Covid-19 nhấn chìm nỗi lo của Nhật Bản về hình xăm tại Olympic

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hình xăm từng là điều gây nên lo ngại về mặt văn hóa trong các sự kiện thể thao ở Nhật Bản, nhưng nỗ lo này có thể đã bị đại dịch Covid-19 nhấn chìm.
Covid-19 nhấn chìm nỗi lo của Nhật Bản về hình xăm tại Olympic
Vận động viên bơi lội người Mỹ Caeleb Dressel là một trong những vận động viên sẽ để lộ hình xăm trong Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: AP.

Trước khi Covid-19 trở thành chủ đề bao trùm mọi mặt của Olympic Tokyo 2020, nhiều người từng đặt ra câu hỏi xung quanh vấn đề các vận động viên và du khách quốc tế xăm mình lộ liễu đặt chân vào Nhật Bản, theo South China Morning Post.

Nguyên nhân đằng sau nỗi lo ngại trên là việc hình xăm thường nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm trong văn hóa Nhật Bản. Nhưng khi không có khán giả hoặc khách du lịch quốc tế tới Nhật Bản trong kỳ Olympic này, liệu hình xăm có còn là vấn đề nữa hay không?

Điều cấm kỵ tại Nhật Bản

Xăm mình, hay còn gọi là “irezumi” trong tiếng Nhật, từ lâu đã là điều cấm kỵ tại Nhật Bản do có mối liên hệ tới các băng đảng tội phạm như yakuza.

Ban đầu, "irezumi" là loại hình xăm truyền thống dần phổ biến ở Nhật Bản từ hàng trăm năm trước và từng được trưng bày như một dạng thức nghệ thuật. Nhưng tới năm 1720, chính quyền Nhật Bản bắt đầu xăm lên tay hoặc trán tội phạm để cho người khác nhận biết, thay vì xẻo tai hoặc mũi phạm nhân.

Hình xăm càng trở nên bị xa lánh trong bước chuyển mình của Nhật Bản vào thế kỷ 19, hay còn gọi là thời đại Minh Trị. Đây là giai đoạn đất nước trải qua nhiều biến đổi trong quá trình hiện đại hóa.

Hình xăm ở Nhật Bản thường được cho là dấu hiệu liên kết với thành viên băng đảng yakuza. Ảnh: Meguro Kunihiko.

Theo một bài viết trên Asia Pacific Perspective, trong khi các nước phương Tây như Mỹ dần cởi mở hơn với xăm mình, hình xăm tại Nhật Bản vẫn là dấu hiệu thể hiện sự bất hảo và phản xã hội. Thái độ ấy đã bắt rễ sâu trong tâm thức của công chúng.

Đến nay, nhiều cơ sở kinh doanh ở quốc gia này như nhà tắm, phòng xông hơi, bể bơi công cộng, bãi biển, phòng gym, và thậm chí nhà hàng,… vẫn cấm người có hình xăm lộ.

Nhiều thành viên yakuza hoàn lương cũng gặp khó khăn khi tái hòa nhập xã hội nếu để lộ hình xăm. Một số trong đó khó tìm việc làm và cảm giác bị ruồng bỏ vì xăm mình.

Nhận thức dần thay đổi

Trước đại dịch, hình xăm từng là vấn đề lớn trước thềm giải Vô địch Bóng bầu dục Thế giới năm 2019 được tổ chức tại Nhật Bản. Thành viên đội bóng All Blacks của New Zealand khi ấy đã gây chú ý với tuyên bố sẵn sàng che hình xăm khi xuất hiện trước công chúng để giải quyết vấn đề nhạ‌y cả‌m văn hóa.

Nhưng một phán quyết có tính cột mốc của Tòa Tối cao Nhật Bản vào tháng 9/2019 cho thấy chuẩn mực truyền thống đang bắt đầu thay đổi trên phương diện các tập quán lâu đời.

Qua phán quyết, Tòa Tối cao Nhật Bản lần đầu nhận định rằng việc xăm mình cho người khác mà không có giấy phép y tế không vi phạm vào quy định điều chỉnh người hành nghề y.

Thời điểm ấy, đa số cửa hàng xăm ở Nhật Bản đều được coi là hoạt động trái phép vì không có giấy phép. Taiki Masuda, 32 tuổi, cũng là một người như vậy. Anh bị phạt hơn 1.300 USD vì xăm mình cho 3 người mà không có giấy phép hành nghề y tế.

Sau khi thụ lý vụ việc, một hội đồng thẩm phán của Tòa Tối cao Nhật Bản đã bác đơn kháng cáo của công tố viên và ra phán quyết có lợi cho Masuda.

Vận động viên trượt ván Nyjah Huston có hình xăm khắp người. Anh sẽ tham dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AP.

Hội đồng thẩm phán nhận định rằng hành vi y tế là “hành động chữa trị hoặc hướng dẫn có thể gây tổn hại sức khỏe nếu không phải do bác sĩ thực hiện”. Trong khi đó, “xăm mình đòi hỏi kỹ năng nghệ thuật khác với nghề y, và (chúng ta) cũng không thể đặt giả định rằng chỉ riêng bác sĩ mới được xăm cho người khác”.

Tòa án cũng gợi ý rằng chính phủ nên thông qua đạo luật mới nếu cần thiết phải đặt ra giới hạn pháp lý đối với hình xăm.

Vô số vận động viên tranh tài tại Olympic Tokyo có hình xăm lộ, như vận động viên bơi lội người Mỹ Caeleb Dressel, cầu thủ bóng rổ Cộng hòa Séc Ondrej Balvin, và vận động viên trượt ván Nyjah Huston.

Họ sẽ tham gia thi đấu trong các bộ môn thể thao mà dụng cụ và quần áo thi đấu không thể che toàn thân vận động viên, như bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng rổ, bóng đá, và trượt ván.

Ngoài ra, việc xăm biểu tượng 5 vòng tròn đan cài của Olympic lên người cũng là điều thường thấy ở giới vận động viên. Nhiều người lần này tới Tokyo sẽ xăm hình này, bao gồm vận động viên bơi lội Michelle Coleman, vận động viên thể dục dụng cụ Vanessa Ferrari, và vận động viên thể dục dụng cụ người Croatia Ana Derek.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật