Cu Vai - Thiên đường cổ tích

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cu Vai - một bản người Mông nằm trên đỉnh núi ở độ cao hơn 1.000m. Cuộc sống của những con người mà ta gặp nơi đây như trong truyện cổ tích...
Cu Vai - Thiên đường cổ tích
Bản Cu Vai nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Vũ.

Bản Cu Vai

Tôi không thể tin nổi người dân Cu Vai lại sống được trên đỉnh núi quanh năm mây mù. Con đường lên bản như ngược lên trời, có thể nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang trùng trùng bất tận màu xanh giống như nấc thang bước lên thiên đường, từng nương ngô, nương khoai và đỉnh Tà Chì Nhù hùng vĩ ẩn hiện sau làn mây.

Cu Vai giống như dải mây vắt ngang trời. Lần đầu đặt chân lên mảnh đất này, tôi như lạc thiên đường cổ tích. Những ngôi nhà mái lợp gỗ pơ mu phủ rêu xanh mốc xỉn, ẩn mình dưới những hàng cây xanh.

Nhìn từ trên cao, bản Cu Vai như một chiếc tàu sân bay, có một đường băng chạy giữa bản. Những ngôi nhà bên đường được làm theo phong cách của người Mông ẩn hiện trong làn mây, giống những chiếc máy bay xếp thành hàng chỉ trực chờ cất cánh lên bầu trời.

Bản Cu Vai là chòm bản tái định cư được xây dựng năm 2009 sau khi chuyển 31 hộ từ nơi có nguy cơ sạt lở. Đến nay đã có 35 hộ chuyển lên đây.  

Nơi bà con thôn Cu Vai sinh sống trước đó luôn phải đối mặt với những trận lũ quét, sạt lở đất mỗi mùa mưa bão. Từ năm 2009, tỉnh Yên Bái xây dựng khu tái định cư tập trung trên đỉnh núi này. Để xây dựng bản Cu Vai phải làm con đường ngược núi dốc mặt ngựa.

Đã từng có mấy chiếc xe công nông chở cát, sỏi lao xuống vực như tảng đá lăn.  

Những người già trăm tuổi ở Cu Vai. Ảnh: Tuấn Vũ.

Cuộc sống như ốc đảo

Cuộc sống của bà con nơi đây giống như ốc đảo trên núi: không điện, không ti vi, không sóng điện thoại, không Internet... Vì thế bà con còn giữ nguyên nếp sống, phong tục tập quán cổ truyền, chưa bị ảnh hưởng bởi với thế giới hiện đại. Vào những ngôi nhà thấp lè tè như vào khu rừng âm u, mọi đồ đạc đều cũ kỹ giống như những con người nơi đây, trầm tư và bí ẩn.

Trữ củi cho mùa đông. Ảnh: Thái Sinh.

Nơi cuối bản nhìn lê‌n đỉn‌h Tà Chì Nhù, tôi nhìn thấy đám trẻ con đang ngồi bắt sóng điện thoại. Đó là nơi duy nhất Cu Vai liên lạc với thế giới bên ngoài.

Lũ trẻ Cu Vai ngồi hóng sóng điện thoại. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Vào nhà ông Mùa A Vư, căn nhà tối quá ông phải chạy ra mở cửa để những ánh sáng yếu ớt lọt vào, phải một lúc sau tôi mới quen với ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Vợ ông đang đảo cơm từ hai chiếc hông lớn, được nấu bằng gạo nương màu đỏ ăn cả ngày.

Hỏi ra mới biết bà con ở Cu Vai chưa nhà nào dùng bếp ga, chủ yếu đun bằng củi lấy từ trên các cánh rừng. Mùa đông ở trên núi rất rét, nhiều ngày băng phủ trắng toát giống như châu Âu. Vì thế người dân phải trữ củi để sưởi chống chọi với mùa đông khắc nghiệt trên núi cao.

Nhìn quanh nhà ông Vư và nhiều nhà khác củi chất thành đống. Nếu không có củi, không hiểu người dân nơi đây sẽ sống như thế nào?  

Trạm điện mặt trời do hoa hậu Đỗ Mỹ Linh hỗ trợ người dân Cu Vai hiện đã hỏng. Ảnh: Thái Sinh.

Do không có điện, năm 2017 hoa hậu Đỗ Mỹ Linh triển khai dự án “cõng điện lên bản” với kinh phí gần 1 tỷ đồng, nhưng chỉ cung cấp điện được một thời gian thì hỏng. Đến nay Cu Vai và một số bản khác của Trạm Tấu vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Một vài hộ dân góp tiền (1-2 triệu đồng) kéo điện lên bản dùng nhưng điện yếu và chập chờn.              

Ngôi nhà lợp pơ mu của người dân Cu Vai. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Mặc dù vậy, vẫn có hàng nghìn khách du lịch tới thăm và khám phá cuộc sống của bà con mỗi năm. Ông Mùa A Sử đã xây dựng Homestay Cu Vai, mỗi năm đón vài trăm khách tới ăn nghỉ, đông nhất vào những ngày thứ Sáu và thứ Bảy.

Kể từ khi có dịch Covid-19 thì lượng khách giảm, 2- 3 tháng nay thì không có khách. Trước đây, mỗi ngày đón hơn 20 người, ông chỉ thu 50.000 đồng mỗi người một đêm. Khách có nhu cầu ăn uống có thể mua trực tiếp từ người dân và nhờ gia đình nấu.

Câu chuyện thú vị

Vào nhà ông Mùa A Ly, tôi thấy ông đang đứng vẩn vơ trước cửa nói chuyện với bà Sùng Thị Di trông kém ông đến gần 20 tuổi, tưởng như là con gái. Hỏi ra mới biết bà Di là vợ hai của ông, năm nay ông Ly 84 tuổi, còn vợ hơn 60 tuổi.

Người vợ đầu của ông là bà Giàng Thị Súa có 12 người con, 8 con trai và 4 con gái, bà mất cách đây 3 năm. Các con của ông sau khi trưởng thành đi lập gia đình rồi ra ở riêng, hiện ông đang ở cùng với người con trai út. Khi vợ mất ông buồn lắm, cách nay hai năm, con rể của ông ở Sơn La giới thiệu bà Di cho ông.

Nhà bà Di ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có 4 người con gái đã đi lấy chồng. Các con bà do cuộc sống khó khăn nên không đón bà về sống cùng, nên bà sống với người cô. Cuộc sống của bà cô cũng vô cùng khó khăn.

Sau khi con rể ông giới thiệu, ông đã đến thăm bà Di và bảo với bà: Tôi cũng đã mất vợ rồi, thấy bà sống một mình vất vả quá, tôi muốn đón bà về làm vợ, bà có đồng ý không. Bà Di đồng ý, chừng một tháng sau thì ông Ly cùng hai người con trai tới nhà bà Di, ông làm hai mâm cơm mời anh em họ hàng đến uống rượu để đón bà về.

Vợ chồng ông Mùa A Ly. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Ngồi nói chuyện với đôi vợ chồng già, cuộc sống của họ như được tái sinh từ tình yêu thương của sự cô đơn, nhìn ánh mắt ông bà tràn đầy hạnh phúc. Họ không rời nhau nửa bước dù lên nương hay ra ruộng vườn, lúc nào cũng có nhau. Tôi có cảm giác như đây là một câu chuyện cổ tích mới của ngày hôm nay.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật