Chuyện bất ngờ tại bưu điện

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là vào tháng 2 năm 2020, khi một bệnh dịch đã xảy ra trên thế giới, các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới, tuyên bố cách ly.
Chuyện bất ngờ tại bưu điện
Ảnh minh họa.

Tôi đứng xếp hàng tại một bưu điện. Tôi chờ khi số của mình hiện lên bảng điện tử để có thể đưa những cuốn sách nhỏ có chữ ký của mình vào ô cửa nhỏ gửi cho người đang rất chờ đợi chúng.

Bầu không khí trong bưu điện thật nặng nề với những câu trách mắng. Bên mỗi ô cửa nhỏ là các cuộc xung đột khác nhau. Có ai đó đã bị mất bưu kiện, có người thì thô lỗ với nhân viên và cô ấy đang cố gắng lập ra những giới hạn, nhưng kết quả chỉ như là cô ấy đang đổ thêm dầu vào lửa.

Có người nào đó đang nhặt lại những mảnh ghép của một gói hàng bằng bìa carton đã bị nát vụn rồi sợ hãi và chửi thề. Sự căng thẳng chung được cảm nhận bằng thể chất, nó đang hòa lẫn vào không gian khiến cho bầu không khí trở nên đặc quánh lại như thạch và khiến cho người ta thấy khó mà thở thoải mái được.

Đó là vào tháng 2 năm 2020, khi một bệnh dịch đã xảy ra trên thế giới, các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới, tuyên bố cách ly. Mọi người hiểu rằng thảm họa đang ập đến, hậu quả của nó sẽ giáng xuống mỗi nhà và trong mỗi gia đình. Nỗi sợ hãi tràn ngập trong không khí cùng với việc tích tụ sự tức giận và cáu bẳn ngày càng tăng.

- Ở đâu? Nó ở đâu, tôi đang hỏi cô đấy? Tôi đợi gói hàng từ thành phố lân cận suốt cả tháng rồi!!!

- Có ai nghĩ ra được cái thói quan liêu vớ vẩn này không? Việc này đã được làm theo kiểu gì thế?

- Tên cô là gì? Tôi sẽ làm đơn khiếu nại!

Ở mỗi ô cửa nhỏ là một cuộc nổi loạn. Nhưng trên thực tế thì cuộc nổi loạn không phải là ở bên các ô cửa, mà là ở bên trong mỗi con người. Có điều là nó không được nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ có những tia chớp của nó bùng phát ra ngoài thành những lời độc thoại gay gắt như vậy.

Tôi muốn gửi gói hàng cho thật nhanh để rời đi. Thật không thể chịu nổi khi ở trong tâm điểm của những cơn giận dữ đang bùng cháy này. Tôi hiểu rằng những người này bức xúc không phải cho hạnh phúc và sự bình yên của ngày mai, mà bởi họ đang đấu tranh - đấu tranh cho hạnh phúc này - nhưng nó không đến. Và rồi sau đó cơn khủng hoảng ập đến và thậm chí nó bỏ lại con đường đã đi qua, như thể đưa người ta trở lại điểm xuất phát vậy. Ở đó làm sao có được niềm vui.

Đột nhiên, một cô gái vừa khóc vừa chạy vào bưu điện rồi lao đến ô cửa số 3. Ở đó đang bận, một người đàn ông nào đó đang nhận bưu kiện, nhưng cô gái dường như không để ý đến ông ta:

- Cô đã bán cho tôi một chiếc hộp rỗng! - cô gái nức nở - Không có chiếc máy bay trực thăng trong đó!!! Tôi đã mua nó cho đứa con, ở nhà chúng tôi đã mở hộp ra, nhưng nó trống rỗng! Đứa bé khóc nức lên mà tôi không dỗ được. Rồi nó ngủ thiếp đi, còn tôi thì đến đây… Cô hãy đổi lại nhanh lên, chứ nó ở nhà một mình, bà hàng xóm đang trông chừng nó…

Trên tay cô là hộp đựng chiếc trực thăng đồ chơi. Mới đây người ta bán đồ chơi ở trong bưu điện, trên các kệ hàng ngay trong sảnh là các thứ như xe tăng, máy bay, tàu thủy đựng trong những hộp nhựa. Trọng lượng của chúng nhẹ và rõ ràng là cô gái đã mua chiếc trực thăng và nghĩ rằng nó rất nhẹ nên không biết là bên trong hộp không hề có nó.

Cô nhân viên trong ô cửa bối rối giải thích:

- Nhưng tôi không thể đổi được đâu, xin lỗi chị. Trên mỗi chiếc hộp đều có mã vạch riêng. Nếu như tôi đổi - giống như là tôi mua cho chị một chiếc mới bằng tiền của tôi - và người ta sẽ trừ vào lương của tôi, mà nó thì chỉ là một thứ nhỏ nhặt… Chị có thể làm đơn…

- Làm đơn gì chứ??? Tôi đã mua một chiếc hộp rỗng ở chỗ cô với giá 700 ruble, tôi đã làm cho con tôi phải buồn, khiến tôi rơi nước mắt, tôi yêu cầu chị trả lại đồ chơi cho tôi! - cô gái run lên vì phẫn nộ.

- Có lẽ một vị khách nào đó đã cầm lên rồi lấy trộm món đồ chơi - cô nhân viên bưu điện nói vẻ thông cảm. - Các kệ hàng đặt ở sảnh, tại khu vực ra vào. Cần xem camera… Tôi rất tiếc, nhưng chúng ta cần làm thủ tục…

- Con tôi đang ở nhà một mình! Chúng ta sẽ làm những thủ tục gì??? - cô gái nức nở. - Hãy trả lại chiếc trực thăng…

- Xin lỗi - người phụ nữ trong ô cửa sẵn sàng giúp đỡ, nhưng trong khả năng có hạn của mình. - Tôi lấy làm tiếc vì điều đã xảy ra, rằng có ai đó đã lấy trộm…

- Tôi không quan tâm việc có người đã lấy trộm! Tôi sẽ nói gì với con tôi đây??? Nói rằng, các người không thể đảm bảo an ninh, và con trai tôi là người có lỗi? Tôi một mình nuôi con, và tôi đã tiết kiệm những đồng tiền cả tháng trời, rồi bây giờ thì nó không có đồ chơi…

Cô gái đang chìm trong nỗi tuyệt vọng. Cô khóc tức tưởi như thể chính cô là người đã làm mất chiếc trực thăng. Tôi cảm nhận được bằng thực thể nỗi đau của người mẹ.

Có vài lần tôi đã nhìn thấy cô và con trai cô trong khuôn viên nhà trẻ. Con trai của cô ấy là một cậu nhóc hoạt bát, nghịch ngợm như bất cứ một bé trai bốn tuổi nào - nó là ý nghĩa cuộc sống, là niềm vui của cô ấy. Cô sẵn sàng làm mọi thứ vì nụ cười của con mình.

Minh họa/INT

Và thế rồi, bằng những đồng tiền - có thể là cuối cùng, cô ấy đã mua chiếc trực thăng. Không chỉ là một chiếc trực thăng - mà là một niềm vui được nối dài đúng lúc cho con trai. Nó sẽ “bay” với chiếc trực thăng đó khắp căn phòng và tận hưởng sự háo hức trẻ thơ của mình. Còn cô ấy sẽ đắm chìm trong niềm vui của con và cô rạng ngời vì điều đó mà không tiếc bỏ tiền ra.

Nhưng thay vì chiếc trực thăng, con trai cô lại nhận được một chiếc hộp trống rỗng. Điều đó thật không công bằng. Cậu bé bốn tuổi phải được bảo vệ khỏi những sự cố như vậy của cuộc đời. Cuộc hôn nhân của cô hóa ra là một chiếc hộp hạnh phúc trống rỗng. Bên ngoài chiếc hộp có vẽ một gia đình hạnh phúc và một ngôi nhà - một chiếc bát đầy đặn. Vậy mà thực tế bên trong - là sự trống rỗng.

Và giờ đây cô ấy một mình đối mặt với con trai, không có sự giúp đỡ và hỗ trợ, và không có cả nơi để có thể viết đơn hoàn lại tiền, để trả lại thời gian đã mất và những giọt nước mắt. Nhưng bản thân cô - một người phụ nữ trưởng thành, và những tình huống như vậy đến với những người trưởng thành để trải nghiệm. Còn đối với bọn trẻ? Vì lẽ gì mà con trai cô có chiếc hộp rỗng?

Tôi rời khỏi hàng và đi tới các kệ hàng, nơi bày đồ chơi là những chiếc xe. Tôi tìm một chiếc trực thăng giống hình vẽ trên chiếc hộp trong tay cô ấy.

- Thế có chiếc trực thăng như vậy không? - tôi hỏi người phụ nữ bên trong ô cửa. - Tôi rất cần mua.

- Không, chỉ còn những thứ đang bày trên đó thôi.

- Cô gái - tôi quay sang người mẹ vẫn đang khóc. - Thế ngoài chiếc trực thăng thì chàng trai nhỏ của cô còn thích thứ gì? Tôi muốn tặng cho cậu bé. Đây là tàu hỏa. Máy bay. Xe tải. Tàu thủy. Thứ gì nào?

- Không, anh nói gì vậy! - cô gái sợ hãi. - Anh làm gì ở đây?

- Tôi chẳng có gì để làm. Tôi chỉ muốn tặng quà cho trẻ con thôi. Không phải tặng cô, mà tặng cho con trai cô. Xin đừng từ chối tôi niềm vui này. Thôi nào, mạnh dạn lên, chúng ta sẽ lấy thứ gì? Cậu bé sẽ thức dậy mà không thấy mẹ…

- Chắc là, máy bay - cô gái lấy mu bàn tay lau nước mắt.

- Tuyệt lắm, tôi có thể mua chiếc máy bay mà không cần xếp hàng không? - tôi hỏi và tất cả mọi người ở tất cả (tất cả!) các ô cửa đều nhường chỗ cho tôi!

Người đàn ông đang cầm bưu kiện ở ô cửa thứ 3 bỗng nhiên hiểu ra:

- Còn tôi thì cần một chiếc xe tải! Tôi muốn một chiếc xe tải thế này từ lâu rồi! Con trai cô tên là gì?

- Slavik.

- Từ lâu tôi đã muốn có một chiếc xe tải như thế này cho Slavik.

- Anh nói gì vậy, tôi không thể làm thế… - người mẹ rưng rưng nước mắt và lúc lắc đầu ngờ vực.

- Cô có thể. Như một sự bù đắp, chiếc trực thăng đã biến thành chiếc máy bay - xe tải chở hàng.

- Vậy thì bây giờ chúng tôi sẽ lấy chiếc tàu hỏa - một người mẹ có hai đứa con tuổi teen dứt khoát lấy chiếc tàu hỏa ra khỏi kệ hàng.

- Còn tôi thì lấy chiếc tàu thủy! - một người phụ nữ quàng chiếc khăn sáng màu nói.

- Còn tôi thì lấy món đồ chơi quen thuộc, tôi sẽ lấy đồ ngọt cho Slavik - bà cụ có nụ cười dễ mến nói.

Ở bên ô cửa số 3 là hàng người. Cả hàng người - vẫn là những con người thậm chí còn đang trong cơn khủng hoảng. Trong khủng hoảng điều đó sẽ khó khăn hơn, bởi nó đáng sợ hơn cho ngày mai của mình.

Và không rõ liệu bạn có cho phép mình hào phóng hay không. Nhưng ý nghĩa của sự hào phóng không nằm ở ví tiền, mà ở chỗ nó là một chức năng cố hữu của tâm hồn. Nó không lụi tàn trong hoạn nạn, mà còn bùng cháy rực rỡ hơn.

Năm phút sau, người mẹ của Slavik lại khóc nức nở. Trên tay cô gái là đồ chơi của đủ các loại phương tiện giao thông, thêm cả bánh quy và mứt. Đó đã là những giọt nước mắt khác cùng với sự dịu dàng, ngỡ ngàng nào đó… Cô như một bé gái nhỏ vừa tìm lại được niềm hạnh phúc của mình.

Tôi hình dung rằng cậu bé đang buồn phiền Slavik khi thức giấc và nhìn thấy những món quà xa hoa này sẽ thế nào. Rồi trong phút chốc cậu sẽ trở thành người hạnh phúc nhất trên thế gian. Mà, cũng có thể là trong một thời gian dài. Và có thể, là mãi mãi. Và người mẹ của cậu cũng học cách là người hạnh phúc. Và cô sẽ hiểu rằng, chiếc hộp gia đình của cô - chứa đựng biết bao tình yêu thương!

Những ai nghĩ đo đếm sự giàu có bằng tiền bạc thì họ rất sợ đánh mất chiếc ví của mình. Nhưng sự giàu có cũng thực sự đa dạng! Nếu bạn có ai đó để yêu thương, nếu bạn là một liều vitamin tâm hồn của ai đó, nếu trái tim của bạn tràn đầy lòng tốt, nếu như có gia đình ở bên, nếu có ít nhất một người đang chờ tin của bạn - thì bạn là một người rất - rất giàu có, và không một sự khủng hoảng nào còn đáng sợ đối với bạn.

Chúng tôi tiễn người mẹ đang khóc vì hạnh phúc của Slavik rồi lại tản ra khắp sảnh để chờ đến lượt mình. Nhưng trong bầu không khí của sảnh có điều gì đó đã thay đổi một cách tinh tế. Ở bên mỗi ô cửa mọi người mỉm cười với nhau.

- Bưu kiện của anh đã tìm thấy rồi đây này!

- Bên trong đó có kẹo, tôi sẽ đãi mọi người ngay bây giờ …

- Cảm ơn vì đã làm việc hiệu quả.

Tôi đứng đó và mỉm cười. Và tôi không vội rời đi. Dường như tôi đang được tắm trong biển người, và tôi thích bờ biển này. Biển vẫn sống trong mỗi người chúng ta, và rất đáng lo ngại khi chúng ta quên mất nó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật