Hà Nội chi 500 tỷ đồng rà soát chất lượng chung cư cũ

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước sự xuống cấp của chung cư cũ, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, làm mất mỹ quan đô thị, Hà Nội sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ.
Hà Nội chi 500 tỷ đồng rà soát chất lượng chung cư cũ
Thực trạng chung cư cũ đang tồn tại nhiều bất cập

Nhiều chung cư xuống cấp nguy hiểm

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960-1990. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã tiến hành 5 đợt kiểm định, từ đó phân loại theo các cấp độ nguy hiểm tăng dần: Cấp A (chỉ cần sửa chữa nhỏ), cấp B (cần sửa chữa nhỏ nhưng chưa thật cấp bách), cấp C (cần sửa chữa lớn để bảo đảm sử dụng bình thường), cấp D (phải xây dựng mới, ưu tiên làm ngay vì có nguy cơ sụp đổ). Qua các đợt kiểm định (tổng số 377 nhà chung cư cũ), các cơ quan chức năng đã xác định 7 nhà cấp D.

Hiện, đa phần diện tích căn hộ chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đều nhỏ dưới 30 m2, 30m2-50 m2/căn. Đặc biệt, tình trạng quá tải số người ở tại các căn hộ không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng. Nhiều hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa, ảnh hưởng kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Đồng thời, do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hư hại nặng, nguy hiểm cho người dân.

Từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có các quyết định di dời khẩn cấp người, tài sản tại các nhà chung cư cấp độ D để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đến nay mới có 2/7 chung cư cũ nguy hiểm cấp D hoàn thành di dời các hộ dân, thực hiện cải tạo, xây dựng mới, đó là nhà B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 5/7 chung cư cũ cấp D chưa hoàn tất việc này. Nguyên chân chưa thể hoàn tất công tác này chủ yếu là vì chưa có thông tin về quy hoạch, chủ đầu tư và các chính sách về tái định cư… Trong khi đó, quy định Pháp Luật về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang tồn tại một số bất cập, khiến việc di dời, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nói chung, chung cư cũ nguy hiểm cấp D nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Trước các bất cập của chung cư cũ, Hà Nội tiến hành xây dựng lộ trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn tại “Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội”. Theo đó, Đề án đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm: Từ năm 2021-2022, thực hiện kiểm định 126 chung cư có tình trạng kỹ thuật mức 2 đã được thành phố chấp thuận; rà soát, kiểm định 19 khu chung cư cũ đã báo cáo ý tưởng quy hoạch (có nhà nguy hiểm cấp D, cấp C cận D). Từ năm 2021-2025, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định chi tiết đối với toàn bộ các chung cư còn lại. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, để các giải pháp trong Đề án phù hợp với thực tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội sẽ lấy ý kiến phản biện xã hội trước khi trình Thành ủy, HĐND thành phố thông qua. Sau khi đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở sẽ tham mưu thành phố ban hành quy định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để thống nhất triển khai trên toàn thành phố.

Sớm tháo gỡ các vướng mắc

Mới đây, ngày 22/7/2021, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 171/KH-UBND về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Mục đích của Kế hoạch nhằm đề xuất được một số giải pháp kịp thời nhằm giải quyết tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn; đảm bảo sự an toàn, tính mạng và tài sản, tái định cư, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hà Nội sẽ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của các bên

Theo Kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là kiện toàn, phân công thành viên Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, trên cơ sở “Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội” sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND TP, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của Chính phủ. Trong đó, sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. Cùng với đó là xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.

Tại buổi góp ý về “Đề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội” mới đây, lãnh UBND nhấn mạnh, chủ trương của Hà Nội là xã hội hóa trong thực hiện cải tạo chung cư cũ, do đó một trong những giải pháp mà Kế hoạch 171/KH-UBND đề ra, đó là thành phố sẽ sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn; đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư. Mặt khác, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến cơ chế chính sách của Nhà nước, thành phố để tạo sự đồng thuận của xã hội, các chủ sở hữu nhà chung cư cũ, người dân khi thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà chung cư nguy hiểm, phá dỡ, giải phóng mặt bằng, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; vận động người dân tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Pháp Luật.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong – cho biết thêm, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, tăng tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, hiện TP Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc tham mưu sửa đổi Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ quy định phải kiểm định toàn bộ chung cư cũ mới đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại. Đồng thời, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố chủ trương cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ kết hợp chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; từ đó tái thiết các khu vực lõi của đô thị, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của các bên và có cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật