Gói ghém yêu thương

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhờ nghề đan áo, mẹ tôi đã chèo chống gia đình, vượt qua những năm túng bấn thời bao cấp...
Gói ghém yêu thương
Minh họa: Vietpink

Ngày ấy còn bé nhưng tôi vẫn nhớ đời sống của giáo viên thời bao cấp rất khó khăn. Mẹ tôi phải làm thêm.

Cô giáo “chân yếu tay mềm” mẹ không thể lao động nặng nhọc, cũng không dạn dĩ, lọc lừa để chạy chợ hay ra “đứng” cửa hàng mậu dịch mua đi bán lại như người ta. May mà mẹ khéo tay, giỏi nữ công gia chánh nên mẹ chọn nghề may, đan len, thêu thùa để có thêm thu nhập.

Hàng đêm, chấm chữa, soạn bài xong, mẹ tôi đan len đến nửa đêm mới đi ngủ. Gia đình có cái đài nhỏ xíu chạy pin bố tôi mua ở “chợ trời” về, mẹ vừa nghe đọc truyện đêm khuya vừa đan áo thuê. Ở nông thôn không có điện nhưng mẹ vẫn đan thoăn thoắt như máy, dưới ánh đèn dầu tù mù. Những lúc đài hết pin mà chưa kịp mua pin trong cửa hàng thương nghiệp vì muốn mua phải xin giấy giới thiệu, mẹ đem truyện ra vừa đọc cho chúng tôi nghe, vừa đan áo. Anh em tôi bước dần vào giấc ngủ say lúc nào không biết.

Để giúp mẹ, anh em tôi ngồi tháo len từ những tấm áo cũ của khách hàng đem đến, cuộn lại thành từng viên tròn tròn như nắm xôi. Chẳng là, không có tiền mua len mới, khách hàng muốn tận dụng hai, ba cái áo cũ, tháo ra chắp nối và pha màu để đan thành áo mới. Nhiều chiếc áo như vậy chèn ba bốn màu, nếu biết phối thì vẫn đẹp.

Thỉnh thoảng, tôi thấy người bạn học cùng lớp, mặc một chiếc áo len đan duy nhất một màu không pha phối chi hết. Cái áo ấy không có tay, giống kiểu áo “trấn thủ” ngày xưa, vì len tháo ra từ áo của người lớn bị đứt và hao hết rồi!

Hồi đó, những phụ huynh nghèo thường mang áo len cũ đến, yêu cầu mẹ tháo ra và đan thành hai chiếc cho con. Có khách hàng khó tính yêu cầu đan dày múi, mẹ phải ngồi chuốt những cây kim đan bằng “tre” nhỏ như chiếc đũa con, dao sắc đứt tay chảy máu.

Mẹ tôi giỏi nhắm người, tính liệu khéo nên vừa trả hàng đúng hẹn vừa được khách cảm ơn khi từ áo cũ mà đan thành hai áo len nho nhỏ nhìn vẫn đẹp như thể mới tinh. Vì vậy, nhờ nghề đan áo, mẹ tôi đã chèo chống gia đình, vượt qua những năm túng bấn thời bao cấp.

Sau giải phóng vài năm, thị trường len ngoại bắt đầu phong phú. Nghề gia công hàng len bằng máy phát triển. Những chiếc áo len đan máy lập tức thu hút nữ sinh thành phố. Ai cũng muốn có chiếc áo len màu “hot” nhất của năm. Giá chiếc áo len ngoại ấy bằng năm tháng lương cô giáo.

Qua năm tám mươi của thế kỷ trước, những tổ nhóm, hợp tác xã đan len ở phường (tập trung ở thành phố) bắt đầu hình thành. Các đoàn thể huy động vốn mở những cơ sở đan máy nho nhỏ, tạo việc làm cho lao động nữ. Nhưng hoạt động phập phù “ba chìm bảy nổi”, rồi tan vỡ bởi không thấy đầu ra. Rốt cục, nghề đan len bền vững ở hình thức gia đình. Dành dụm mãi mẹ tôi mới đủ tiền mua được cái máy đan 2 dàn để dệt bo áo và phối màu…

Bây giờ đời sống khấm khá gần như không còn nhìn thấy các bà, các chị đan len để kiếm phụ thêm. Có nhiều việc mới nhẹ nhàng và thu nhập cao hơn để nâng cao đời sống nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro chứ không chân chỉ, mộc mạc như nghề đan len. Và nhất là không còn ai đan len thì trẻ nhỏ bây giờ cũng không có cơ hội vừa tán chuyện vừa tháo áo len cũ và cuộn lại để mẹ đan lại thành áo mới và xúng xính chờ đón Xuân.

Trước Tết, đi mua cho con những chiếc áo ấm hàng hiệu, tôi nhớ chiếc áo mẹ đan cho thuở nào. Chiếc áo mẹ đan không đẹp, không sang mà ấm áp vô cùng. Trong từng đường kim sợi chỉ ấy luôn gói ghém biết bao yêu thương của mẹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật