Những người được lợi khi du lịch Phuket “thất thủ”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đất nước đóng cửa biên giới trong 8 tháng giúp việc đánh bắt cá của người Chao Lay trở nên dễ dàng hơn.
Những người được lợi khi du lịch Phuket “thất thủ”
Đất của người Chao Lay thuộc khu vực bãi biển Rawai, ngày nay là một điểm nóng du lịch. Ảnh: AFP

Covid-19 tàn phá ngành công nghiệp du lịch khắp thế giới. Phuket, điểm đến nổi tiếng nhất Thái Lan, từng đón hơn 9 triệu lượt khách năm 2019, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng đối với người Chao Lay (hay những Digan biển) sống tại Phuket, đây lại là khoảng thời gian đáng mơ ước. Họ có thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống thảnh thơi, thoải mái trước khi du khách lại đổ xô đến.

Sanan Changnam cho biết nhờ vắng khách, cuộc sống của anh và những người Chao Lay trở nên dễ dàng hơn. Các tàu du lịch nằm đắp chiếu ở cảng, việc đánh bắt cá trở nên đơn giản hơn. Các ngư dân không phải lặn sâu xuống đáy biển như trước mới tìm được cá. Điều này khiến công cuộc mưu sinh của họ đỡ nguy hiểm hơn. Họ cũng đánh bắt được nhiều cá hơn.

Dưới làn nước màu ngọc lam của biển Andaman, Sanan Changman, 42 tuổi, đang lặn bắt cá và các động vật có vỏ với một cây giáo trong tay. Người ngư dân đeo mặt nạ nối với một ống thở nhỏ - cho phép anh thở lâu khi lặn. Sau vài cú đạp nước, Sanan đã bắt được 3 con cá mú và trồi lên mặt nước.

Cũng nhờ vắng khách, các nhà chức trách bớt khắt khe hơn khi tàu của người Chao Lay đi vào trong các khu bảo tồn biển, hoặc gần các đảo nhỏ dành cho khách du lịch. "Trước đây, chúng tôi có nguy cơ bị tuần tra bắt giữ hoặc tịch thu thuyền", Alim, chú của Sanan cho biết. Những lần như vậy, họ thường phải lao từ lòng biển lên mặt nước quá nhanh, không đúng quy trình dành cho thời gian giảm áp. Điều này đối với các ngư dân lặn biển rất nguy hiểm. Nhiều người từng bị thương, thậm chí t‌ử von‌g.

Các gia đình Chao Lay tụ tập tại khu đất thiêng của họ, gần bãi biển Rawai và thực hiện việc thờ cúng. Ảnh: AFP

Hơn 1.200 người Chao Lay sống ở Rawai, một dải đất dài vài trăm mét sát bãi biển phía nam. Đây là đất mà tổ tiên của họ, những người đến từ Indonesia 300 năm trước sinh sống, rất lâu trước khi Phuket thành điểm du lịch nổi tiếng. Tuy vậy, mảnh đất sát biển đó ngày nay lại trở thành đất vàng để phát triển du lịch và nó nhanh chóng được các nhà đầu tư để mắt tới. Họ đổ xô đến đây xây dựng các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch... Sự bùng nổ du lịch khiến nguồn cá sụt giảm, ngư trường bị thu hẹp. Lối sống truyền thống của người Chao Lay bị đảo lộn và người dân có nguy cơ bị ép rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình, nhường đất cho các công trình.

Nhưng khi Covid-19 bùng nổ, mọi dự án xây dựng phải tạm ngừng. Hàng chục nghìn công nhân rời công trường để trở về nhà. Những ngư dân du mục biển lại được tận hưởng cuộc sống vốn có trước đây của họ. Ngim Damrongkaset, 75 tuổi, đại diện của cộng đồng Rawai, cho biết: "Tôi mong những điều này (việc xây dựng) sẽ chìm vào quên lãng. Họ muốn đuổi chúng tôi ra khỏi đất đai thuộc về mình, cũng ngăn chúng tôi kiếm sống trên biển". Đối với người Chao Lay, bãi biển là một không gian quan trọng, là nơi họ neo đậu những chiếc thuyền gỗ đầy màu sắc và là nơi cầu nguyện, tạ ơn tổ tiên.

Thành quả đánh bắt của ngư dân Sanan Changman ở khu vực ngoài khơi biển Phuket. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, du lịch phát triển trở lại, chắc chắn người Chao Lay vẫn phải tiếp tục đương đầu với việc đất đai bị xâ‌m lấ‌n. Nhưng cuộc chiến của họ với các nhà phát triển du lịch, được đánh giá là không cân sức. Nhiều người Chao Lay không thể đọc, viết và không biết rằng họ có quyền đứng tên đất đai của tổ tiên dưới tên mình. Nhiều gia đình ngày nay không có quyền sở hữu hợp pháp đối với mảnh đất họ đang sống, dù chính phủ đang cố gắng giúp họ chứng minh họ đã ở mảnh đất đó từ rất lâu trước khi có các nhà đầu tư. Một trong những động thái đó là chính quyền cho phân tích các bức ảnh chụp trên cao từ xưa cũng như lấy xương cốt của tổ tiên người Chao Lay chôn trên bãi biển làm bằng chứng. Việc chôn cất này là một truyền thống, để người chết vẫn có thể nghe tiếng sóng biển.
Narumon Arunotai, một nhà nhân chủng học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng chính phủ phải nắm bắt cơ hội do đại dịch mang lại để suy nghĩ về vấn đề của người Chao Lay. "Du lịch đại chúng ở Phuket là một thảm họa đối với dân Digan biển", cô nói.

Người Chao Lay được biển cả trao tặng những món quà độc đáo, giúp ích họ rất nhiều trong cuộc sống. Một nghiên cứu năm 2003, chỉ ra trẻ em Moken, một trong ba nhánh của người Chao Lay, có tầm nhìn dưới nước tốt hơn 50% so với trẻ em châu Âu. Và kinh nghiệm về môi trường đã giúp nhiều người trong số họ phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo của trận sóng thần kinh hoàng năm 2004 và bỏ trốn. Hầu hết người Chao Lay đã trốn thoát và giúp nhiều du khách đến nơi an toàn. "Chúng tôi mãi mãi là những đứa con của biển cả", Alim nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật