Thu tiền tỷ từ nuôi cá bỗng thương phẩm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi cá mang lại lợi nhuận cao, chị Hoàng Thị Chắp, xã Cốc San, TP. Lào Cai là điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Thu tiền tỷ từ nuôi cá bỗng thương phẩm
Mặc dù thuê người làm nhưng chị Hoàng Thị Chắp hằng ngày vẫn trực tiếp chăm nuôi cá của gia đình. Ảnh: H.Đ,

Cuối những năm 1990, chị Hoàng Thị Chắp, dân tộc Giáy, người uy tín ở thôn Luổng Đơ (xã Cốc San, TP. Lào Cai) đã mạnh dạn cải tạo 2,5ha đất canh tác kém hiệu quả sang nuôi cá thương thẩm. Khi bắt tay vào làm, chị Chắp gặp vô số khó khăn do nguồn giống ở xa, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Có thời điểm cá giống được mua ngoài tỉnh hoặc nhập từ Trung Quốc lại không đảm bảo chất lượng. 

Với sự say mê và quyết tâm, chị đã tìm tòi, đi các nơi để học hỏi mô hình ở các tỉnh dưới xuôi như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng... Sau khi làm chủ các kỹ thuật, việc chăn nuôi cá đã mang lại hiệu quả, kinh tế gia đình chị ngày một khấm khá. 

Xem Video: Mô hình nuôi cá bống mú trong ao đất cho thu nhập cao

//

Cá thương phẩm của gia đình chị không chỉ cung cấp cho thị trường tại Lào Cai mà còn bán ra các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang… Thấy chị nuôi cá thành công, dần dần nhiều hộ dân trong thôn học làm theo, cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang đào ao nuôi cá. 

Ngoài vốn kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá có được từ việc học các chủ chăn nuôi lớn ở các tỉnh bạn, các thành viên trong gia đình chị cũng thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả để phục vụ cho công việc chăn nuôi cá. 

Với những kết quả trong sản xuất kinh doanh và công tác xã hội, chị Chắp là một trong những điển hình của Hội nông dân tỉnh Lào Cai đi dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất giỏi toàn quốc vừa qua và được UBND tỉnh Lào Cai lựa chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 2016-2020 tại thủ đô Hà Nội.

Sau khi làm chủ được các kỹ thuật về chăn nuôi cá, thấy được nhu cầu về cá giống ngày càng tăng, chị Chắp đẩy mạnh việc nuôi cá giống để cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, chị Chắp đã nuôi thành công giống cá bỗng, loài cá có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Cá bỗng là loài cá phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, được mệnh danh là "cá vua". Do đó, về điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu ở Lào Cai, việc nuôi loại cá này rất phù hợp chỉ cần có nguồn nước sạch, mát mẻ, yên tĩnh.

Trong khi, số lượng cá bỗng trong tự nhiên đã giảm nhiều do đánh bắt, vì vậy nhu cầu thị trường về con giống cũng như đầu ra cho sản phẩm này tương đối cao. Hiện nay, giá bán cá bỗng trên thị trường khoảng 350-400 nghìn đồng/kg. 

Chị Chắp cho biết, cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ươm, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất, cần phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. 

"Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống cần tháo hết nước trong ao rồi rắc vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá giống phải khỏe mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được, người mua thấy cá bị chết nhiều thì lần sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm mua", chị Chắp nói.

Nguồn thức ăn chủ yếu của cá bỗng là giun, các loại rau, thân chuối... là sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, do đó chi phí về chăn nuôi cũng như nguồn cung cấp tương đối thuận lợi, chi phí ít. Ngoài ra, có thể cho cá ăn thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm khoảng 30%. Sau 15 - 20 tháng cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể tiến hành thu tỉa hoặc thu toàn bộ. 

Với cách làm như trên cùng sự say mê, sau nhiều năm, từ chỗ chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ, đến nay gia đình chị Chắp đã phát triển thành trang trại chăn nuôi cá với quy mô lớn, mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động người dân tộc địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật