Có những bản làng như thế

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong chuyến du ngoạn ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng (cả đi và về hơn 1.400 km) cùng mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh từ Vĩnh Long ra, ngoài được chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên như hồ Ba Bể, thác Bản Giốc, núi Mắt Thần (núi thủng), động và chùa Tam Thanh mà nhiều người đã nói đến, tôi còn rất ấn tượng, bị cuốn hút bởi những bản, làng độc đáo của người dân tộc thiểu số ở một số địa phương mà mình được mục sở thị.
Có những bản làng như thế
Ảnh minh họa

I.Bản trình tường Pò Kít

Bản Pò Kít, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, cách TP. Lạng Sơn gần 40 km. Mấy chục ngôi nhà của người Tày, Nùng ở bản lợp ngói âm dương, các bức tường xung quanh được xây cất từ các khuôn đất nện dài chừng một mét, dày 20-30cm xếp nối và chồng lên nhau.

Nghe kể, người ta néo hai ván gỗ rồi đổ đất nhão ướt, sau đó người dẫm lên hoặc dùng vồ nện như giã gạo cho khuôn đất chặt rồi đem phơi khô...

Nhà trình tường có từ bao giờ? Hỏi những ông già, bà cả ở đây họ nói, đại loại: Sinh ra người ta đã thấy những ngôi nhà như thế. Cả thế hệ trước họ cũng nói như thế... Như vậy, lịch sử những ngôi nhà trình tường ở bản Pò Kít có thể đã cả trăm năm, thậm chí hàng trăm năm(?).

Thời gian đã làm nhiều ngôi nhà trình tường hư hỏng, sụp đổ... chỉ còn trơ lại những bức tường đứng phơi nắng mưa. Đã xuất hiện ở Pò Kít nhiều ngôi nhà tường xây gạch mới nung, mái lợp tôn, lợp fibro xi măng... bên cạnh những bức tường và ngôi nhà cổ xưa. Rồi nữa, những bức tường gạch xỉ, ba banh ngăn cách giữa các nhà nọ, nhà kia... trông nó mới cọc cạch làm sao.

Bản trình tường Pò Kít có nét đẹp, độc đáo rất riêng hiếm hoi còn xót lại ở Lạng Sơn! Một nghệ sĩ nhiếp ảnh cùng đi đã dùng flycam ghi lại toàn cảnh bản trình tường Pò Kít từ trên cao và tải lên facebook. Ngay sau đó, có nhiều comment trầm trồ khen đẹp, cổ kính rồi không quên hỏi ở đâu, đường đến đó có khó đi? Có người còn thốt lên: Trông giống như một làng cổ nào đó ở châu Âu...

Tôi cũng thoáng có ý nghĩ như vậy khi “lạc” giữa các ngôi nhà trình tường. Tất nhiên bản Pò Kít không quy mô, cổ kính, ngăn nắp như ở một số làng mạc, thành cổ ở Italia, Đức, Pháp... mà tôi từng có dịp đặt chân đến!

Làm sao bảo tồn, giữ được những ngôi nhà cổ xưa còn lại, đồng thời khuyến khích người dân ở bản Pò Kít xây thêm những ngôi nhà trình tường mới là ý nghĩ của tôi. Vụng nghĩ, đó cũng là vấn đề đặt ra với chính quyền, cơ quan văn hóa, du lịch ở xã Khuất Xá nói riêng, huyện Lộc Bình và tỉnh Lạng Sơn nói chung!

Bản trình tường Pò Kít nghèo đến hoang sơ nếu cứ nhìn qua những ô cửa gỗ cũ kỹ có tuổi thọ hàng chục, hàng trăm năm, cửa chính của nhiều ngôi nhà chỉ là một bức liếp tre/nứa được cài ngang bởi một thanh cây khi mọi người đi làm vắng. Người dân bản Pò Kít thiếu tự tin với những hình ảnh, thực tế đó. Chẳng thế mà khi thấy chúng tôi đi vào làng tay cầm máy ảnh, nhiều người làng Pò Kít xua tay, bảo: Đừng chụp, chúng tôi xấu hổ lắm đấy!...

Để bảo tồn những ngôi nhà trình tường, trước hết chính quyền, các cơ quan liên quan các cấp ở Lạng Sơn cần phân tích để mọi người trẻ, già ở bản Pò Kít không tự ti mà hiểu và trân quý nét riêng, độc đáo của những ngôi nhà trình tường cổ xưa... đặng gìn giữ, bảo tồn và khôi phục nghề làm khuôn đất, phát triển thêm những ngôi nhà trình tường mới tăng theo số hộ gia đình của các thế hệ con cái mới trưởng thành.

Làm được như vậy, tin rằng bản Pò Kít sẽ trở thành một điểm văn hóa, du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Như thế Pò Kít mới từng bước giảm dần cái nghèo cố hữu ngự trị từ bao nhiêu năm nay!

II. Làng đá cổ Khuổi Ky

Làng đá Khuổi Ky cách thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) chừng 3 - 4 km. Làng rộng khoảng 10.000 m2 với 14 ngôi nhà đá cổ, các cột và tường đều xây bằng đá núi, mái lợp ngói âm dương. Trước làng là dòng Khuổi Ky bốn mùa nước xanh trong, sau lưng làng sừng sững dãy núi đá vôi um tùm cây - tài sản thiên nhiên ban cho mà từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) người làng Khuổi Ky đã khai thác đá để dựng nhà, xếp thành tường rào, rải lát lối đi rồi làm nhiều vật dụng như cối giã gạo, cối xay bột ngô, sắn...

Trải qua hàng thế kỷ, các ngôi nhà đá, tường đá làng Khuổi Ky đã cũ kỹ và long lở... nhưng vẫn còn nguyên nét cổ kính, trầm mặc vốn có. Hơn 10 năm trước, khi trào lưu du lịch phát triển, du khách trong nước và quốc tế đến với vùng biên ải, trong đó có thác Bản Giốc ngày một đông... chính quyền xã Đàm Thủy và làng Khuổi Ky đã cho xây cây cầu bê tông kiên cố, có mái ngói rất đẹp nối hai bờ Khuổi Ky và khuyến khích nhiều hộ gia đình tôn tạo, cơi mới những ngôi nhà đá thành những homestay đón khách.

Hiện, Khuổi Ky có 6 homestay hộ gia đình và 1 homestay cộng đồng (chung của làng). Đến với các homestay ở Khuổi Ky, người ta có thể nhìn, nghe các cô gái Tày đánh đàn tính, đảo phơi lúa, ngô, ngồi đun nấu bên bếp lửa hồng nghi ngút khói hoặc đan bện ghế ngồi từ rơm rạ sau mùa thu hoạch lúa. Nghề chính lâu nay của người Khuổi Ky là cấy lúa và trồng ngô. Dễ thấy điều đó bởi nhà nào cũng có hàng hàng, tầng tầng búi ngô, búi lúa treo lúc lỉu trước hiên nhà, chật kín khu vực bếp núc. Các homestay Khuổi Ky khá rộng rãi, ngăn nắp và có khu phụ khép kín. Ngoài một, hai phòng riêng nhỏ nhà nào cũng dành gian tầng hai chung được trải nhiều đệm cho khách du lịch ngủ qua đêm.

Khách đến các homestay Khuổi Ky, đến bữa có thể đi ăn ở gần đó hoặc đặt ăn ngay tại gia, sẽ có người phục vụ. Cơm gạo từ lúa nhà trồng được, gà nuôi trong chuồng, thịt bò, thịt trâu khô treo sẵn gác bếp, rau trồng ngoài vườn hoặc mua ở chợ... Chỉ sau một giờ đồng hồ là khách có thể quây quần ngồi chạm chén. Giá cả cũng phải chăng, mỗi bữa ăn chỉ trên dưới 100.000 đồng/người...

Khen cho chính quyền xã Đàm Thủy nói chung và làng đá Khuổi Ky nói riêng đã nhanh nhạy, biết tận dụng, khai thác nét độc đáo riêng của làng bản mình thành lợi thế riêng thu hút khách du lịch từ các phương trời xa đến thăm một đông hơn.

Với riêng tôi, đến một lần rồi nhớ. Và, còn thầm mong có thêm một lần nữa trở lại làng đá cổ Khuổi Ky, ngồi ăn bát cơm chín tới, miếng cháy vàng rộm thơm lừng được nấu từ chiếc nồi gang và củi lửa tại Quang Thuận Homestay của cô gái Tày Khon Mạc và chồng là Nông Văn Thơ - Người đứng bếp cởi mở và vui tính...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật