Vì sao Mỹ chậm phát hiện biến chủng Omicron?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quá trình giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 ở Mỹ đã được tăng tốc đáng kể trong những tháng qua, nhưng vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định khi triển khai.
Vì sao Mỹ chậm phát hiện biến chủng Omicron?
Một nhà khoa học Mỹ phân tích trình tự gene của bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm ở thành phố Houston, bang Texas. Ảnh: New York Times.

Ngày 25/11, giới khoa học Nam Phi chính thức thông báo với thế giới về sự tồn tại của Omicron. Chỉ một ngày sau, Bỉ là quốc gia châu Âu phát hiện ca nhiễm biến chủng mới đầu tiên. Vài ngày kế tiếp, Anh, Đan Mạch, Đức, Italy… lần lượt có xác nhận tương tự.

“Đối với một biến chủng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới như vậy, trực giác của tôi nói nó đã xuất hiện ở nước Mỹ”, tiến sĩ Taj Azarian, chuyên gia về gene tại Đại học Trung Florida, nói.

Tuy vậy, phải đến ngày 1/12, Mỹ mới phát hiện trường hợp mắc biến chủng mới đầu tiên ở bang California. Đến ngày 3/12, các ca nhiễm Omicron được xác nhận ở 11 bang, làm dấy lên khả năng vẫn còn các ca bệnh ẩn khuất trong cộng đồng, theo New York Times.

Sự chậm trễ của Mỹ khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao biến chủng Omicron không được phát hiện sớm hơn? Các yêu cầu khắt khe đối với người nhập cảnh có thể làm chậm quá trình virus xâm nhập Mỹ. Tuy vậy, hệ thống giải trình tự gene virus của nước này vẫn đang có nhiều “điều mù mờ” phải giải quyết.

Tăng tốc phân tích gene

Từ khi đại dịch bùng phát, các nhà khoa học đã khởi động tiến trình giải trình tự gene từ mẫu bệnh phẩm để nhận diện đột biến và các chủng virus mới. Nếu quá trình này được thực hiện thường xuyên ở quy mô lớn, giới khoa học và giới chức y tế có thể nhận diện cách virus tiến hóa và lây lan.

Tuy nhiên, tiến trình này khởi đầu khá chậm chạp ở Mỹ. Trong khi nước Anh huy động toàn hệ thống y tế công cộng vào cuộc, những nỗ lực giải trình tự gene ban đầu ở Mỹ phụ thuộc vào phòng thí nghiệm của các trường đại học - những nơi có nguồn lực hạn chế và chỉ mang tính tạm thời.

Kể cả khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khởi động mạng lưới phòng thí nghiệm phân tích gene vào tháng 5/2020, những nỗ lực này vẫn gặp thách thức từ một hệ thống y tế chắp vá, thiếu ngân sách, cũng như nhiều khó khăn khác.

Giữa đợt dịch tháng 1/2021, nước Mỹ chỉ giải trình tự gene của khoảng 3.000 mẫu bệnh phẩm mỗi tuần, tương đương với chưa đầy 1% số ca mắc mới (các chuyên gia y tế khuyến cáo tỷ lệ này cần đạt ít nhất 5%), theo New York Times.

May mắn là trong những tháng qua, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Điều này đến từ sự lãnh đạo của Washington, nguồn tiền tài trợ gia tăng và mối quan ngại về các biến chủng mới.

Giờ đây, công suất giải trình tự gene tại Mỹ đã đạt 80.000 mẫu bệnh phẩm mỗi tuần, chiếm 14% số mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR.

“Việc phân tích gene đã thực sự được đẩy mạnh ở Mỹ. Đây là điều rất tốt”, tiến sĩ Dana Crawford, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Case Western Reserve, bang Ohio, nói.

Tuy vậy, quá trình này khá tốn thời gian, kể cả khi được triển khai trên quy mô lớn. CDC thường mất 10 ngày để trả kết quả, tính từ khi nhận mẫu vật. Trong khi đó, cơ quan y tế bang Ohio cho biết họ mất “tối thiểu 3-4 tuần” để thực hiện quy trình, từ lấy mẫu đến phân tích.

Giờ đây, khi các nhà khoa học biết họ cần phải tìm kiếm chủng virus nào, quá trình này sẽ được đẩy nhanh. Khi xét nghiệm PCR, biến chủng Omicron tạo ra khác biệt nhỏ so với biến chủng Delta đang thịnh hành, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nhận diện.

Những người đến từ nước ngoài có khả năng nhiễm biến chủng Omicron cao hơn, do đó họ được ưu tiên xét nghiệm và phân tích gene nếu mắc bệnh. Ảnh: Bloomberg.

Những mẫu bệnh phẩm có nguy cơ cao (như của người về từ nước ngoài) cũng sẽ được ưu tiên. Đây là lý do ca bệnh ở bang California được phát hiện nhanh chóng. Người bệnh về từ Nam Phi hôm 22/11, có triệu chứng từ hôm 25/11, rồi nhận kết quả xét nghiệm dương tính hôm 29/11, được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron 2 ngày sau đó.

“Sự chuyển mình nhanh chóng của hệ thống phân tích gene của Mỹ là ví dụ cho thấy hệ thống của chúng ta đã chuyển biến tích cực thế nào chỉ trong một vài tháng”, tiến sĩ Crawford nói.

Những điểm mù

Tuy vậy, hệ thống trên vẫn còn những lỗ hổng, “điểm mù” nhất định. Một số khu vực có khả năng phân tích gene nhanh chóng với số lượng lớn, nhưng một số nơi thực hiện chậm chạp hơn.

“Một số bang đang bị tụt lại phía sau”, ông Massimo Caputi, nhà virus học phân tử thuộc Đại học Florida Atlantic, nói.

Trong 90 ngày qua, bang Vermont giải được trình tự gene của 30% số ca bệnh. Tỷ lệ này ở bang Massachusetts là 20%. Tuy vậy, con số này ở các bang Kentucky, Pennsylvania, Ohio, South Carolina, Alabama và Oklahoma hiện ở mức dưới 3%, theo GISAID.

Ngoài ra, các nhà khoa học chỉ có thể phân tích các ca bệnh được phát hiện. Trong khi đó, nước Mỹ đang gặp khó khăn trong khâu xét nghiệm.

“xét nghiệm là mắt xích yếu nhất trong công tác chống dịch của Mỹ”, tiến sĩ Eric Topol, chuyên gia dịch tễ học tại bang California, nói. “Điều này xảy ra từ những ngày đầu tiên”.

Nước Mỹ gặp khó khăn trong khâu xét nghiệm từ những ngày đầu. Ảnh: Reuters.

Dù được cải thiện nhiều so với thời kỳ đầu, việc xét nghiệm ở Mỹ vẫn bị coi là không đủ. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ xét nghiệm nhanh và xét nghiệm tại nhà gia tăng, các nhà khoa học sẽ không có mẫu bệnh phẩm để phân tích gene.

“Nếu xét nghiệm nhanh tại nhà không được tiếp nối bởi xét nghiệm PCR, ca bệnh này sẽ không được phân tích gene” tiến sĩ Joseph Fauver tại Đại học Nebraska cho biết. “Vấn đề này không quá lớn, nhưng có thể sẽ tạo nên điểm mù”.

Ngoài ra, có những nguyên nhân khác có thể khiến các ca bệnh chưa được phát hiện.

“Có thể các bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ. Do đó, họ không đi xét nghiệm và không được phân tích trình tự gene”, bà Janet Robishaw, phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y học, Đại học Florida Atlantic, nói.

Cũng có khả năng biến chủng mới chưa lây nhiễm mạnh trong cộng đồng tại Mỹ. Số chuyến bay giữa miền Nam châu Phi và Mỹ ít hơn nhiều so với châu Âu, giúp Mỹ phần nào an toàn hơn trước biến chủng mới.

Bên cạnh đó, Mỹ chỉ nới lỏng các hạn chế di chuyển đối với công dân châu Âu và Nam Phi kể từ đầu tháng 11. Hành khách từ những khu vực trên vẫn cần có cả chứng nhận tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm âm tính để được di chuyển.

Biện pháp này giúp giảm tỷ lệ người bệnh tới Mỹ trong thời gian qua.

“Việc biến chủng Omicron lây lan chậm hơn ở Mỹ là có thể hiểu được”, tiến sĩ Caputi nói, “Tuy vậy, tôi nghĩ các nhà khoa học sẽ sớm tìm ra các ca bệnh mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật