Tập trung xây dựng và hoàn thiện Đề án Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hải, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án QH điện tử họp phiên thứ 3.
Tập trung xây dựng và hoàn thiện Đề án Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc phiên họp.

QH số là xu hướng tất yếu

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nêu rõ, xây dựng Đề án QH điện tử hướng đến QH số là xu hướng tất yếu của QH ở tất cả các nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở tất cả các hoạt động của QH thời gian gần đây đạt kết quả tích cực được đại biểu QH, cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, là tiền đề để xây dựng và thực hiện QH điện tử, hướng đến QH số trong thời gian tới.

Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, trước mắt cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Đề án là căn cứ cụ thể, có các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng QH điện tử, hướng đến QH số.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo về đề cương Đề án và kết quả triển khai Đề án QH điện tử và một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin thành phần thuộc Đề án QH điện tử.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, về bản chất, chuyển đổi số trong hoạt động QH hay QH điện tử chính là việc thay đổi “luật chơi” trên môi trường điện tử.

Do đó, vấn đề đặt ra khi xây dựng QH điện tử thì phải rà soát để kiến nghị sửa đổi quy định thực định có liên quan để bảo đảm phù hợp và thuận lợi cho quá trình vận hành. Cùng với đó, QH điện tử phải đồng hành với Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong tổng thể chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Thể chế phải đi trước một bước

Tán thành với ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, điều cốt lõi chuyển đổi số trong hoạt động QH là thay đổi nhận thức và tác phong, phương thức làm việc rất lớn, khi dữ liệu nhiều lên rất nhiều với hỗ trợ của công nghệ kĩ thuật thì nhiều vấn đề sẽ không còn theo quy trình truyền thống nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp.

Do đó, thể chế phải đi trước một bước, trong nhiệm vụ đặt ra trong Đề cương phải có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi các quy định về quản lý, quy chế hoạt động, quy trình hoặc các văn bản quy phạm Pháp Luật có liên quan.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, QH điện tử không chỉ tập trung về mô hình công nghệ thông tin để chuyển đổi quy trình, thủ tục làm việc mà còn tập trung ở nhiều yếu khác như yếu tố con người, quy trình thủ tục, cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu, trong đó có hướng tới mối quan hệ của QH với các chủ thể khác, nhất là QH với cử tri và người dân.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng QH điện tử cần tạo môi trường để QH tương tác với cử tri và người dân, trong đó có tiếp xúc cử tri trên môi trường mạng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện của QH và tăng cường trách nhiệm của người đại biểu QH.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải biểu dương những cố gắng của Tổ giúp việc; đề nghị các đơn vị tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, nghiên cứu, xây dựng Đề cương Đề án và Khung kiến trúc QH điện tử để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH.

Phó Chủ tịch QH lưu ý, Văn phòng QH cần triển khai xin ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ quan chuyên môn về Đề cương Đề án; tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là ở các quốc gia phát triển và có điều kiện tương tự như nước ta để hoàn thiện Đề cương Đề án; triển khai các dự án công nghệ thông tin đúng theo quy định Pháp Luật và chỉ đạo của Lãnh đạo QH...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật