Omicron có thể mang đột biến của virus cúm

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Omicron có thể mang một đoạn gene của virus cúm thông thường, khiến nó dễ lây hơn nhưng gây bệnh nhẹ hơn, theo các nhà nghiên cứu Mỹ.
Omicron có thể mang đột biến của virus cúm
Người dân xếp hàng tại điểm xét nghiệm nCoV lưu động ở thành phố New York, Mỹ, ngày 3/12. Ảnh: Reuters.

Các nhà nghiên cứu Cambridge, công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ, hôm 2/12 cho biết biến chủng Omicron có thể mang ít nhất một đột biến bằng cách lấy một đoạn vật liệu di truyền từ virus khác, nhiều khả năng là virus cúm, khi chúng cùng hiện diện trong tế bào bị nhiễm.

Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên website OSP Preprints hôm 2/12 nhưng chưa được bình duyệt, chuỗi gene mang đột biến này của Omicron chưa từng xuất hiện trong các biến chủng nCoV khác, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus, bao gồm các loại gây cảm cúm thông thường và cả trong bộ gene người.

Venky Soundararajan, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết bằng cách chèn đoạn mã di truyền này vào chuỗi gene của mình, Omicron có thể tự khiến nó "trông giống thuộc về con người hơn" nhằm né tránh đòn tấn công của hệ miễn dịch ở người. Các nhà nghiên cứu nhận định điều này có thể khiến Omicron dễ lây hơn, nhưng chỉ gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa rõ Omicron có khả năng lây cao hơn biến chủng nCoV khác hay không, có khả năng gây bệnh nặng hơn hay không, hoặc có thể vượt qua Delta trở thành chủng trội toàn cầu hay không. Các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang chạy đua để giải mã Omicron và có thể mất vài tuần để giải đáp những câu hỏi này.

Tế bào trong phổi và hệ tiêu hóa người có thể cùng chứa nCoV và virus cảm cúm thông thường, theo các nghiên cứu trước đó. Hiện tượng này tạo cơ hội cho virus tái tổ hợp, quá trình mà hai loại virus khác nhau trong cùng tế bào tương tác với nhau khi tự sao chép, tạo ra các virus mới mang vật liệu di truyền từ hai virus "bố mẹ".

Đột biến mới này có thể xảy ra lần đầu ở người nhiễm cả nCoV lẫn một loại virus khác, theo nghiên cứu của Soundararajan và đồng nghiệp. Chuỗi gene tương tự từng xuất hiện nhiều lần trong virus cúm HCoV-229E và virus HIV gây bệnh AIDS, Soundararajan nói.

Nam Phi, nơi đầu tiên báo cáo biến chủng Omicron, là nơi có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới. HIV làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến người bệnh dễ mắc cúm và các bệnh thông thường khác.

Soundararajan cho rằng phát hiện mới nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19. "Chúng ta phải tiêm phòng để giảm tỷ lệ những người suy giảm miễn dịch bị nhiễm nCoV", nhà nghiên cứu này nói.

Biến chủng Omicron lần đầu được Nam Phi thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cách đây một tuần, sau đó được WHO xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại. Nhiều quốc gia trên khắp các châu lục đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới, làm tăng thêm lo ngại về làn sóng lây nhiễm nguy hiểm mới và báo hiệu cuộc chiến với đại dịch chưa kết thúc.

Các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác nhận nguồn gốc các đột biến của Omicron và ảnh hưởng của chúng tới độc lực và khả năng lây truyền. WHO và cơ quan y tế các nước chưa bình luận về nghiên cứu của công ty Cambridge.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật