Triển vọng từ mô hình nuôi dê thả đồi ở Cam Lộ

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do địa phương phát động, thời gian qua, trên địa bàn xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, nhiều hộ nông dân đã tìm hướng chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp. Trong đó, điển hình có hộ anh Bùi Văn Tiến ở tại thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã thành công với mô hình nuôi dê thả đồi.
Triển vọng từ mô hình nuôi dê thả đồi ở Cam Lộ
Mô hình nuôi dê đang đem lại hiệu quả cho nhiều người dân ở Cam Thành, Cam Lộ - Ảnh: L.A

                            Xem Video: Nuôi dê ở vùng biển
                             

Đến thăm trang trại nuôi dê của anh Bùi Văn Tiến, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là đàn dê hơn 70 con được thả nuôi trong khu chuồng rộng nằm tách biệt giữa vườn cao su gần 4 ha. Trao đổi với chúng tôi anh Tiến cho biết, trước đây vợ chồng anh sống chủ yếu nhờ vào cây cao su. Những năm gần đây, khi giá mủ cao su xuống thấp, anh quyết định chọn con dê làm đối tượng nuôi để cải thiện kinh tế, tăng thu nhập. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, chỉ sau chưa đầy 3 năm, từ 8 con dê cái sinh sản ban đầu, đến nay đàn dê của anh đã tăng lên trên 70 con, trong đó có hơn 30 con dê cái sinh sản. Theo anh Tiến, nuôi dê vốn đầu tư ít lại quay vòng thu vốn nhanh; việc nuôi dê không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tại anh Tiến đã xây dựng được 2 khu chuồng nuôi rộng 200 m2, chuồng có sân được rào bằng lưới thép B40. Thiết kế các dãy chuồng sàn gần nhau, phía dưới sàn được đổ bê tông để tiện cho việc quét dọn giữ chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế được dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Bên trong các dãy chuồng sàn là các vách ngăn không cố định để tiết kiệm diện tích; linh động ngăn chia các ô chuồng khi cần thiết như dê cái đang mang thai hoặc dê mẹ đến kỳ sinh sản, dê đực đến tuổi xuất bán cần vỗ béo…

Theo anh Tiến, nguồn thức ăn cho dê rất phong phú nên anh chủ yếu nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên để dê tự tìm kiếm thức ăn. Hầu như tất cả các loại lá cây rừng đều có thể là thức ăn của chúng. Dê cũng có sức đề kháng cao, chịu khó tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả trong rừng trồng của gia đình. Vào buổi tối, khi lùa dê về chuồng, anh bổ sung thêm nước uống, các loại lá như mít, thân cây chuối trộn cám… cho đàn dê tùy vào các đối tượng dê trong đàn như dê mẹ có chửa, dê nuôi con bú, dê thịt vỗ béo sắp xuất chuồng… Sau 6 - 7 tháng nuôi, dê đực đạt trọng lượng từ 25 - 30 kg/con thì có thể xuất bán. Đối với dê cái, anh chọn lựa những con có ngoại hình đẹp để tăng đàn hoặc thay thế những con đẻ kém hay nhiều tuổi.

Hiện nay, trung bình một năm anh xuất bán ra thị trường hơn 50 con dê thương phẩm; ngoài ra anh còn cung cấp dê giống cho những hộ có nhu cầu nuôi. Với giá thịt dê trên thị trường từ 120.000 - 140.000 đồng/ kg, mang lại thu nhập cho anh hơn 150 triệu đồng/năm. “Trong thời gian tới tôi dự định tiếp tục mở rộng quy mô và cải tạo đàn, phát triển mô hình nuôi theo hình thức bán chăn thả để đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Tiến cho hay.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc đàn dê, theo anh Tiến, để nuôi dê thành công thì người nuôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo đúng phác đồ. Dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa; sàn chuồng cách mặt đất 0,5 - 0,8 m, chừa khe hở khoảng 1 - 1,5 cm để phân thải của dê lọt dễ dàng xuống đất. Một dê đực có thể phối giống được cho từ 20 - 25 con dê cái, nên hằng năm anh chỉ chọn lựa một con dê đực làm đực phối giống chuẩn và thường xuyên thay đổi dê đực để tránh gây ra hiện tượng cận huyết làm giảm chất lượng của đàn.

Chủ tịch UBND xã Cam Thành Lê Anh Chương cho biết, hầu hết diện tích đất đai của xã Cam Thành là đất đồi rừng. Do vậy, mô hình nuôi dê thả đồi được xem là hướng đi mới rất triển vọng trong khai thác tiềm năng vùng gò đồi của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Tuy nhiên, do người dân vẫn còn nuôi theo tính tự phát, việc ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc đầu tư con giống nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Nhằm từng bước xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, theo ông Chương, trước mắt địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê; xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi dê theo hướng tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, tham mưu UBND huyện Cam Lộ có các chính sách cụ thể giúp người dân cải tạo chất lượng đàn dê, đưa các giống dê cao sản vào nuôi thử nghiệm để từng bước hình thành đàn dê lai có phẩm cấp và năng suất tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật