị thiệt hại do mưa dông trong những ngày qua, song đến sáng 27-4, số học sinh đến trường đạt hơn 82%; và số vắng ở Nậm Pồ cũng chủ yếu học sinh bậc mầm non. Với huyện Mường Nhé, học sinh mầm non cũng vắng nhiều nên sĩ số học sinh bậc này mới đạt 55,5%; bậc tiểu học đạt cao hơn là 73,6%; THCS đạt 64%.

Tìm hiểu thêm về nguyên nhân học sinh bậc mầm non vắng nhiều, chúng tôi được biết, đa số phụ huynh được hỏi đều trả lời muốn cho con đi học cả ngày chứ một buổi thì công đưa và đón đã gần hết thời gian, trong khi một buổi lại phải lo người trông trẻ thì không yên tâm làm việc. Còn bậc THCS thì có nhiều nguyên nhân, song trong đó có cả thực trạng là trong thời gian nghỉ học chống dịch, nhiều em đã lập gia đình nên có thể ngại đi học trở lại!

Thực hiện nghiêm quy định phòng dịch

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tủa Thàng được sắp xếp bữa ăn theo đúng quy định giãn cách.

Để bảo đảm các điều kiện học tập, ăn ở sinh hoạt cho học sinh, ngay khi có chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1143/UBND-KGVX, ngày 21-4 về việc tổ chức các hoạt động dạy và học trở lại, 508 trường mầm non, phổ thông trong tỉnh đã tổ chức vệ sinh trường, lớp học, phòng học, phòng làm việc, các công trình phụ; bố trí đủ nước sạch và xà phòng để học sinh rửa tay; tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng trường, lớp học, thiết bị dạy học, đồ dùng, chơi cho trẻ trước khi học sinh đến trường. Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Điện Biên, 100% trường học đã trang bị máy đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe cho học sinh khi đến trường.

Thực hiện nghiêm quy định phòng dịch theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên, dù có nhiều khó khăn, song hiện tại, 100% trường học trong tỉnh đều sắm máy đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe cho học sinh trước khi vào trường. Ngoài quy định sắp xếp học sinh ngồi so le để giãn cách, các trường có học sinh bán trú thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã tổ chức nấu ăn, bố trí chỗ ăn cho học sinh đúng quy định (không quá tám học sinh/nhóm ăn) và cũng không cho học sinh ăn tại phòng ăn tập thể. Việc lên thực đơn, kiểm soát thực phẩm để nấu ăn cho học sinh được Ban Giám hiệu các trường giám sát chặt chẽ.

Thầy Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tủa Chùa, cho biết: Toàn huyện có 42 trường học các cấp trực thuộc phòng, trong đó 19 trường phổ thông dân tộc bán trú có 5.959 học sinh ăn, ở tại trường. Bảo đảm chất lượng thực phẩm, bữa ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh, Phòng yêu cầu Ban Giám hiệu các trường phải giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập về hằng ngày và Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về thực phẩm cho học sinh.

Thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nậm Pồ, cho biết: Cùng với chuẩn bị cơ sở vật chất trường, lớp học, Ban Giám hiệu các trường đã phối hợp các xã thông tin lịch học trở lại đến phụ huynh, học sinh trên địa bàn. Từ chiều 26-4, 23 trường phổ thông dân tộc bán trú có học sinh ăn, ở tại trường theo quy định Nghị định 116 đã tổ chức đón học sinh về trường. Không chỉ lo bố trí nơi ăn, chỗ ở cho 7.737 học sinh bán trú theo chỉ đạo của UBND tỉnh và quy định giãn cách để phòng, chống dịch bệnh, các trường có học sinh bán trú ở Nậm Pồ còn phân công giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em vệ sinh thân thể, giữ gìn đồ đùng học tập, đồ dùng cá nhân bảo đảm vệ sinh. Đến chiều 27-4, tỷ lệ học sinh về trường ở Nậm Pồ tiếp tục tăng, vì nhiều em nhà xa thì nay bố mẹ mới đưa đến được.

Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Điện Biên có 508 trường mầm non, phổ thông với tổng số 194.560 học sinh, trong đó phần nhiều là học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới, miền núi. Dù đã chuẩn bị các điều kiện vật chất, trang thiết bị để học sinh phòng, chống dịch, song hiện tại học sinh đi học chưa bảo đảm 100% sĩ số. Do vậy, trong các ngày tới, ngoài bảo đảm việc dạy học theo đúng chương trình, giáo viên và Ban Giám hiệu các trường sẽ tăng cường vận động phụ huynh, học sinh cho con em trở lại trường học đúng quy định.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật