Nhớ lửa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bà Thu lên thăm con gái ở thành phố được mươi ngày đã nằng nặc đòi về. Quây quần cùng con cháu trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi lại được chăm sóc tận tình nhưng bà luôn khắc khoải nhớ về ngôi nhà sàn trên rừng.
Nhớ lửa
Minh họa: Thanh Hạnh

Chiều nay, Kỳ con gái bà mang về một cái bếp ga mới, vui vẻ nói:

- Con mua biếu mẹ. Cái bếp này là loại tốt nhất đấy ạ.

Bà Thu cảm động về sự hiếu thảo của con, nhưng khẽ lắc đầu:

- Mẹ không lấy đâu con ạ.

Kỳ nhìn mẹ, cô mua cái bếp ga vì nghĩ thương mẹ cả đời tẩn tảo nơi bốn bề núi giăng sương phủ. Đã ngoài bảy mươi mà vẫn lọm khọm kiếm từng cây củi khô trong rừng về đun nấu. Mẹ không nhận, chắc lo tốn kém, cô vội giãi bày:

 - Con vừa được công ty thưởng tiền. Mẹ biết cách dùng bếp ga rồi mà. Hơn một tuần ở đây, mẹ thấy dùng bếp ga có tiện không ạ?

Nghe con gái nói, bà thầm nghĩ, có lẽ nó tưởng mẹ thích bếp ga. Chả là vì hôm đầu xuống ở với con, nhìn gian bếp chẳng thấy lửa khói đâu cả. Hỏi ra mới biết chúng nó đun bằng bếp từ, bà nói với con gái:

- Con à, bếp lửa là nơi linh thiêng của ngôi nhà, bếp phải có ngọn lửa chứ.

Ngẩn người một lúc, Kỳ chợt hiểu, cô nhanh nhảu:

- Vâng, mai con mua thêm cái bếp ga cho có lửa ngọn mẹ nhé.

Từ hôm có bếp ga, sáng nào bà Thu cũng dậy từ sớm tinh mơ, bật bếp đun nấu. Bà đã quen thức dậy bên bếp lửa bập bùng, nồng nàn mùi khói bếp nơi quê nhà.

Mỗi khi nhìn thấy bà cứ bật đi bật lại bếp ga rồi huơ huơ đôi tay trên ngọn lửa, thằng cháu ngoại thấy lạ, hỏi:

-  Bà ơi bà thích lửa à?

-  Ừ bà thích lửa cháu ạ!

Nó đâu biết, đối với bà và đồng bào dân tộc vùng cao, ngọn lửa trong bếp không chỉ để đun nấu mà còn thể hiện sự chống chọi của con người với thiên nhiên khắc nghiệt. Đã nhiều năm rồi bà vẫn chưa quên lời cụ ngoại kể, theo phong tục người Tày mỗi khi dựng xong nhà sàn mới, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. Lửa làm cho nhà sàn lúc nào cũng ấm cúng, bình yên… Với bà, bếp lửa còn có những kỷ niệm đời người sâu đậm.

Ngày về nhà chồng, sau khi lạy tổ tiên, ông bà, bố mẹ, bà ra lạy Nà Táng (cửa sổ) và lạy bếp lửa rồi mới bước chân ra cầu thang. Khi đến nhà chồng, việc đầu tiên là chất một que củi vào bếp rồi mới được đi vào buồng. Đấy là tục lâu đời của các cụ để lại dạy cho người phụ nữ Tày biết trách nhiệm của mình trong việc chăm lo bếp lửa cũng như chăm lo hạnh phúc gia đình.. Họ tiếp lửa cho người đàn ông trụ cột trong gia đình trở nên mạnh mẽ. Cái bếp lửa dùng chung của cả gia đình nhà bà được đặt ở gần chính giữa ngôi nhà. Bếp lúc nào cũng phải rực đỏ. Bà thường giữ lửa qua đêm bằng cách vùi tro vào những khúc củi gộc để giữ cho bếp lửa không bao giờ tàn lụi. Rất nhiều năm trôi qua bà chưa phải châm lại lửa hoặc xin lửa của người khác. Đặc biệt bếp lửa còn là nơi đã lưu lại tiếng khóc đầu đời của hầu hết những đứa con của bà. Chỉ có Kỳ là đứa con út được bà xuống bệnh viện huyện sinh đẻ. Kỳ được sinh vào dịp tháng 12 Âm lịch. Mùa Đông miền núi lạnh cắt da, cắt thịt. Chồng bà đi làm xa nên đẻ xong được vài ngày, bà ra viện, một mình ôm con đi bộ trong gió rét về nhà. Quãng đường dài gần chục cây số. Bà mải miết bước, ước tính đi được nửa đường thì thấy người con tím tái, hơi thở yếu ớt. Bà gào khóc trong hoảng loạn. May sao ven đường có ngôi nhà sàn nhỏ. Người đàn ông nhảy ba bước xuống hết bậc cầu thang, lao ra đường bế thốc đứa bé trên tay bà chạy lên sàn nhà. Ông ôm đưa bé vào gần bếp lửa, hơ đôi bàn tay của mình trên bếp cho thật ấm rồi xoa bóp nhẹ cho con bé. Mặt bé dần hồng hào và cất tiếng khóc. Bà cũng bật khóc, cúi lạy thần bếp, cúi lạy người đàn ông tốt bụng rồi gục xuống, lịm đi.

Bà mở mắt tỉnh dậy bên bếp lửa phảng phất mùi khói bếp và mùi thơm cơm nếp. Đứa bé được ỏm chăn ấm, ngủ ngon lành cạnh mẹ. Hóa ra bà đã ngủ được một giấc sâu bên bếp lửa nhà sàn ven đường. Chị vợ chủ nhà đã kịp thịt con gà nấu bát canh gừng rượu. Chị niềm nở nói:

- Em dậy ăn đi để có sữa cho con bú.

Con gái Kỳ của bà sống đến ngày hôm nay chính là nhờ vào ngọn lửa nhà sàn ven đường ấy. Đấy là điều suốt đời bà không thể quên...

                                                                       * * *

- Bà ngoại ơi xuống ăn cơm ạ - Ký ức về lửa đang ùa về trong bà chợt ngừng lại bởi tiếng gọi của thằng cháu ngoại.

Bữa cơm chiều nay, Kỳ không quên làm món thịt hun khói treo gác bếp mẹ mang xuống. Cô nhớ láng máng hồi còn ở nhà, trên bếp là một cái xá (gác bếp) bằng tre bám bồ hóng bóng đen. Trên đấy, mẹ để rất nhiều thứ nhưng cô thích nhất là những miếng thịt lợn hun khói vàng sém lại. Nhưng bây giờ, chừng như cô đã quên cái mùi vị bùi bùi, ngầy ngậy của món thịt hun khói ấy rồi.        

Kỳ buông đũa quay sang mẹ, nài nỉ:

- Mẹ ở thêm với con mấy ngày nữa đi mà.

Bà nhìn con gái lắc đầu:

- Thôi con gái ạ. Sang năm mẹ lại xuống mà.

Cả đời người, bà đã sống bên lửa, đã trải qua bao nhiêu buồn vui bên ngọn lửa bếp nhà sàn rồi. Xa nó không được đâu. Hàng ngày, lửa vẫn thầm thì kể cho bà nghe những câu chuyện xa xưa về tổ tiên, vẫn gợi lại cho bà biết bao kỷ niệm của đời người. Bà nhớ lửa lắm. Ở với con với cháu bà rất vui, nhưng ngày mai bà phải về với ngôi nhà sàn có cái bếp lửa của mình thôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật