Vụ “con voi chui lọt lỗ kim” làm Bắc Kinh thịnh nộ: Ông Tập chỉ thị tận nơi, cấp dưới mặc kệ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các đội ngũ và thiết bị phá dỡ được cấp tập cử đến một khu bảo tồn thiên nhiên để san bằng dự án vi phạm đang khiến giới chức trung ương Trung Quốc nổi giận.
Vụ “con voi chui lọt lỗ kim” làm Bắc Kinh thịnh nộ: Ông Tập chỉ thị tận nơi, cấp dưới mặc kệ
Ảnh minh họa

Chỉ thị của ông Tập bị phớt lờ

Hơn 1.000 villa và căn hộ mọc lên ở một khu bảo tồn tự nhiên đã bị phá dỡ sau khi dự án phát triển nhà đất này lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh. Dự án mọc lên bên bờ hồ Dianchi (Điền Trì) ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị chỉ ra sai phạm trong báo cáo hồi tuần trước của thanh tra Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc.

Cuộc điều tra kéo dài 1 tháng cho thấy dự án nhà đất đã hủy hoại trái phép hơn 90% bề mặt ngọn núi Changyao ở phía nam hồ Dianchi, biến vùng đồi xanh tốt trước đây trở thành một "núi bê tông".

Báo cáo điều tra này là một trong những chỉ trích công khai ở mức cao nhất đối với một chính quyền địa phương Trung Quốc liên quan đến sai phạm về môi trường, kể từ sau vụ Bắc Kinh xử lý giới chức tỉnh Thiểm Tây vào ba năm trước do phớt lờ các chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình về phá dỡ các villa xây trái phép ở khu vực bảo hộ của vùng núi Tần Lĩnh.

Trái với các quan chức Thiểm Tây, Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Ruan Chengfa và Tỉnh trưởng Wang Yubo nhanh chóng thúc giục nhà chức trách Côn Minh phá dỡ 813 villa và 294 căn hộ xây trên diện tích 230 hecta.

Hàng chục máy xúc được triển khai và 1.700 công nhân được huy động để trồng cây non tại những khu đồi trọc bị hủy hoại - tờ Nhật báo Côn Minh đưa tin.

Dianchi là hồ lớn nhất ở vùng tây nam Trung Quốc với diện tích 330 km2. Đây cũng là thắng cảnh hàng đầu ở thành phố Côn Minh, nhưng đang đối mặt với tình trạng sinh thái xuống cấp.

Ông Tập Cận Bình từng thị sát khu vực hồ này vào tháng 1/2020 và chỉ thị các quan chức bản địa không "đánh đổi môi trường để theo đuổi phát triển kinh tế ngắn hạn".

Giới chức Côn Minh nhanh chóng tổ chức phá dỡ dự án trái phép quy mô lớn ở hồ Dianchi (Ảnh: SCMP)

dư luận Trung Quốc phẫn nộ

Hình ảnh dự án ở Dianchi đã thổi bùng làn sóng giận dữ trên mạng Internet ở Trung Quốc.

"Thật là những cảnh tượng gây sốc! Một sự lãng phí to lớn!" - một người dùng mạng viết trên nền tảng Sina.

"Các quan chức ở đâu khi lô nhà này bắt đầu xây dựng?" - một người khác chất vấn. "Họ cần phải bị truy cứu trách nhiệm vì làm tổn hại môi trường và lãng phí tài nguyên."

Các villa được phát triển bởi Northstar Group, một doanh nghiệp quy mô lớn ở địa phương kinh doanh trong nhiều lĩnh vực - từ bất động sản tới ngọc và trà Phổ Nhĩ. Công ty nằm dưới quyền kiểm soát của Ren Huaican, sinh năm 1951, một doanh nhân ít tên tuổi và là công dân Canada.

Quá trình xây dựng nhà ở tại Dianchi được bắt đầu từ tháng 1/2015 và dự án được quảng bá như một chương trình phát triển "du lịch quốc tế và bổ sung sức khỏe" nhờ vào vị trí đắc địa cận hồ. Hầu hết các căn nhà ở đây - với giá cao nhất lên đến hơn 20 triệu nhân dân tệ - đã được bán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát khu vực hồ Dianchi, tỉnh Vân Nam, tháng 1/2020 (Ảnh: Xinhua)

Côn Minh đi vào vết xe đổ "bỏ ngoài tai" lời ông Tập?

Bảo vệ môi trường đang là tiêu chí ngày càng quan trọng trong đánh giá kết quả hoạt động của giới chức các địa phương ở Trung Quốc. Dianchi bị ô nhiễm nghiêm trọng sau ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế nóng từ thập niên 1980, cùng với tăng trưởng dân số.

Hồi tháng 2/2015, ông Tập Cận Bình cũng thị sát Côn Minh và thúc giục các quan chức làm sạch nguồn nước. Ông cảnh báo hồ Dianchi đã trở thành "vết sẹo" của cả Côn Minh lẫn tỉnh Vân Nam.

Từ năm 2018, chất lượng nước ở Dianchi đã bị xếp hạng ở Mức 4 - mức tồi tệ thứ hai trong thang tiêu chuẩn nước của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả tốt nhất mà địa phương đạt được trong ba thập kỷ.

Dự án nhà đất ở Dianchi bị Bộ Môi trường Trung Quốc chỉ trích là biến vùng núi xanh tốt thành "núi bê tông" (Ảnh: SCMP)

Tân Hoa Xã hôm 7/5 đưa tin, Bộ Môi trường đã nhắc nhở chính quyền địa phương về vấn đề phát triển nhà đất vào năm 2016, nhưng các chỉ đạo này đã bị bỏ ngoài tai.

Bài xã luận của Tân Hoa Xã nhấn mạnh "cần phải bảo vệ hồ Dianchi như là đôi mắt của chúng ta. Thế nhưng chính quyền địa phương lại chọn cách mắt nhắm mắt mở."

"Một dự án phát triển quy mô lớn như vậy thì tại sao chính quyền không nhìn thấy?" - hãng tin nhà nước nêu. "Có bao nhiêu người dính líu và mức độ tham nhũng sau vụ sai phạm này nghiêm trọng đến đâu? Ai đã đánh lừa cả công chúng và cấp thẩm quyền cao hơn?"

Vụ sai phạm ở Dianchi tương tự "cơn bão" nổ ra ba năm trước ở tỉnh Thiểm Tây, khi 1.200 villa mọc lên trái phép giữa khu bảo tồn tự nhiên núi Tần Lĩnh của tỉnh này. Hàng trăm quan chức bị điều tra sau khi phớt lờ 6 chỉ thị trực tiếp từ Chủ tịch Tập Cận Bình.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật