Nông dân lao đao vì rau mất giá

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày qua, không chỉ nông dân tại các tỉnh miền xuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ mặt hàng rau xanh, mà tại Lạng Sơn sức tiêu thụ cũng rất chậm, nông dân không tìm được đầu ra.
Nông dân lao đao vì rau mất giá
Giá rau xuống thấp nhưng không nhiều khách mua

Xem Video: Lao đao vì nông sản được mùa nhưng mất giá 

//

Bà Cao Thị Đông, tiểu thương tại chợ Bờ Sông, thành phố Lạng Sơn cho hay, gia đình vừa trồng vừa bán tại chợ nhiều năm nay. Mọi năm, thời điểm này, giá các loại cải ngồng bao giờ cũng ổn định từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Mỗi ngày, bán từ 2 đến 3 tạ cho khách du lịch cũng như gửi cho các mối ở những tỉnh lân cận. Tuy nhiên, năm nay, lượng hàng bán ra giảm, nhiều khách trả 5.000 đồng, 4.000 đồng, thậm chí 2.000 đồng/kg, cũng bán, miễn là bán được hàng.

Tại các chợ đầu mối của thành phố Lạng Sơn như: chợ Giếng Vuông, chợ Bờ Sông, giá rau xanh xuống thấp chưa từng có. Cụ thể, cà chua 1.500 đồng đến 5.000 đồng/kg tùy loại, cải bắp 10.000 đồng/3 cây, cải cúc 2.000 đồng/mớ, cải xoong 3.000 đồng/mớ, các loại cải ngồng 5.000 đồng/kg… Theo tìm hiểu của phóng viên, giá rau thấp nhưng lượng khách mua cũng không nhiều, chủ yếu chỉ bán lẻ cho người dân trên địa bàn thành phố phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.

Giá bán thấp, sức tiêu thụ giảm đáng kể nên tại một số vùng sản xuất rau ở huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, nông dân không thu hoạch mà để rau ra hoa, cà chua rụng đầy gốc. Anh Chu Văn Khoa, thôn Bắc Đông I, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Hiện trong vườn nhà còn hơn 1 tấn su hào cùng vài tạ bắp cải, cải ngồng. Thương lái không đến thu mua, rau củ hỏng nhiều, anh cố gắng thu hoạch chở ra chợ bán được ít nào hay ít đấy.

Với giá bán như hiện nay, người trồng rau hầu như không có lãi, thậm chí là lỗ nếu sản xuất trên diện tích lớn và phải thuê đất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích gieo trồng rau vụ đông cả tỉnh năm 2020 là 2.400 ha, sản lượng ước đạt trên 30.000 tấn, giá bán trung bình khoảng 5.000 đồng/kg, giá trị kinh tế ước đạt 150 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, diện tích gieo trồng tăng 161 ha, sản lượng ước cao hơn 2.000 tấn. Tuy nhiên, giá trị rau vụ đông năm 2020 chỉ bằng 45,4% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc tiêu thụ rau là do dịch Covid – 19. Những năm trước, dịp lễ hội xuân tỉnh Lạng Sơn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, thưởng thức ẩm thực và mua các loại rau xanh về làm quà thì năm nay, lượng du khách giảm mạnh. Điều này kéo theo nhu cầu tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn giảm.

Cũng do dịch bệnh nên trong năm 2020, lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh không đi lao động nước ngoài hay các tỉnh khác mà tập trung lao động sản xuất tại địa phương. Trong các loại nông sản họ tập trung sản xuất có rau xanh phục vụ nhu cầu của gia đình, phần dư thừa thì mang ra chợ bán. Thêm vào đó, các đợt nghỉ học, giãn cách để phòng dịch khiến các bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy, công ty dừng hoạt động, giảm công suất.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù tác động của dịch bệnh là đột biến và ngoài dự kiến nhưng để sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế, thời gian tới chúng tôi khuyến khích người trồng rau chủ động liên kết với nhau hình thành các nhóm sản xuất, hợp tác xã. Việc liên kết này cùng với sản xuất theo hướng an toàn VietGAP, GlobalGAP, đầu tư về bao bì, nhãn mác…, sản phẩm rau của nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội để vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị có uy tín, sản xuất theo đơn đặt hàng. Như vậy, sẽ chủ động được đầu ra cho sản phẩm, giá trị sản xuất được nâng lên, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Hơn nữa, bà con nông dân nên chú ý diễn biến thị trường, sức tiêu thụ để phát triển sản xuất một cách hợp lý, tránh sản xuất ồ ạt, tự phát dẫn đến cung lớn hơn cầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật