Chàng trai Thái Bình tình nguyện vào tâm dịch

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bị mắc kẹt trong phòng trọ ở thôn Ngọ, thị trấn Lai Cách - tâm dịch Cẩm Giàng, anh Phạm Đức Trưởng, 31 tuổi rủ vợ đi tình nguyện tham gia công tác chống dịch.
Chàng trai Thái Bình tình nguyện vào tâm dịch
Trưởng và vợ hiện ở trọ tại thị trấn Cẩm Giàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Xem Video: Vào "tâm dịch" Corona ở Vĩnh Phúc

Bữa cơm chiều cuối năm của vợ chồng Trưởng diễn ra trong im lặng bởi Cẩm Giàng là một trong những tâm dịch lớn nhất của đợt này. Chàng trai quê Thái Bình đột nhiên phá tan bầu không khí đặc quánh sự âu lo, bàn với vợ rằng mình sẽ ra đăng ký tình nguyện viên trực chốt kiểm soát chống dịch. "Lỡ lây nhiễm thì sao?", vợ anh, chị Vũ Thị Đan, 34 tuổi, phân vân. "Người trực chốt phải mặc đồ bảo hộ chứ, còn khỏe khoắn hơn ngồi một chỗ lo. Ở ngoài ấy nhiều bác lớn tuổi phải thức đêm lắm. Anh ra thay họ", Trưởng đáp. "Vậy hai vợ chồng mình cùng đi", Đan dứt khoát.

Anh Trưởng làm nghề mộc nên thường xuyên nay đây mai đó theo các công trình xây dựng, có khi nửa năm mới về thăm vợ, một công nhân ở khu công nghiệp ở Lai Cách, Cẩm Giàng, Hải Dương. Tháng Chạp, anh xong việc ở công trình nên về nhà trọ cùng vợ. Cặp vợ chồng tính qua 26 Tết, chị Đan được nghỉ sẽ về Quảng Ninh, Thái Bình thăm bố mẹ hai bên và các con riêng của chị.

Nhưng giữa tháng Chạp, dịch bùng phát ở Hải Dương. Trưởng và vợ xác định phải ở lại phòng trọ qua Tết. Những ngày đầu, hai vợ chồng chỉ quẩn quanh trong phòng trọ, lướt mạng giải khuây. Một lần anh tình cờ đọc được thông tin huyện Đoàn Cẩm Giàng tuyển thanh niên tình nguyện chống dịch.

"Ở hai đợt dịch hồi năm ngoái, việc kêu gọi thanh niên tham gia chống dịch không mấy khó khăn. Nhưng lần này vào đúng dịp Tết, dịch bệnh căng thẳng, nhiều gia đình không dám cho con tham gia nên nên lực lượng chống dịch thiếu rất nhiều người", một đại diện huyện Đoàn Cẩm Giàng bộc bạch.

Nghe đến hai chữ "thiếu người", Trưởng thấy anh "cần phải đi". "Mình sức dài vai rộng, lại rảnh, nên ra giúp một tay", chàng trai từng hai lần tham gia tình nguyện trực chốt khi dịch bệnh bùng phát tại Thái Bình, nói.

Sau bữa cơm chiều, hai vợ chồng dẫn nhau ra chốt đầu làng, cách chỗ trọ vài trăm mét đăng ký. Các cán bộ ở đó khuyên họ nên ra điểm chốt ở ngã tư Lai Cách, cửa ngõ thị trấn trực. "Trong thôn ít xe cộ, lại chỉ trực đến 10h khuya. Ở ngã ba xe cộ đi lại nhiều, thanh niên trẻ khỏe nên ra đó hỗ trợ", một cán bộ thôn động viên.

Anh Trưởng lại chạy xe hơn 2 km ra chốt A18, ngã tư Lai Cách, hướng Hà Nội - Hải Phòng xin gặp Bí thư huyện Đoàn. Vợ chồng anh nhận lịch trực ngay ngày hôm sau, Trưởng được giao trực xuyên đêm ở chốt kiểm dịch A18. Vợ anh trực từ 19h đến 22h tại một điểm chốt trong thôn.

Anh Trưởng đo thân nhiệt cho người dân ra vào chốt kiểm dịch tối 30 Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày đầu làm việc, chàng trai Thái Bình trùm cả người trong bộ đồ bảo hộ kín mít, găng tay, khẩu trang đầy đủ. Mới 7 giờ tối anh đã có mặt ở chốt, nhận nhiệm vụ đo thân nhiệt, khử khuẩn cho xe ra vào, cùng với bốn cán bộ khác. Nhưng trước khi làm việc, anh cầm chổi quét dọn một vòng trong ngoài và xung quanh lều tạm cho cán bộ. Sau đó, anh cầm bình xịt khử trùng các thanh berie, đồ dùng cần thiết. Từng hai lần tình nguyện chống dịch ở quê nhà, Trưởng bắt nhịp nhanh với công việc được giao.

Có xe tải, container đến, anh thanh niên tình nguyện đeo bình khử khuẩn nặng 30 kg lên vai, bơm sục khí rồi xịt một vòng khắp xe. Dịp giáp Tết, Hải Dương chưa phong tỏa, xe cộ qua lại đông đúc, tối nào cũng vài chục xe. Công việc đo thân nhiệt, khử khuẩn "vừa sức thanh niên" nhưng làm nhiều cũng khiến Trưởng rã rời. "Nhưng nhiệm vụ của tôi chẳng là gì so với các anh công an, bộ đội. Có hôm các anh vừa bê hộp cơm lên đã phải hạ xuống vì cần làm nhiệm vụ khi xe đến", Trưởng nói.

Đêm xuống, xe cô đã thưa, chiếc giường tầng ở chốt kiểm dịch, Trưởng nhường những người lớn tuổi. Anh và những người trẻ hơn mang ngô, khoai ra nướng, ngồi tám chuyện qua lớp khẩu trang để đỡ buồn ngủ.

Mạnh miệng thế nhưng hai ngày đầu đi trực về, chàng trai "mệt không ngủ được". "Vác bình khử khuẩn nặng nên đau ở vai, mỏi ở cổ, ở tay. Giờ quen thì thấy bình thường rồi", anh nói sau hơn 10 ngày tham gia tình nguyện.

"Trưởng là thanh niên nhiệt tình và trách nhiệm hiếm thấy. Cậu ấy làm mọi thứ như việc của nhà mình, không nề hà gì", anh Nguyễn Đình Bằng ở Bộ chỉ huy quân sự Hải Dương, người cùng trực tại chốt A18, nhận xét.

Đại diện huyện Đoàn Cẩm Giàng cho biết, anh Trưởng, chị Đan là cặp vợ chồng duy nhất ở ngoài huyện tham gia công tác chống dịch ở địa phương. Sự giúp sức của họ góp phần tuyên truyền cho phong trào tình nguyện tại Cẩm Giàng sôi nổi hơn.

Niềm vui lớn nhất của Trưởng là đêm giao thừa được các lãnh đạo cấp trên đến chốt mừng tuổi, động viên. "Công an, cảnh sát hay dân thường tình nguyện như mình cũng đều được quan tâm như nhau. Khi đã chống dịch thì cán bộ hay người dân cũng đều là một", Trưởng chiêm nghiệm.

Các cán bộ, đoàn viên tham gia trực tại chối kiểm dịch đối diện khu công nghiệp Đại An, thị trấn Lai Cách trang trí Tết, chào năm mới tại nơi làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khoảnh khắc giao thừa, anh xin rời vị trí ít phút, chạy xe về điểm chốt đầu làng mừng tuổi vợ. Chị Đan cùng chồng lên chùa thắp hương. Trời Cẩm Giàng phút chuyển giao năm cũ - năm mới vắng lặng. Năm nay, họ không chỉ cầu bình an cho gia đình, mà cho những người đang cùng chống dịch, cầu cho đất nước sớm vượt qua dịch Covid-19.

Nén nhang chưa tắt, Trưởng vội đưa vợ về nhà rồi quay lại với công việc. "Cái Tết đầu tiên vợ chồng cưới nhau. Thật đặc biệt", chị Đan bảo chồng. Vì sức khỏe yếu, lại muốn dồn sức cho chồng yên tâm chống dịch, sau Tết, vợ Trưởng xin ở nhà. Hàng ngày, chị cơm nước, giặt giũ để anh có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi tối, chị Đan mua khoai, ngô mang ra điểm chốt để chồng và các cán bộ nướng ăn đêm.

Buổi trưa một ngày tháng 2, trong phòng trọ nhỏ, tiếng chuông điện thoại bất chợt vang lên, chị Đan đi như chạy vào nghe máy: "Anh nhà tôi còn đang ngủ để tối nay đi chống dịch", chị khẽ thì thầm khi có người hỏi thăm chồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật