Krông Pách (Đắk Lắk) đa dạng hình thức cách ly người về từ các tỉnh phía Nam

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
1 tuần qua, Krông Pách là huyện có số người trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam đông nhất tỉnh Đắk Lắk, với hơn 2.700 người. Để người dân trở về có nơi cách ly an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, huyện Krông Pách đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Krông Pách (Đắk Lắk) đa dạng hình thức cách ly người về từ các tỉnh phía Nam
Gia đình cung cấp thực phẩm cho người cách ly ở rẫy

Cùng trở về từ tỉnh Bình Dương, anh Đồng Thanh Hiếu và 1 người bạn đang thực hiện cách ly trong chòi tạm giữa khu rẫy cà phê ở thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pách. Anh Hiếu cho biết, hơn 3 tháng thất nghiệp trong vùng tâm dịch, số tiền dành dụm đã tiêu đến đồng cuối cùng. Ngay khi Bình Dương nới giãn cách, anh đã chạy xe máy về quê. Do gia đình không có điều kiện cách ly riêng nên anh được chính quyền địa phương bố trí cho ở ghép với một người nữa trong chòi rẫy cà phê.

 “Về thì bố mẹ và thôn sắp sếp cho cái lều của em trai về cùng rồi hai anh em cách ly ở đây. Hàng ngày, bố mẹ đưa đồ ăn cho, bố mẹ để ở dưới, khi nào bố mẹ đi thì em xuống lấy. Về là em xác định cách ly một cách nghiêm túc”, anh Hiếu nói.

Ông Triệu Văn Đường, Thôn phó thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc cho biết, trong những ngày qua, thôn đã đón 15 người về từ các tỉnh phía Nam. Để sắp sếp chỗ ở phù hợp, đảm bảo an toàn phòng dịch theo đúng quy định, Ban tự quan thôn đã rà soát số hộ có nhà trong rẫy cà phê, có nhà bỏ trống, rồi bàn bạc thống nhất với các hộ dân cho mượn những ngôi nhà đó để làm nơi cách ly. Công tác giám sát người cách ly được Ban tự quản và tổ Covid cộng đồng của thôn thực hiện nghiêm túc.

 “Khi về cách ly phải tuyên truyền bà con phải thực hiện đúng 5K để giữ an toàn cho bà con cũng như hàng xóm của thôn mình. Hàng ngày tôi theo dõi xem có cách ly hay không, nhiều người ý thức còn kém thì nhắc nhở thường xuyên”, ông Triệu Văn Đường cho hay.

Nhiều căn nhà tạm trong rẫy cà phê trở thành nơi cách ly tập trung cho người dân

Còn tại xã Ea Yiêng, xã vùng 3 của huyện Krông Pách, do số lượng nhà trong rẫy rất ít, chính quyền địa phương đã trưng dụng các nhà cộng đồng của từng thôn và một số công trình công cộng làm khu cách ly và gọi đây là những “ngôi nhà dân nuôi”. Trong mỗi công trình được dựng các vách ngăn phòng bằng nilon tương ứng với số người cách ly. Ban tự quản các thôn phối hợp với tổ Covid cộng đồng và lực lượng thanh niên đi vận động lương thực, bố trí người nấu ăn, phân phát cho người trong “nhà dân nuôi”. Đoàn thanh niên địa phương đã phát động các chương trình hỗ trợ lương thực thực phẩm để đảm bảo cho người dân yên tâm thực hiện cách ly.

Lực lượng thanh niên mang cơm đến cho người dân trong các "khu nhà dân nuôi"

Anh Trần Đức Hậu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Krông Pách cho biết: “Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện tổ chức chiến dịch triệu bữa cơm chia sẻ những bữa cơm cho Ban tự quản, hỗ trợ cơm vào buổi chiều, chúng tôi cũng hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm để Ban tự quản thôn buôn nấu và cung cấp cho lực lượng cách ly tại địa phương”.

Tính đến 17h ngày 7/10, huyện Krông Pách đã tiếp nhận hơn 2.700 người dân về địa phương từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong số này, có 11 người đang cách ly tập trung tại huyện, 54 người cách ly tập trung tại các xã và 2.670 người cách ly tại nhà. Đảm bảo việc cách ly nghiêm túc để phòng dịch, UBND huyện đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị chức năng.

Các vách ngăn tạm được dựng lên để có thể cách ly được nhiều người.

Theo đó, ngành Y tế thực hiện test nhanh cho người dân 3 ngày/lần, hàng ngày gọi điện yêu cầu công dân tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe; Ngành công an đảm bảo an ninh trật tự tại những địa điểm cách ly; Các tổ chức hội, đoàn thể vận động kinh phí, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho bà con bên cạnh nguồn lực từ nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pách chia sẻ: “Huyện cũng ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh hoạt động của tổ Covid  cộng đồng ở các xã, thị trấn, giám sát các gia đình có người bị cách ly và báo cáo thường xuyên về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã 2 lần/ngày. Huyện cũng đã thành lập tổ an sinh xã hội, tổ này đảm bảo nguồn lực của huyện cũng như ngồn lực vận động của các mạnh thường quân để hỗ trợ kịp thời cho người dân cách ly trong thời gian gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.

Một số địa phương tận dụng nhà cộng đồng làm nơi cách ly người dân về từ các tỉnh phía Nam

Nhờ cách làm phù hợp, công tác cách ly người dân trở về từ TP.HCM, các tỉnh phía Nam tại huyện Krông Pách đang nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Dẫu biết còn nhiều khó khăn và nguy cơ, song với sự chuẩn bị chu đáo của các cấp các ngành và sự chung sức của người dân, tin tưởng Krông Pách sẽ kiểm soát thành công dịch Covid-19 ở địa phương

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật