Tuổi 34 sống ù lỳ vì được thừa kế hai dãy phòng trọ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi không có nhiều bạn bè, không đồng nghiệp, ở nhà trông con và thường mang tiếng “không làm vẫn có ăn“.
Tuổi 34 sống ù lỳ vì được thừa kế hai dãy phòng trọ
Ảnh minh họa

Bố mẹ tôi vào Đồng Nai lập nghiệp đã hơn 30 năm. Tài sản cuối đời của hai cụ gồm một ngôi nhà ba tầng gia đình tôi đang ở, một ngôi nhà cho thuê và hai dãy phòng trọ công nhân tổng cộng 25 phòng.

Tôi năm nay 34 tuổi, một vợ, hai con gái. Tôi tốt nghiệp đại học nhưng đang làm công việc quản lý hay dãy phòng trọ được thừa kế này. Bởi tôi là con một nên tất cả tài sản sau này sẽ được giao cho tôi quản lý. Về phần kinh tế gia đình lúc bình thường, khi không có dịch thì xấp xỉ 90 triệu đồng từ tiền cho thuê phòng.

Người ngoài nhìn vào tưởng tôi khá sung sướng. Nhưng tôi cũng có những nỗi dằn vặt riêng cho mình. Lúc tôi mới tốt nghiệp đại học được một năm, thấy tôi đi làm mà lương không khá, bố mẹ ép buộc tôi phải nghỉ việc để ở nhà làm quản lý phòng trọ để họ rảnh tay đi buôn bán.

Nói là quản lý nhưng thực chất chỉ mỗi việc đến tháng thì đi thu tiền, ai báo hư ổ điện, bể ống nước thì tôi kêu thợ sửa. Chỉ vậy thôi nên lúc đó phần vì cũng lười, phần cũng ỷ lại nên tôi dần chấp nhận an phận. Lúc đó tôi cắm đầu chơi game ngày lẫn đêm như những sinh viên và học sinh cấp 3. Một thời gian sau tôi cai nghiện được game, quyết định tìm việc đi làm lại và kết hôn. Lúc vợ sinh con đầu lòng, tôi lại nghỉ ở nhà chăm con, để vợ yên tâm đi làm. Tôi lại tiếp tục công việc cũ trước đó là quản lý phòng trọ. Vợ tôi quen làm văn phòng, không có kinh nghiệm nên bất đắc dĩ chúng tôi phải trao đổi vai trò như thế. Đáng lẽ ra tôi phải là người đi làm còn vợ có thể nghỉ ở nhà chăm con và quản lý chung.

Một số bạn bè cũ từ thời cấp ba nói tôi sướng, sinh ra ở vạch đích nên không cần phải làm gì mà vẫn có ăn. Mới nghe qua thì tưởng họ đang khen nhưng nghe nhiều thì tôi thấy có sự mỉa mai. Lớp đại học tổ chức họp lớp, tôi cũng không dám tham dự. Bởi bao nhiêu năm ngồi nhà, làm nội trợ và thu tiền phòng trọ khiến tôi sống khép kín và cảm thấy có một chút tự ti khi bạn bè bây giờ đều thành đạt. Đôi lúc tôi thèm được mỗi sáng đến công ty đi làm, chiều lai rai với đồng nghiệp, thỉnh thoảng lại thèm được có một người sếp nào đó khen hoặc mắng. Nhưng tôi ở nhà cả chục năm rồi thì lấy đâu ra sếp và đồng nghiệp?

Nhiều lúc tôi còn cảm thấy chán bản thân mình vì có phần dựa dẫm và an phận. Nếu ngày xưa cứ ra ngoài đi làm thì tôi không có cảm giác ù lỳ như bây giờ. Hơn nữa, nhiều lúc đi nhậu với đám bạn thân đó, có những stress hay tâm sự gì đó thì tôi cũng chẳng muốn kể. Bởi kể ra thì sẽ ngay tức khắc nhận được câu trả lời là: "Nhà mày giàu, có gì đâu mà buồn" và những câu đại loại như vậy.

Tôi biết có nhiều người được hưởng thừa kế thì sẽ tiêu pha hết. Nhưng riêng tôi, nhờ lối sống an phận nên sẽ không xảy ra chuyện đó. Nhưng ngược lại tôi sẽ bị mang tiếng là nhu nhược, vô dụng sống nhờ bố mẹ...

Kể câu chuyện của tôi để thấy, không phải người được thừa kế tài sản nào cũng sống vui vẻ cả đâu. Tuy không lo về kinh tế nhưng vẫn có những buồn phiền riêng trong lòng. Không phải tài sản thừa kế nào cũng là một món quà ý nghĩa. Hy vọng chia sẻ của tôi sẽ giúp nhiều người cân nhắc và lựa chọn cách để lại tài sản thừa kế tốt nhất cho con của mình. Tài sản thừa kế là đôi cánh cho con bay ra những vùng trời mới hay là cái neo giữ con mình trong vùng an toàn tuỳ thuộc vào cách làm của cha mẹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật