Vietcombank muốn tăng vốn lên hơn 50.000 tỷ đồng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kế hoạch tăng vốn mới của Vietcombank cao hơn 9% so với kế hoạch trình cổ đông năm 2020 và hơn 36% so với vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng.
Vietcombank muốn tăng vốn lên hơn 50.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa

Chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra sáng nay (23/4), ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - cho biết ban lãnh đạo ngân hàng sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cụ thể năm 2021 cùng với phương án tăng vốn điều lệ lên vượt mức 50.000 tỷ đồng.

Cụ thể, nhà băng này dự kiến tăng vốn thông qua 2 đợt, với tổng mức tăng thêm hơn 13.300 tỷ đồng. Trong đợt một, Vietcombank sẽ tăng vốn thông qua chi trả cổ tức cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi đã chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 8%.

Tại đợt này, ngân hàng dự kiến phát hành thêm hơn 1,023 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu nhận thêm 276 cổ phiếu mới), tương đương giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 10.236 tỷ đồng. Qua đó, vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên tương ứng từ 37.089 tỷ lên 47.325 tỷ đồng.

Dành một phần cho đối tác chiến lược Nhật Bản

Trong đợt tăng vốn lần hai, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Dự kiến vốn tăng thêm đợt 2 là hơn 3.076 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên mức 50.401 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn mới của Vietcombank cao hơn 9% so với kế hoạch đưa ra hồi năm 2020 và cao hơn 36% so với vốn điều lệ hiện tại.

Cũng trong đợt tăng vốn lần hai, Vietcombank cho biết sẽ dành một phần vốn phát hành mới cho đối tác chiến lược Mizuho Bank (Nhật Bản) để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15%. Theo đó, cổ đông ngoại này dự kiến nhận phát hành hơn 46,1 triệu cổ phiếu mới, tương đương 0,92% cổ phần sau phát hành trên cơ sở quyết định đầu tư trước đó.

Ngoài ra, lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết phần vốn phát hành tăng thêm còn lại (261,4 triệu cổ phần, tương đương 5,19% tổng số cổ phần sau phát hành) có thể bao gồm cả đối tác Mizuho Bank trong trường hợp cổ đông này muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank lên hơn 15%. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hành tối đa vẫn đảm bảo Mizuho không nắm vượt quá 20% vốn Vietcombank.

Thời gian thực hiện kế hoạch tăng vốn này dự kiến diễn ra trong năm nay với đợt một và có thể kéo dài sang năm 2022 với đợt hai trong trường hợp chưa kịp hoàn thành.

Theo đánh giá của lãnh đạo Vietcombank, dù đã tăng vốn thông qua phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho Bank vào năm 2019, vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng vẫn thấp hơn 21.100 tỷ đồng so với kế hoạch tại phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020.

Ngân hàng có tín dụng cho vay mới cao nhất hệ thống

Vì vậy, ngân hàng cho biết cần thiết phải tiếp tục tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản trị. Nếu không tăng được vốn, Vietcombank sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của ngân hàng, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Vietcombank kỳ vọng tăng trưởng chỉ tiêu tổng tài sản cả năm sẽ đạt 5%. Trong đó các chỉ tiêu huy động vốn từ nền kinh tế đạt xấp xỉ 7% và tăng trưởng tín dụng đạt 10,5%.

Tuy nhiên, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết đây là mức tăng trưởng tín dụng NHNN giao ban đầu, trong quá trình hoạt động, ngân hàng sẽ trình cơ quan quản lý xem xét điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng này với kỳ vọng Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có tín dụng cho vay mới cao nhất hệ thống năm 2021.

Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm sẽ tăng 11% so với năm 2020, tương đương mức lợi nhuận 25.585 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng mẹ Vietcombank dự kiến là 25.000 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật