Chưa làm căn cước công dân, có được cấp tài khoản định danh điện tử?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bạn đọc hỏi đang sử dụng CMND, có được có được cấp tài khoản định danh điện tử để thay thế CCCD hay không?
Chưa làm căn cước công dân, có được cấp tài khoản định danh điện tử?
Ảnh minh họa

Tôi nghe mọi người nói tài khoản định danh điện tử mang lại nhiều tiện ích, những tiện ích đó là gì? Tôi đang sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) vì vẫn còn hạn sử dụng. Tôi nghe nói tài khoản này có thể sử dụng thay thế căn cước công dân gắn chíp (CCCD). Tôi xin hỏi chỉ với CMND có được cấp tài khoản định danh điện tử để thay thế CCCD hay không?

Bạn đọc Quang Dũng (quận Tân Phú, TP.HCM, hỏi:

Luật sư Bùi Thị Quỳnh Yên, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) mang lại rất nhiều tiện ích trong cuộc sống. Không những mang lợi ích của công dân mà còn góp phần phục vụ các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước được nhanh chóng, tiện lợi.

Sử dụng TKĐDĐT giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm các thủ tục trong giao dịch hành chính công.

Người dùng TKĐDĐT sẽ đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID. Theo đó, các tiện ích mà ứng dụng mang lại như: Tích hợp thông tin thẻ CCCD, thông tin thẻ bảo hiểm y tế, thông tin giấy phép, đăng ký xe, hỗ trợ thông báo lưu trú trực tuyến, tin báo tố giác tội phạm trực tuyến, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia… Vì vậy TKĐDĐT được xem “CCCD trên mạng” hay “Ví giấy tờ điện tử”.

Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) là người từ đủ 14 tuổi trở lên, trường hợp chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Khi đăng ký TKĐDĐT không bị mất phí.

Tài khoản định danh điện tử có hai mức độ.

TKĐDĐT mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh và chân dung. Đối với người nước ngoài thì có thêm các thông tin về quốc tịch; thông tin về hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Với mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng).

TKĐDĐT mức độ 2 gồm những thông tin ở mức độ 1 và có thêm thông tin về sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.

Với mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả tiện ích được cung cấp như tích hợp các loại giấy tờ (giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe, bảo hiểm y tế (BHYT), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng BHXH, BHYT, chuyển tiền). Nếu có TKĐDĐT khi thực hiện thủ tục hành chính người dân không phải xuất trình các loại giấy tờ trên.Vì vậy, TKĐDĐT có thể xem như là “ví giấy tờ điện tử.

Việc sử dụng TKĐDĐT mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD. Vì thế nên TKĐDĐT được xem như “CCCD trên mạng”.

Bạn muốn được cấp TKĐDĐT thì phải có CCCD. Nếu chưa có CCCD thì theo điểm b, khoản 2 điều 14, nghị định 59/2022 quy định: Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD với trường hợp công dân chưa được cấp CCCD.

Như vậy, Việc đăng ký TKĐDĐT là không bắt buộc. Tuy nhiên, với tiện ích trên thì bạn nên đi làm CCCD để được cấp TKĐDĐT. Khi đó, TKĐDĐT sẽ được cấp cùng với CCCD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật