Quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình hợp tác xã

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1990), Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm truyền thông cho Công ty CP bảo vệ thực vật I T.Ư. Thời gian làm ở công ty tạo cơ hội để tôi tiếp xúc với nông dân vùng chuyên canh sản xuất rau, củ tại Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh (Hà Nội).
Quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình hợp tác xã
Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (TP Hòa Bình) hướng dẫn người dân chăm sóc bí xanh.

Từ đó, tôi đúc rút được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Điều khiến tôi trăn trở nhất là vì sao quê hương mình khí hậu thuận lợi, đất đai trù phú, người dân cần cù chịu khó mà vẫn không thoát được nghèo. Bao nhiêu năm nông dân vẫn loay hoay tìm cây gì, con gì phù hợp để phát triển sản xuất. Những trăn trở trên đã thôi thúc tôi quyết tâm trau dồi kiến thức KHKT, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP…       

Trước năm 2016, vùng quê Độc Lập bắt đầu trồng bí xanh, sau những vụ thu hoạch bội thu người dân nhận thấy bí xanh thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Năng suất, chất lượng bí tốt, quả bí dài, đặc ruột, được người tiêu dùng ưa chuộng. Kiên lặn lội tìm đến nhiều chợ đầu mối để tìm kiếm thị trường tiêu thụ bí xanh cho nông dân quê nhà. Anh còn chủ động đến cơ sở sản xuất giống cây trồng là Công ty TNHH hạt giống Nova để tìm kiếm giống bí xanh chất lượng cao về cung cấp cho bà con.

Xem Video: Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp

//

       Năm 2016, với vốn kiến thức cùng với kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được, Kiên chính thức xin nghỉ việc tại Công ty CP bảo vệ thực vật I T.Ư về quê cùng bà con nông dân phát triển kinh tế. Từ sự hỗ trợ của gia đình anh mở 3 cửa hàng cung cấp giống, phân bón. Anh tới từng hộ dân hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bí xanh; tìm kiếm thị trường bao tiêu bí xanh cho người dân.  

       Nhằm tạo dựng thương hiệu bí xanh Độc Lập, cũng như tìm kiếm thị trường ổn định, tránh trường hợp nông dân bị tư thương ép giá, Kiên mạnh dạn vận động các hộ dân trồng bí trong xã thành lập HTX. Tháng 11/2020, dưới sự trợ giúp của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền xã, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập được thành lập với 10 thành viên. HTX gồm 2 nhóm sản xuất chính là nhóm nuôi dê và nhóm trồng bí xanh. Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 250 con dê sinh sản cho các hộ thành viên gia đình. Ngoài ra, HTX nhận cung cấp hạt giống bí xanh chất lượng cho người dân trong xã và vùng lân cận. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 60 nghìn gói hạt giống, tương đương khoảng 1 tạ hạt. 

       Hiện, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập nhận bao tiêu, thu mua trên 30 ha bí xanh cho nông dân toàn xã, với khoảng 2.000 tấn bí quả/năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương. Tuy nhiên, vụ bí năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên giá bí thấp, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg tại vườn. Do mới thành lập nên vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn gặp khó khăn, sản phẩm của HTX chưa đủ điều kiện về hồ sơ, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, việc áp ụng KH-KT vào sản xuất còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng như nhà sơ chế, bảo quản chưa có nên việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân vẫn phụ thuộc vào tư thương.

       Anh Kiên chia sẻ thêm: Thời gian tới, để giúp nông dân trong xã hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá trong sản xuất nông nghiệp, tôi cùng các thành viên trong HTX sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, trồng bí theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đánh giá chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để HTX xây dựng nhà sơ chế, bảo quản, sấy khô sản phẩm để cung cấp cho các nhà máy chế biến mứt, nước ép bí đao…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật