Bươn chải thời Covid nuôi con ăn học

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để có tiền lo cho các con ăn học, trang trải cuộc sống, nhiều công nhân nữ ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã tranh thủ nhận may đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19 tại nhà. Nhiều hôm họ phải làm tới 1 - 2 giờ sáng.
Bươn chải thời Covid nuôi con ăn học
Chị Lê Thị Huệ tranh thủ nhận may đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19 tại nhà.

Ngày làm công nhân, tối may đồ bảo hộ phòng dịch

Thời gian gần đây, nhiều phụ nữ ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bận rộn hẳn lên. Bởi, họ có thêm nhiều nghề phụ mới như đan cói, may gia công tại nhà, đặc biệt là may đồ bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Với đồng lương công nhân ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 3 con nhỏ ăn học, chị Lương Thị Toan (35 tuổi) ở xã Hoằng Thắng phải tranh thủ nhận may đồ bảo hộ phòng, chống Covid-19 tại nhà. Công việc của chị đã bắt đầu khoảng 2 tháng nay, mỗi ngày chị Toan nhận may khoảng 50 bộ, tiền công khoảng 4.000 đồng/bộ.

Từ ngày nhận may thêm đồ bảo hộ phòng chống dịch Covid-19, thời gian nghỉ ngơi của nữ công nhân này eo hẹp hơn nhiều. Trở về nhà sau 8 tiếng làm việc tại công ty giày da, chị Toan lại tất bật may đồ bảo hộ phòng, chống Covid-19 để kịp giao hàng như đúng thời gian đã hẹn.

“Từ ngày nhận may đồ bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19, tôi thường xuyên chỉ vỏn vẹn ngủ được 4 giờ/ngày. Để kịp giao hàng, nhiều hôm tôi phải may đồ đến tận 1, 2 giờ sáng. Công việc làm thêm này mất khá nhiều thời gian, lại phải có người phụ giúp gấp đồ. Thế nhưng, tiền công cũng chỉ được 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Dù vậy, với người dân thôn quê như tôi, có thu nhập vậy là quý lắm rồi”, chị Toan chia sẻ.

Chị Toan là lao động chính trong gia đình. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Thi, làm nghề thợ xây tại địa phương. Tuy nhiên, do thời tiết mưa gió và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công việc cũng bấp bênh, nên anh Thi tranh thủ phụ giúp vợ gấp đồ bảo hộ phòng, chống Covid-19.

Cũng làm công nhân cách nhà 10 km, chị Lê Thị Huệ (36 tuổi) người cùng địa phương với chị Toan, cũng nhận may đồ bảo hộ phòng Covid-19 tại nhà nhiều tháng nay.

“Để kiếm được 100.000 đồng với công việc này cũng không hề dễ dàng. Ngoài vấn đề mất nhiều thời gian, thì mỗi người may cũng phải có ít nhất một người phụ giúp gấp đồ. Từ ngày may đồ bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19, chưa hôm nào tôi ngủ trước 12 giờ đêm. Dù sao thì 100.000 – 200.000 đồng mỗi ngày, đối với người dân quê cũng rất quý”, chị Huệ trải lòng.

Cố bươn chải để nuôi con ăn học

Chị Lương Thị Toan (ngoài cùng bìa phải) tranh thủ may đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19, với tiền công chỉ 4.000 đồng/bộ.

Cũng như chị Huệ, chị Hoàng Thị Dung (36 tuổi), xã Hoằng Thắng nhận may gia công đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19 những lúc rảnh, để kiếm thêm thu nhập nuôi 4 con ăn, học và trang trải cuộc sống.

“Do bận bán hàng ăn sáng, nên tôi chỉ tranh thủ nhận may đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19 trung bình khoảng 50 bộ mỗi ngày. Hôm nào khỏe, thì cũng gắng nhận 100 bộ để có thêm ít đồng nuôi các con ăn học”, chị Dung chia sẻ.

Hiện, 4 con của chị Dung đều đang tuổi ăn học, trong đó con đầu đang học đại học. Vì vậy, ngoài làm ruộng, chị Dung phải cố gắng làm thêm nhiều việc, để có đủ tiền nuôi các con và trang trải cuộc sống.

Ngoài những người phụ nữ cố gắng bươn chải để lo cho gia đình, nhiều em nhỏ là học sinh tiểu học, THCS cũng tranh thủ phụ giúp mẹ may đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19.

Em Nguyễn Văn Sang, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Hoằng Thắng, cũng thường xuyên phụ giúp mẹ những lúc rảnh rỗi. Do anh trai không may bị dị tật bẩm sinh, em út còn nhỏ, nên Sang phải thay mẹ trông em và phụ giúp gấp đồ cho mẹ những lúc học xong bài.

“Thấy mẹ vất vả, ngày đi làm công ty, tối về lại may nên em chỉ biết học thật tốt. Những buổi không phải đến trường, em ở nhà trông em út và phụ giúp mẹ gấp đồ”, Sang hồ hởi chia sẻ.

Cũng như Sang, nhiều học sinh ở xã Hoằng Thắng cũng có ý thức giúp đỡ bố mẹ. Các em tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần giúp bố, mẹ cắt hoặc gấp đồ bảo hộ phòng Covid-19 trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.

Ông Hoàng Văn Hiến - Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng - cho biết, việc người dân nhận may đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19 tại xã mới bắt đầu rầm rộ từ đợt 30/4 vừa qua. Tuy đây chỉ là công việc thời vụ, nhưng cũng góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình.

Về chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ông Hiến cho hay, xã Hoằng Thắng không nằm trong diện bị giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như thợ cắt tóc, gội đầu… do phải đóng cửa. Ngoài ra, còn có các trường hợp là F1 phải đi cách ly tập trung. Với các trường hợp này, UBND xã đã lập danh sách để xem xét hỗ trợ cho họ.

“Hiện, các trường hợp là con, em làm ăn xa tại các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không thể trở về quê hương, xã đã hỗ trợ 1 triệu đồng/người theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. Đối với các trường hợp là F1 phải đi cách ly tập trung, các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo… xã cũng đã lập danh sách để xem xét hỗ trợ cho người dân bớt khó khăn”, ông Hiến nói.

Xã Hoằng Thắng có khoảng 8.000 dân, trong đó có khoảng 6.000 người đang sinh sống tại địa phương, phân bổ tại 7 thôn. Người dân nơi đây cũng đa ngành, đa nghề, tuy nhiên chủ yếu là làm nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều người hiện là công nhân làm việc tại các công ty… Đối với diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là trồng dưa, bí, lúa và các loại rau, củ, quả.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật