Đằng sau “màn kịch” của Pháp trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo bài viết trên trang mạng “Phương Đông” (Trung Quốc), chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp đã có từ lâu, song gần đây đã bộc lộ rõ nét hơn.
Đằng sau “màn kịch” của Pháp trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ảnh minh họa

Sự thay đổi cần thiết

Pháp đã tập trận chung với 4 nước Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trong 3 ngày ở vịnh Bengal. Đây là một tín hiệu quan trọng về an ninh quân sự và địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng là một động thái lớn khi Pháp liên kết với Bộ tứ để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cuộc đọ sức chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang diễn ra sôi động, Pháp có thể hiểu rõ hơn thực trạng của khu vực này và dự báo tính phức tạp của các sự kiện trong tương lai. Pháp thay đổi, tự xem mình là “nước lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Lãnh thổ Pháp cách rất xa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo quan niệm truyền thống của nhiều người, Pháp không phải là quốc gia thuộc khu vực này, mà thuộc Tây Âu về mặt địa lý.

Tuy nhiên, hiện Paris thay đổi quan niệm, tự xem mình là nước lớn quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bộc lộ rõ ý đồ, tích cực đóng vai trò chủ chốt trong việc “đa dạng hóa” quan hệ quốc tế.

Pháp không những là nước đầu tiên khởi xướng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu (EU), mà còn đang liên tục mở rộng vai trò của họ về quân sự, an ninh và kinh tế, thương mại sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bây giờ vẫn chưa đến thời điểm Pháp tung ra toàn bộ con bài ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phần lớn chỉ thể hiện một “chiến lược không rõ ràng”. Tuy nhiên, tính phức tạp và đa dạng trong chiến lược của Pháp cần được xem xét và đánh giá thận trọng.

Năm đặc điểm cốt lõi

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp có 5 đặc điểm lớn. Một là thể hiện rõ tính tiên phong. Tháng 5/2019, Pháp chính thức công bố Báo cáo chiến lược quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trên thực tế là một loạt quan điểm và những phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron về chiến lược này, được tổng hợp chắt lọc có hệ thống toàn diện.

Theo Báo cáo, bối cảnh quốc tế những năm gần đây thúc đẩy Pháp cần phải tích cực điều chỉnh chính sách. Cùng với việc trọng tâm chiến lược quốc tế dịch chuyển sang phía Đông, sự trỗi dậy nhanh chóng của các nước lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ…, vị thế của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong môi trường địa chiến lược quốc tế ngày càng quan trọng, đặc biệt là sau khi chính quyền Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp cần có chiến lược quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình.

Mục đích của động thái này là thể hiện rõ sự hiện diện của Pháp tại khu vực, từ đó có quyền phát ngôn của riêng mình trong bối cảnh địa chiến lược mới, tạo dựng lại vị thế nước lớn trên thế giới của Pháp.

Dưới sự dẫn dắt của Pháp, Đức và Anh đã hưởng ứng trên thực tế chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Năm 2020, Bộ Ngoại giao Đức công bố Phương châm chỉ đạo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng 3/2021, Đánh giá chính sách ngoại giao và an ninh mới của chính phủ Anh cho biết trọng tâm chính sách đối ngoại của nước này sẽ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai là nhấn mạnh đến tính chủ quyền. Paris hiểu rõ muốn đứng vững và theo đuổi lợi ích tối đa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phải tìm kiếm tính pháp lý từ góc độ chủ quyền. Báo cáo của Pháp tuyên bố Pháp không những là quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn là nước lớn liên quan đến sự thay đổi phát triển tình hình an ninh của khu vực.

Việc sở hữu nhiều lãnh thổ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Mayotte, đảo Reunion, New Caledonia và Polynesia khiến Pháp trở thành quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở khu vực. Pháp có 1,6 triệu công dân ở khu vực này, có diện tích 11 triệu km2, chỉ đứng sau Mỹ, chưa kể còn tiếp giáp với 5 lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và 12 lãnh thổ thuộc Thái Bình Dương.

quan hệ kinh tế giữa Pháp và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang tăng đáng kể, chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang các nước không thuộc EU. Năm 2018, đầu tư trực tiếp của Pháp vào khu vực này lên tới 320 tỷ euro, tăng 75% so với năm 2008. Hiện hơn 7.000 công ty Pháp kinh doanh tại đây, tăng trưởng doanh thu từ năm 2010-2016 lên tới 40%.

Trong khi Mỹ coi trọng hơn các nước ven biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như lĩnh vực quân sự và an ninh, Pháp lại chủ yếu nhấn mạnh đến khu vực biển, ngoài an ninh quân sự còn chú trọng kinh tế và thương mại.

Ba là tính linh hoạt, giỏi ngụy trang. Khi dư luận thế giới hướng sự chú ý của khu vực vào cặp quan hệ Trung-Mỹ và các nước lớn khu vực như Ấn Độ, Australia, Việt Nam, Philippines…, từ lâu Pháp đã âm thầm vươn tầm ảnh hưởng chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một bài phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nêu rõ thực ra Pháp đã gia tăng can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ những năm 1990 và đã đối thoại cấp cao với một số quốc gia trong khu vực, tham gia tập trận trên biển.

Pháp còn dự nhiều hội nghị khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, Hội thảo chuyên đề về hải quân Ấn Độ Dương…, coi quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và Australia là cốt lõi trong nỗ lực ngoại giao lâu dài của Pháp.

Ngoài ra, vào những năm 1990, Pháp đã tích cực phát huy “vai trò mang tính xây dựng” ở khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là chấm dứt các vụ thử hạt nhân gây tranh cãi ở Polynesia. Năm 1998, việc Pháp ủng hộ tiến trình tự trị của New Caledonia đã cải thiện nhiều quan hệ song phương với Australia và khu vực Nam Thái Bình Dương.

Có thể thấy khi Mỹ tập trung can dự vào các nước xung quanh Biển Đông và khu vực Đông Bắc Á, Pháp lại đặt trọng điểm can dự là khu vực Nam Thái Bình Dương.

Bốn là chú trọng tính chất mở rộng. Sau nhiều năm giấu mình, khi nhận thấy thời cơ đã chín muồi, ngày 3/5/2018, trong bài phát biểu tại căn cứ quân sự Sydney (Australia), Tổng thống Emmanuel Macron lần đầu chính thức thể hiện Pháp là nước lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và công bố cương lĩnh chiến lược của Paris đối với khu vực này, kèm theo phương châm chỉ đạo quốc phòng.

Đặc biệt, khi chấp nhận khái niệm mới của Mỹ về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp nhận thức được tính gắn kết của khu vực này và vị thế trung tâm địa chính trị của Pháp ngày càng gia tăng.

Về mặt địa lý, Pháp định nghĩa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực rộng lớn hơn từ vùng phía Tây (khu vực tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và châu Phi) mở rộng sang toàn bộ Nam Thái Bình Dương và Đông Thái Bình Dương mà Paris có lãnh thổ. Pháp đánh giá khái niệm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm toàn bộ khu vực từ Djibouti đến Polynesia. Có thể thấy tầm nhìn và tham vọng của Macron rất lớn.

Bộ Quốc phòng Pháp từ lâu đã phân chia khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành một số “khu vực trách nhiệm” lớn của Paris. Pháp cũng dự kiến triển khai 8.000 quân nhân và hàng chục tàu chiến ở một vài căn cứ quan trọng nhằm bảo vệ lãnh thổ của Pháp, thực hiện các nhiệm vụ. Theo các nguồn tin, lực lượng này chiếm gần 60% lực lượng quân sự mà Pháp triển khai lâu dài ở nước ngoài.

Một khi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bùng nổ chiến tranh trong tương lai, Pháp nhận thấy cần phải can dự quân sự, họ có thể sử dụng lực lượng này để phản ứng tức thì và dùng để tiếp ứng sau đó.

Năm là bộc lộ ý đồ định hướng có chọn lọc. Mặc dù Pháp “tập trung sức mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đóng vai trò cân bằng chiến lược”, tuyên bố là một lực lượng hòa giải, bao trùm nhằm thúc đẩy ổn định, pháp trị và trật tự đa cực của khu vực này, song trên thực tế quan điểm của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khá thiên lệch, lộ rõ ý đồ định hướng có chọn lọc.

Về ý đồ của hợp tác Mỹ-Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giới hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng "giữa Washington và Paris sẽ có không gian tăng cường hợp tác, cho dù Pháp vẫn nhấn mạnh duy trì khoảng cách với quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung”.

Hai bên sẽ còn tiến hành hợp tác hiệu quả hơn, cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Pháp tiếp tục tuyên bố chính sách ngoại giao độc lập và đa phương hóa, phản đối chủ nghĩa đơn phương, nhưng đây không phải là hành động thực sự.

“Ngoại giao đa phương” của Pháp chủ yếu dựa trên nền tảng ngoại giao độc lập gắn với ý thức hệ, quan niệm giá trị và lợi ích chiến lược, nhằm theo đuổi lợi ích thực tế và lâu dài lớn nhất của mình.

Điều này đã quyết định vì sao Pháp thỉnh thoảng vẫn gây khó dễ cho Mỹ và các nước lớn châu Âu, như những năm gần đây, giữa Pháp và Mỹ có mâu thuẫn sâu sắc về mạng điện thoại 5G, kinh tế và thương mại số, hàng không.

Nếu lâu nay mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu thường xuyên xuất hiện, thì chủ yếu là do mâu thuẫn Mỹ-Pháp khá sâu sắc và thỉnh thoảng lại bộc phát. Tuy nhiên, vào những thời điểm then chốt, bộ đôi này lại luôn đi song hành, đặc biệt là khi cùng cạnh tranh nhằm vào nước lớn khác.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đi đầu trong việc định vị chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Ba mối quan tâm lớn

Hiện nay, Pháp có 3 mối quan tâm lớn trong lộ trình hành động chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thứ nhất, Pháp đang tăng cường trợ giúp cho Ấn Độ về quân sự và quốc phòng. Mấy năm gần đây, Pháp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước có quan niệm giá trị và lợi ích tương đồng như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, New Zealand, Singapore… thông qua hợp tác về vũ khí, tăng cường chia sẻ thông tin, tập trận chung.

Những ví dụ gần đây là Ấn Độ mua 36 máy bay tiêm kích Rafale của Pháp hay việc Tập đoàn Naval Group (Pháp) ký hợp đồng, cung cấp cho Australia 12 tàu ngầm tấn công. Việc triển khai lực lượng hải quân định kỳ của Pháp cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với đối tác. Năm 2019, nhiệm vụ của tàu sân bay Charles de Gaulle là huấn luyện trên không và trên biển cùng Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia.

Thứ hai, giương cao ngọn cờ quốc gia ủng hộ kiên định chủ nghĩa đa phương, chuyển hoạt động quân sự và đầu tư quân sự sang nhiều lĩnh vực khác của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Pháp đã tham gia nhiều tổ chức, hoạt động an ninh quân sự, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Nam Thái Bình Dương năm 2003, Hiệp hội ven biển Ấn Độ Dương năm 2020…

Paris còn liên tục kết nối với các đối tác cùng chí hướng, ví dụ như kết nối với thành viên Bộ tứ, New Zealand…, triển khai huấn luyện trên biển, trên thực tế là đang can dự sâu hơn vào các hoạt động quan hệ đối tác quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Năm 2018, Tổng thống Macron còn khởi xướng “Trục Paris-New Delhi-Canberra” và lần đầu tổ chức đối thoại 3 bên vào tháng 9/2020. Rõ ràng, những hoạt động này của Pháp đều đã phớt lờ các nước lớn khác.

Thứ ba, tích cực khuyến khích châu Âu can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Pháp cho biết việc làm đó sẽ giúp gia tăng sự hiện diện của EU ở khu vực này. Tháng 12/2020, quan hệ hợp tác EU-ASEAN được nâng cấp thành đối tác chiến lược, chứng tỏ Paris đã phát huy vai trò thúc đẩy quan trọng về lập trường chung của EU trong vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Pháp còn cùng với Đức và Hà Lan phát huy vai trò nòng cốt để khởi thảo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chiến lược này sẽ được thông qua vào cuối tháng 4/2021. Trong Sáng kiến can dự châu Âu, Pháp kiến nghị thiết lập Nhóm công tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với mục đích là thúc đẩy hợp tác thực tế giữa quân đội của 14 nước thành viên hiệp định này.

Ngoài ra, Pháp đang giúp tăng cường sự hiện diện của hải quân châu Âu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hoạt động rõ ràng nhất là định kỳ tập trung lực lượng của EU sang tuần tra trên biển ở khu vực này.

Năm 2019, tàu của Italy, Bồ Đào Nha và Đan Mạch đã theo nhóm tàu sân bay Charles de Gaulle để thực hiện nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sắp tới, Pháp và Anh sẽ tăng cường phối hợp triển khai trên biển...

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp, cần đánh giá dựa vào hành động thực tế của mỗi nước. “Màn kịch” trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp khiến người ta nhận rõ ý đồ của Pháp, đồng thời cho thấy sự cạnh tranh địa chính trị và chiến lược quốc tế ngày càng gay gắt và khó dự báo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật