Ngày trở về từ tâm dịch: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ mình là người đặc biệt”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là tâm sự của ThS.BS Nguyễn Ngọc Dự - Khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện Da liễu Trung ương sau khi trở về từ tâm dịch.
Ngày trở về từ tâm dịch: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ mình là người đặc biệt”
Đoàn cán bộ y tế bệnh viện Da liễu Trung ương trở về sau đợt chi viện các tỉnh phía Nam

Chiều 29/9, tại Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến thăm, làm việc, khảo sát đặc biệt tại các địa điểm đón tiếp và chăm sóc hàng trăm cán bộ y tế từ các bệnh viện tại Hà Nội, xung phong vào tâm dịch phía nam trở về, đang thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến Trung ương tại các tỉnh phía Bắc, miền Trung tình nguyện đi hỗ trợ, tăng cường cho các tỉnh, thành phía Nam tham gia chống dịch. Với nỗ lực và quyết tâm đồng lòng của nhiều lực lượng, trong đó nòng cốt là lực lượng nhân viên y tế thì hiện nay dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đã cơ bản được kiểm soát.

Trưởng thành trong tâm dịch

Trong chuyến khảo sát, thăm động viên cán bộ y tế BV Da liễu Trung ương, BV Việt Đức kết thúc đợt chi viện trở về từ các tỉnh phía Nam đang thực hiện cách ly tại Hà Nội, PGS.TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch CĐYTVN đánh giá cao sự nỗ lực, hy sinh, vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ y tế nói chung và BV Da liễu Trung ương, BV Việt Đức nói riêng. Các cán bộ y tế đã hoàn thành nhiệm vụ theo "mệnh lệnh của trái tim" và lý trí dù trong "cuộc chiến" này họ đã phải trải qua nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh… để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Những y, bác sĩ BV Da liễu Trung ương đã trải qua những tháng ngày vất vả tại tầng cao nhất của Tháp điều trị COVID-19. Họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn như thiếu thốn về cơ sở vật chất, tình cảm gia đình, những bữa ăn không hợp khẩu vị, căng thẳng lo âu do bản thân có thể bị phơi nhiễm.

Nhớ lại những ngày đầu khi lên đường vào TP Hồ Chí Minh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, ThS.BS Nguyễn Ngọc Dự - Khoa gây mê hồi sức BV Da liễu Trung ương chia sẻ: "Tuy đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng môi trường mới cũng khiến chúng tôi ban đầu có những bỡ ngỡ, nhiều áp lực, lo lắng vì đội ngũ chi viện là những cán bộ y tế trẻ của BV Da liễu trung ương chưa có nhiều kinh nghiệm về điều trị COVID-19, lo lắng nếu không may nhiễm COVID-19 sẽ trở thành gánh nặng cho đoàn…

Đặc biệt là việc ảnh hưởng tâm lý đến các cán bộ y tế trẻ khi phải đối diện với những ca bệnh nặng và các ca t‌ử von‌g. Việc thay đổi môi trường làm việc, điều kiện làm việc và khí hậu, chế độ sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến  sức khỏe các cán bộ y tế.

Tuy nhiên với lòng nhiệt huyết của cán bộ y tế và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ các cán bộ y tế của bệnh viện đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để chung sức hoàn thành nhiệm vụ chống dịch.

Và trong những tháng ngày vất vả, gian lao nhưng ai cũng tự hào rằng, qua thực tiễn, kiến thức về kỹ năng hồi sức cấp cứu của mỗi người được tăng lên rõ rệt. Có thể nói, không có lớp đào tạo nào tốt như lớp đào tạo thực tế tại tâm dịch phía Nam những ngày khó quên vừa qua. Với họ không bao giờ nghĩ mình là người đặc biệt mà chỉ đang đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, ThS.BS Nguyễn Ngọc Dự chia sẻ.

Chiến thắng "kép" của nữ điều dưỡng trẻ

Là một trong những điều dưỡng trẻ trong đoàn công tác trở về lần này, Điều dưỡng Trịnh Thị Dung (BV Da liễu Trung ương) trong quá trình làm việc cũng đã bị nhiễm COVID-19 xúc động nhớ lại: Lúc biết kết quả xét nghiệm nhiễm bệnh đã có những lúc thấy buồn và tủi thân khi phải cách ly, lúc nào bên mình cũng có máy khử khuẩn. 

Nụ cười chiến thắng trong ngày trở về của điều dưỡng Trịnh Thị Dung.

Tuy nhiên bằng sự lạc quan và luôn tâm niệm là một nhân viên y tế đã khoác lên mình màu áo trắng thì cần phải nỗ lực để vượt qua và hơn hết là sự sát cánh, an ủi, động viên tinh thần của các đồng nghiệp, không có sự xa cách đã giúp Dung vượt qua giai đoạn khó khăn khỏi bệnh và tiếp tục cống hiến cho công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Trưởng khoa Gây mê 1, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Thị Thúy Ngân chia sẻ: Khi xung phong vào tâm dịch với sự ủng hộ hết lòng của gia đình, chị đã  gửi con nhỏ đang chuẩn bị bước vào lớp 1, về quê.

Chị tâm sự, khi xung phong ghi tên vào danh sách, chị chỉ có một suy nghĩ là muốn được hỗ trợ đồng nghiệp, trải nghiệm thực tế để học hỏi, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về COVID-19 để nếu trong trường hợp Hà Nội rơi vào tình huống xấu, chị sẽ có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để chiến đấu với dịch bệnh và có thêm cơ hội bảo vệ gia đình, người thân…

Sau khi hoàn thành cách ly theo quy định, các y bác sĩ của đoàn công tác sẽ lại trở về guồng quay công việc thường ngày bên các đồng nghiệp và bên gia đình. Nhưng với các cán bộ y tế, chừng nào trận chiến với dịch bệnh COVID -19 vẫn còn chưa kết thúc thì họ vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật