Cu đơ Hà Tĩnh: Từ giá trị kinh tế đến góc nhìn văn hóa

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Lạc bùi, mật ngọt, gừng cay - Cu đơ Hà Tĩnh đắm say lòng người”. Có thể nói, kẹo cu đơ xuất hiện từ khá lâu trong sinh hoạt ẩm thực của người Hà Tĩnh, đó không chỉ đơn thuần là một món ăn, một thức quà mà còn là một nét văn hóa rất đặc trưng và độc đáo của người dân mảnh đất nắng gió này.
Cu đơ Hà Tĩnh: Từ giá trị kinh tế đến góc nhìn văn hóa
ảnh minh họa

Mang đến những giá trị kinh tế thiết yếu

Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” được tổ chức tại Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: “đề án OCOP được triển khai, trong đó có sản phẩm kẹo cu đơ cùng nhiều sản phẩm khác góp phần làm sống lại các giá trị truyền thống của địa phương, tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, có thị trường bền vững, gia tăng giá trị sản xuất và đương nhiên thu nhập người dân cũng sẽ tăng lên rất nhiều”.

Xem Video: Cu đơ Hà Tĩnh: Từ giá trị kinh tế đến góc nhìn văn hóa

//

Hiện nay, ở Hà Tĩnh có rất nhiều cơ sở và làng nghề sản xuất, chế biến và tiêu thụ kẹo cu đơ, sản lượng ước tính 80.000 sản phẩm/tháng. Rất nhiều hộ gia đình đã kinh doanh nghề kẹo như một nghề chính. Cả tỉnh ước tính có khoảng trên 400 lò kẹo lớn nhỏ, thu hút lượng lao động lớn, nổi bật với nhiều thương hiệu tên tuổi như: Cu đơ Thư viện, Cầu Phủ, Hương Sơn, Công Thảo, Thu Chiến, Thanh Hạnh, Phong Nga…

Trung bình mỗi ngày ở Hà Tĩnh sản xuất và tiêu thụ khoảng 20 tấn kẹo được đóng gói. Thu nhập bình quân cho những người làm nghề này khoảng từ 4.000.000 - 4.500.000 đồng/tháng. Phát triển sản xuất nghề làm kẹo cu đơ không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, mà còn gìn giữ và phát triển một ngành nghề truyền thống có từ lâu đời.

Đến nay, kẹo cu đơ đã được nhiều người biết đến bởi chất lượng và hương vị độc đáo của nó. Kẹo đã theo chân những người bán buôn, bán lẻ, đi khắp các làng quê trong huyện, trong tỉnh rồi ra ngoại tỉnh. Từ Hương Sơn, cu đơ đã đi khắp bốn phương. Nghề cu đơ đã ra đến Nghi Xuân, đến Hồng Lĩnh, xuôi Can Lộc, rồi vào TP Hà Tĩnh. Đi khắp cả một dải đất miền Trung, chỉ có kẹo cu đơ Hà Tĩnh là ngon hơn cả.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Đặng Thị Thanh, chủ thương hiệu cu đơ Thư viện cho biết: “Hơn 30 năm gắn bó với nghề, tôi đã luôn tìm tòi và sáng tạo để cho ra sản phẩm kẹo cu đơ Thư viện như hiện nay là sự kết hợp nhiều yếu tố. Trong thời đại công nghệ đang dần thay thế sức lao động của con người thì với cu đơ Thư viện vẫn nấu kẹo theo cách truyền thống. Tôi đã thử rất nhiều phương pháp như thiết kế nồi nấu bằng điện, nồi chuyên dụng và bếp chuyên dụng, như thế sẽ có một không gian chế biến hoàn toàn sạch sẽ không bị ám khói, nhưng mỗi sản phẩm được nấu bằng công nghệ máy mọc, thiết bị hiện đại đều cho ra sản phẩm làm tôi không hài lòng.

Mỗi tấm cu đơ Thư viện được ra lò hiện nay vẫn theo cách nấu truyền thống bằng củi và người lao động tỉ mẩn nấu nẹo bằng tay. Việc nấu kẹo theo phương pháp truyền thống vừa tốn nguyên liệu (củi đốt), vừa mất rất nhiều công sức của người lao động, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn nấu nồi chuyên dụng chạy bằng điện”.

Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh triển khai đề án OCOP (mỗi xã một sản phẩm); kẹo cu đơ được lựa chọn là một trong 6 sản phẩm làm điểm nhấn để nhân ra diện rộng. Đến thời điểm này các cơ sở sản xuất kẹo cu đơ đã xây dựng, mở rộng và nâng cấp quy mô; thiết kế bộ nhận diện thương hiệu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng phóng sự về sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chuẩn hóa bao bì; vận hành chương trình giám sát, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trở thành một sản phẩm văn hóa

Trải qua thời gian, kẹo cu đơ đã trở thành một sản phẩm có thương hiệu và chỗ đứng trong ẩm thực Việt Nam, đồng thời trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng cho dải đất miền Trung nắng gió.

Với những nguyên liệu tự nhiên được lấy từ nhiều vùng nông nghiệp khác nhau: Hạt lạc tròn mẩy của vùng đất cát ven biển Thạch Khê, Thạch Hải; củ gừng vàng tươi vùng đồi Can Lộc, người dân đem nấu với mạch nha dẻo ngọt, kết hợp cùng bánh đa tạo nên một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cũng như mang âm hưởng văn hóa nông nghiệp sâu sắc. Tấm kẹo cu đơ tuy nhỏ bé, nhưng với mùi vị đặc trưng, nó chứa đựng cả linh hồn quê hương trong đó, một quê hương mang đậm dấu ấn của nền nông nghiệp lúa nước.

Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người.

Qua việc thưởng thức kẹo cu đơ, ta nhận ra một nét văn hóa ẩm thực rất phong phú trong đời sống người Việt. Đó là tính sáng tạo và linh hoạt trong việc sản xuất chế biến. Người dân đã biết tận dụng các sản phẩm nông nghiệp gần gũi với đời sống để chế biến thành những sản phẩm chất lượng.

Trong tâm thức của người Việt, âm - dương luôn luôn tồn tại trong sự cặp đôi, tương ứng. Chỉ khi có sự tồn tại đó thì sự vật mới hài hòa, hoàn thiện, trọn vẹn, vững bền và hợp quy luật trời đất. Chính điều đó đã bắt rễ sâu trong đời sống văn hóa vật chất cũng như tinh thần của người dân Việt Nam. Triết lý đó được thể hiện rõ trong cách chế biến, sản xuất kẹo cu đơ của người dân Hà Tĩnh. Trong sản phẩm kẹo, tính âm được thể hiện ở sự mềm dẻo của mạch nha, màu đen của mật mía. Tính dương được thể hiện ở vẻ cứng, nóng của lạc, cay của gừng, hình tròn của tấm kẹo.

Kẹo cu đơ là món ăn dân dã, hợp với khẩu vị của tất cả mọi người. Từ xưa người dân vùng đất Hà Tĩnh có một thói quen rất tao nhã, đêm đêm bên ấm nước chè xanh cùng thưởng thức kẹo cu đơ, cùng nhau bàn luận chuyện làng, chuyện nước, thật là ý vị và đượm tình người, tình quê. Qua việc thưởng thức, người Việt đã biểu lộ một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng. Tất cả mọi người đều chung chia với nhau một mẩu kẹo, một ấm chè xanh thể hiện tính đoàn kết, sự sẻ chia trong cuộc sống, tình thân hữu gắn kết keo sơn.

Kẹo cu đơ cũng là một nhịp cầu nối liền những người con xa xứ với mảnh đất nơi “chôn rau cắt rốn”, mảnh đất quê hương nơi họ sinh ra. Kẹo cu đơ như là niềm tự hào của những người dân Hà Tĩnh để đi đâu, ở đâu thức quà bình dị này là hình ảnh gợi nhớ quê nhà. Người dân Hà Tĩnh xem kẹo cu đơ như là linh hồn của quê hương, vừa giản dị, chân phương lại ngọt ngào tình quê.

Không có bề ngoài hấp dẫn như các loại bánh kẹo hiện đại khác, kẹo cu đơ khoác trên mình chiếc áo mộc mạc, mang nét dân dã đặc trưng của mảnh đất miền Trung nắng gió. Để mỗi lần đi xa hay trở về, những người con xa xứ lại cồn cào nhớ vị ngọt mát của mật mía, vị béo bùi của lạc, vị ấm nóng của gừng, vị thơm hăng hắc của vỏ chanh và cả vị chát ngọt, đậm hương đồi núi của chè xanh. Đơn giản là thế nhưng nó gói trọn linh hồn, gọi về ký ức thương nhớ của người Hà Tĩnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật