Một cổ phiếu ngành đường tăng 86% một tuần

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cổ phiếu Công ty Mía đường Cao Bằng tăng mạnh nhất thị trường, ngược lại nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh trong tuần qua.
Một cổ phiếu ngành đường tăng 86% một tuần
Diễn biến VN-Index trong tuần 20-24/9. Đồ thị: TradingView.

Trong tuần giao dịch 20-24/9, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng bởi nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande tại Trung Quốc, dù vậy áp lực điều chỉnh là không lớn.

Các chỉ số có sự phân hóa khi VN-Index giảm gần 1,5 điểm (-0,11%) so với tuần trước đó xuống 1.351 điểm. Ngược lại HNX-Index tăng 1,7 điểm (0,46%) lên gần 360 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,7 điểm (0,69%) lên trên 98 điểm.

Cổ phiếu bảo hiểm diễn biến tích cực và đi ngược xu hướng chung khi hàng loạt mã giao dịch khởi sắc như PVI tăng hơn 16%, BVH và PTI tăng gần 10%... nhờ thông tin về không hạn chế sở hữu nước ngoài và đang được xây dựng khung pháp lý mới cho ngành bảo hiểm.

Cổ phiếu ngân hàng là lực đỡ lớn cho thị trường khi có 18/26 mã chứng khoán thuộc khối ngân hàng tăng giá, 8 mã giảm giá và một mã đứng tại mức tham chiếu. Ngược lại các cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa và nhỏ bị điều chỉnh sau thời gia tăng nóng.

Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 21.513 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ hai liên tiếp thanh khoản khớp lệnh bình quân tại HoSE chỉ ở mức bình quân 20.000 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng trong tuần vừa qua nhưng giá trị đã giảm đáng kể. Dòng vốn ngoại mua vào 140 triệu cổ phiếu với trị giá 5.852 tỷ đồng, trong khi bán ra 165 triệu cổ phiếu với giá trị 6.668 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị rút đi 815 tỷ đồng.

Mã CBS tăng mạnh nhất thị trường

Với biên độ dao động lớn nhất, sàn giao dịch đại chúng chưa niêm yết UPCoM thường ghi nhận nhiều mã chứng khoán tăng đột biến hơn các sàn niêm yết HNX và HoSE.

Trong tuần này, CBS của Mía đường Cao Bằng dẫn đầu về mức tăng giá với con số gần 86% chỉ sau 5 phiên giao dịch, trong đó có 4 phiên tăng trần. Tuy nhiên thanh khoản không cao khi chưa đến 9.000 đơn vị mỗi phiên.

Đà tăng giá này diễn ra khi chủ tịch HĐQT Nông Văn Thuyết công bố trở thành cổ đông lớn từ đầu tháng 8 và tiếp tục đăng ký mua thêm 20.000 cổ phiếu CBS trong tháng 9. Công ty cũng thông báo chốt danh sách cổ đông vào 28/9 để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới.

Ngoài ra doanh nghiệp mía đường cũng đang hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô. Bộ Công Thương đang điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua các nước ASEAN khác. Giá đường thế giới đã tăng 24% kể từ đầu năm và giao dịch quanh vùng đỉnh 4 năm.

Phần lớn các mã tăng đột biến khác trên sàn UPCoM thường có thanh khoản rất thấp. Trong số các mã có thanh khoản cao phải kể đến MVC của Công ty Vật liệu và Xây dựng Bình Dương với mức tăng hơn 48% một tuần, sau khi lãnh đạo doanh nghiệp sang tay hơn 10 triệu cổ phiếu MVC.

Ngoài ra VNH của Công ty Đầu tư Việt Nhật cũng nổi sóng với khối lượng trung bình vượt một triệu đơn vị/phiên. Mã chứng khoán thuộc nhóm thủy sản này đã tăng liên tiếp từ ngày 10/9 đến nay với đà tăng hơn 100%, trong đó có đến 6 phiên tăng trần.

Trên sàn niêm yết HNX, nhóm tăng mạnh đa phần đến từ các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó DIH của DIC Hội An tăng mạnh nhất nhờ 4 phiên tăng trần, đây là công ty con chuyên về xây dựng của DIC Corp và vốn hóa chưa đến 200 tỷ đồng.

Phần lớn các cổ phiếu tăng mạnh khác có thị giá khá thấp dưới mệnh giá và cũng không có nhiều thanh khoản như KTT của Tập đoàn đầu tư KTT, KSD của Đầu tư DNA hay PEN của Xây lấy III Petrolimex

Loạt cổ phiếu “nóng” bị điều chỉnh

Trên sàn niêm yết quy mô lớn nhất HoSE, các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục là tâm điểm của dòng tiền và chiếm các vị trí cao trong bảng xếp hạng các mã tăng mạnh nhất.

Trong đó DRH của DRH Holdings tăng cao nhất sàn chứng khoán tại TP.HCM với hơn 22%, bao gồm 4 phiên tăng trần và một phiên điều chỉnh. Doanh nghiệp không có thông tin lớn nào gần đây ngoài việc hưởng lợi từ công ty liên kết Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) cũng tăng giá gần đây.

Một mã đáng chú ý khác là TDH của Thuduc House tiếp tục có tuần tăng mạnh thứ 2 sau thông tin Louis Capital gom cổ phần để trở thành cổ đông lớn và vừa ký hợp đồng hợp tác tại nhiều dự án bất động sản nghìn tỷ đồng.

Các mã chứng khoán còn lại khá ít thông tin hỗ trợ, đáng kể như MCG có cổ đông lớn nước ngoài bán gần 0,65 triệu cổ phiếu, SHA với việc thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 5% trong quý IV, SGT được hỗ trợ nhờ thông tin ký hợp đồng với Quantum…

Ngược lại nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE lại gây chú ý hơn khi hàng loạt mã chứng khoán tăng nóng bị điều chỉnh. Nhóm ngành dược bị bán mạnh nhất khi VMD của Vimedimex giảm hơn 21% và SPM cũng giảm gần 15% một tuần.

Nhóm cổ phiếu vận tải và logistics tăng nóng một thời cũng gặp áp lực bán chốt lời và đều giảm sâu. Trong đó VOS của Vosco mất gần 15% sau 4 phiên giảm liên tiếp, HAH của Vận tải Hải An rơi gần 13% hay VNL của Logistics Vinalink giảm hơn 11%.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến đại gia mới nổi Louis Holdings bị điều chỉnh mạnh. Đơn cử như APG liên tục gặp áp lực bán lớn với 3 phiên nằm sàn liên tiếp, mất gần 14% trong một tuần. Chứng khoán APG cũng vừa điều chỉnh lợi nhuận 100 tỷ đồng, tăng 43% so với mục tiêu ban đầu và đồng thời lên kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cổ phiếu BII của Louis Land thậm chí mất gần 22% khi doanh nghiệp muốn giải thể và thoái vốn một số đơn vị thành viên, đồng thời họp cổ đông bất thường để bầu nhân sự HĐQT mới, thay đổi phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

SMT của Samatel cũng bị điều chỉnh hơn 18% trong một tuần, với 3 phiên gần nhất đều đóng cửa ở mức giá sàn. Như vậy mã liên quan đến Louis Holdings này đã chấm dứt chuỗi tăng liên tiếp từ 19/8 đến 21/9, trong đó có đến 17 phiên là tăng kịch trần.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật