CEO HoSE: Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu sẽ giảm nghẽn

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tăng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, theo đại diện HoSE, là giải pháp giảm số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý.
CEO HoSE: Tăng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu sẽ giảm nghẽn
Ông Lê Hải Trà trong một lần trả lời báo chí gần đây. Ảnh: Quang Phúc.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết, giải pháp nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu đã được tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia. Nếu thực hiện, giải pháp này sẽ giảm số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HoSE.

"Các thị trường phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này. Theo tính toán, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lô cũng có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường", ông Trà cho biết.

Đầu năm 2021, lô tối thiểu cổ được nâng từ 10 lên 100 cổ phiếu. Ông Trà nói giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15-18%. Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000-16.000 tỷ đồng.

Giải thích về hiện tượng nghẽn hệ thống, đại diện HoSE cho biết, nguyên nhân chủ yếu do thanh khoản HoSE tăng đột biến từ cuối năm 2020. Nhiều phiên giao dịch thanh khoản gần gấp 4-5 lần mức cao nhất của quá khứ và 6-7 lần mức đầu năm 2020. Các công ty chứng khoán trong top 20 có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần.

"Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng nghẽn lệnh. Đây là thực trạng bất khả kháng", ông Trà giải thích.

Hệ thống giao dịch của HoSE có công suất tối đa 900.000 lệnh mỗi phiên, hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán. Trong đó, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng, 80% còn lại chia cho thành viên thị trường.

Ban đầu, hệ thống chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động). Sau đó, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất.

Việc phân bổ này nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến nếu có lỗi hệ thống của một công ty chứng khoán. Có thể xem đây là cơ chế tự bảo vệ và trong tình huống hiện nay, theo ông Trà, đã có hiệu quả tốt, giúp hệ thống giao dịch an toàn hơn trên bình diện toàn cục của thị trường.

Giải pháp xử lý triệt để vấn đề nghẽn hệ thống vẫn là thay mới. Đại diện HoSE cho biết các chuyên gia nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 12/2020 để triển khai công việc theo kế hoạch. Hiện nay, các chuyên gia đang kiểm tra lần cuối năng lực các thiết bị phần cứng, cài đặt các phần mềm và HoSE đã thông báo tới các công ty chứng khoán chuẩn bị kế hoạch kiểm thử.

Tuy nhiên, tiến độ này là trong điều kiện thuận lợi. Việc khai trương hệ thống mới sẽ còn phụ thuộc vào khá nhiều điều kiện khách quan, đặc biệt là rủi ro khó lường trước từ đại dịch Covid-19, điều thực tế đã gây chậm trễ việc triển khai năm 2020.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật